• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 8

    Hôm nay: 65

    Đã truy cập: 562649

Dự án: Góp phần khôi phục và phát triển bền vững nghề sản xuất cánh kiến đỏ tại huyện Mường Lát tổ chức tham quan rừng nuôi thả cánh kiến đỏ tại Điện Biên

Dự án Góp phần khôi phục và phát triển bền vững nghề sản xuất cánh kiến đỏ tại huyện Mường Lát được Quỹ môi trường toàn cầu tại Việt Nam tài trợ, Liên hiệp các hội KH&KT Thanh Hoá chủ trì tổ chức triển khai từ năm 2007-2012.

Trong khuôn khổ các hoạt động dự án, từ ngày 28 tháng 3 đến ngày 2 tháng 4 năm 2012, Ban điều hành dự án đã tổ chức chuyến tham quan học tập kinh nghiệm trồng và thả cánh kiến đỏ trên cây Cọ Khiết tại xã Huổi Lèng huyện Mường Chà tỉnh Điện Biên cho cán bộ và nông dân nòng cốt huyện Mường Lát.

Đoàn gồm hơn 20 thành viên là các thành viên Ban điều hành, nhóm chuyên gia, các cán bộ kỹ thuật hiện trường, đại diện lãnh đạo các xã thuộc vùng Dự án, thành viên tổ công tác địa phương và các nông dân nòng cốt.

Tại Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Chà, tỉnh Điện Biên, đoàn đã được chia sẻ kinh nghiêm về nuôi thả cánh kiến đỏ trên các loại cây chủ hiện có tại Điện Biên, mà chủ yếu là cây chủ Cọ khiết. Người dân Mường Chà hiện đang nuôi thả cánh kiến đỏ trên khoảng 600-700 hecta rừng Cọ khiết. Năm 2010, sản lượng sặng cánh kiến đỏ thu được ở Mường Chà trên 300 tấn khô. Có những gia đình đã thu về giá trị 500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, cũng giống như ở Thanh Hoá, nghề nuôi thả cánh kiến đỏ ở Điện Biên phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Năm 2011 là năm mất mùa, giá cánh kiến đỏ ở Điên Biên lên tới hơn 200.000 đ/kg, là giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thị trường cánh kiến đỏ thế giới đang sôi động, do nhu cầu xã hội cần dùng những sản phẩm có lợi cho sức khoẻ và môi trường, nhiều công ty trong nước đã ký hợp đồng mua sản phẩm với người dân Mường Chà ngay từ đầu vụ, nhiều hãng kinh doanh quốc tế cũng có những chuyến khảo sát tại Điện Biên để nhập sặng Cánh kiên đỏ.

 

Tại đây, đoàn đã đến thăm một số gia đình thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Chà có cơ ngơi hàng chục ha cây Cọ Khiết đang độ tuổi khai thác nuôi thả cánh kiến đỏ cho năng suất cao. Xã Huổi Lèng nói riêng cũng như huyện Mường Chà nói chung là nơi được phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng cây Cọ Khiết, giống cây này rất ưa thổ nhưỡng khí hậu ở Mường Chà. Theo đánh giá của Trưởng nhóm chuyên gia Dự án có thể Cọ Khiết sẽ sinh trưởng và phát triển rất tốt ở huyện Mường Lát vì huyện Mường Lát có điều kiện thời tiết khí hậu rất giống với huyện Mường Chà.

Thay mặt Ban điều hành dự án, Trưởng ban điều hành đã tặng Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Chà bức tranh cầu Hàm Rồng – quần thể di tich lịch sử và cảnh đẹp của quê hương Thanh Hoá, Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Chà trao tặng Dự án tập tài liệu về kỹ thuật nuôi thả Cánh kiến đỏ trên cây Cọ khiết.

Ngoài việc học tập kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiêm nuôi thả cánh kiến đỏ, đoàn còn được tham quan một số danh lam thắng cánh của vùng Tây Bắc Tổ quốc, thăm các khu di tích lịch sử Điện Biên. Nhiều hình ảnh đã được đoàn ghi lại thành những đoạn video giúp cho dự án có tư liệu truyền thông.

Chuyến đi đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho các thành viên để họ có thể đóng góp tốt hơn cho các hoạt động Dự án trong thời gian tới.

Ngân Minh Phương

 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa