Lịch sử phát triển
Liên hiệp các hội Khoa học và Kỷ thuật Thanh Hóa được thành lập theo quyết định số 483 TC/UBTH, ngày 12/4/1994 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Từ ngày thành lập đến nay Liên hiệp hội đã trải qua 6 nhiệm kỳ đại hội vào các năm 1994, 1998, 2003, 2008, 2013 và 2019.
Đại hội lần thứ nhất ( đại hội thành lập) diễn ra vào ngày 28-29/10/1994 tại hội trường lớn, khu hội nghị UBND tỉnh. Khi mới thành lập, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Thanh Hóa ( gọi tắt là Liên hiệp hội) có 5 hội thành viên với tổng số trên 8000 hội viên; các hội thành viên chủ yếu trong khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp và giáo dục & đào tạo. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Liên hiệp hội khóa I gồm 14 đồng chí, Ban Thường vụ 5 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Thát, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm chủ tịch, Tiến sỹ Đỗ Xuân Tăng-nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật tỉnh làm phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký, tiến sỹ Bùi Trọng Liên, giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường làm phó chủ tịch kiêm nhiệm. Đại hội đã thông qua điều lệ Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Thanh Hóa với 7 chương, 21 điều. Đây là Bản điều lệ đầu tiên của Liên hiệp hội.
Đại hội II diễn ra vào ngày 23/3/ 1998, đại hội này được xem là đại hội bất thường nhằm mục đích kiện toàn một bước lãnh đạo của Liên hiệp hội. Vào thời điểm đại hội Liên hiệp hội đã có 13 hội thành viên với trên 18 000 hội viên. Thời gian này cần thiết phải kiện toàn lại cơ quan thường trực. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Liên hiệp hội khóa II gồm 23 đồng chí, Ban thường vụ gồm 7 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Thát được bâù làm Chủ tịch Liên hiệp hội, tiến sỹ Bùi Trọng Liên và tiến sỹ Hoàng Gián, phó giám đốc sở Khoa học-Công nghệ và môi trường làm phó chủ tịch, đồng chí Nguyễn Thành Vinh được bầu làm Tổng thư ký.
Đại hội III diễn ra vào ngày 12 tháng 5 năm 2003, đại hội với khí thế mới, vì sau những năm 2000 phong trào hội phát triển mạnh. Đến đầu năm 2003 Liên hiệp hội đã có 20 hội thành viên tham gia với số hội viên trên 23 000 người. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 33 đồng chí, Ban thường vụ 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Thát tiếp tục được bầu giữ trọng trách Chủ tịch Liên hiệp hội chuyên trách, PGS TS Hoàng Gián và KS Trương Văn Nậm- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ được bầu làm phó chủ tịch, Cử nhân Nguyễn Thành Vinh được bầu làm phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký. Trong nhiệm kỳ này lãnh đạo hội có một số thay đổi. Tại hội nghị Ban chấp hành lần thứ 5, tháng 6 năm 2005, TS Nguyễn Mạnh An, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ được bầu làm phó chủ tịch. Tại hội nghị Ban chấp hành lần thứ 7, tháng 8 năm 2006, TS Trịnh Xuân Lương được bầu làm Phó Chủ tịch, cử nhân Phạm Ngọc Lân được bầu làm Tổng thư ký
Đại hội IV ( nhiệm kỳ 2008-2013) diễn ra vào ngày 16 tháng 6 năm 2008, thời điểm có nhiều thuận lợi cho hoạt động của các Hội nói chung và Liên hiệp các hội nói riêng. Với khí thế mới tiến quân vào KHKT mà thành công của những mô hình xây dựng nông thôn theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Giáo sư, Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng làm chủ nhiệm được thực hiện thành công tại các xã Quý Lộc huyện Yên định và xã Quảng thành, thành phố Thanh Hóa đã gây được khí thế sôi nổi trong hoạt động hội. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 33 đồng chí, Ban thường vụ gồm 9 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Thát tiếp tục được bầu tái cử giữ trọng trách Chủ tịch Liên hiệp hội; đồng chí Nguyễn Manh An- phó giám đốc sở Khoa học và công nghệ được bầu làm Phó chủ tịch kiêm nhiệm, đồng chí Trịnh Xuân Luơng được bầu làm phó chủ tịch kiêm tổng thư ký, đồng chí Phạm Ngọc Lân được bầu làm Phó chủ tịch chuyên trách. Đến cuối năm 2009, do điều kiện gia đình và sức khỏe, đồng chí Nguyễn Văn Thát xin nghỉ công tác. Ban chấp hành khóa IV tại phiên họp toàn thể ngày 20/10/2009 đã bầu tiến sỹ Nguyễn Văn Bảo- nguyên Bí thư Đảng ủy, phó hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức làm chủ tịch Liên hiệp hội.
Đại hội V ( nhiệm kỳ 2013-2018) diễn ra vào ngày 15 tháng 11 năm 2013. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 41 đồng chí, Ban thường vụ gồm 9 đồng chí, đồng chí Lê Đình Sơn được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp hội; đồng chí đồng chí Phạm Ngọc Lân được bầu làm phó chủ tịch kiêm tổng thư ký (Đến tháng 5/2015 đồng chí đồng chí Phạm Ngọc Lân nghỉ bảo hiểm xã hội), đồng chí Nguyễn Xuân Sang được bầu làm Phó chủ tịch chuyên trách.
Đại hội VI ( nhiệm kỳ 2018-2023) diễn ra vào ngày 5 tháng 7 năm 2019. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 41 đồng chí, Ban thường vụ gồm 10 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Phát được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp hội; đồng chí Nguyễn Quốc Uy được bầu làm Phó chủ tịch chuyên trách, đồng chí Nguyễn Ngọc Túy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ được bầu Phó chủ tịch kiêm nhiệm, đồng chí Phạm Kim Tân được bầu làm tổng thư ký.
Đại hội VII ( nhiệm kỳ 2024-2029) diễn ra vào ngày 25-26 tháng 3 năm 2024. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 44 đồng chí, Ban thường vụ gồm 10 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Phát được Đại hội tín nhiêm bầu làm Chủ tịch Liên hiệp hội; đồng chí Nguyễn Quốc Uy được bầu làm Phó chủ tịch chuyên trách, đồng chí Trần Duy BÌnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ được bầu Phó chủ tịch kiêm nhiệm, đồng chí Phạm Kim Tân được bầu làm tổng thư ký.
Sau hơn 30 năm hoạt động, đến nay Liên hiệp hội đã có 34 hội thành viên, 5 đơn vị liên kết và 4 trung tâm trực thuộc với tổng số trên 24000 hội viên. Trong đó, hội viên có trình độ số hội viên có trình độ từ Đại học trở lên là 12.287 người (chiếm 52%), gồm: 24 PGS, 287 tiến sỹ, 2.315 thạc sỹ và tương đương, 9.661 đại học. Đây là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động KH&CN; tuyên truyền, phổ biến kiến thức; tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Đến nay tổ chức hội đã có ở hầu hết các ngành kinh tế-xã hội của tỉnh, hoạt động của các hội thành viên luôn gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành là cơ quan bảo trợ. Để tạo điều kiện cho hội viên tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, nhất là hội viên lớn tuổi- những người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và những hội viên trẻ mới tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ra trường hoạt động; Liên hiệp hội đã thành lập 4 trung tâm trực thuộc ( đơn vị khoa học-công nghệ), 15 hội thành viên thành lập được 15 trung tâm khoa học và công nghệ. Các trung tâm KHCN của Liên hiệp hội và các hội thành viên thực sự là nơi hoạt động KHCN và tạo nguồn kinh phí cho sinh hoạt hội.
Trong quá trình xây dựng, cũng cố và phát triển tổ chức, Đảng đoàn và Ban chấp hành Liên hiệp hội đã chú trọng đến công tác điều hòa và phối hợp các hoạt động của các hội thành viên. Ban thường vụ Liên hiệp hội đã phối hợp với ban Tuyên giáo, ban Dân vận Tỉnh uỷ và sở Nội vụ theo dõi tình hình hoạt động của các hội để tham mưu đề xuất với lãnh đạo tỉnh có các chủ trương chính sách hỗ trợ các hội hoạt động. Căn cứ Điều lệ Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Điều lệ của mình, Liên hiệp hội đã tổ chức hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình với các hoạt động chủ yếu dưới đây:
Liên hiệp hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa. Đảng đoàn Liên hiệp hội đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Thanh Hóa. Hoạt động chính trị- xã hội của Liên hiệp hội luôn bám sát đường lối, chủ trương của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trân Tổ quốc tỉnh, thể hiện trong việc tập hợp, đoàn kết và vận động trí thức góp phần vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân. Tổ chức lấy ý kiến của trí thức tham gia xây dựng các văn kiện của Tỉnh uỷ qua các kỳ đại hội bằng việc tổ chức các cuộc hội thảo khoa học. Định kỳ 6 tháng và kết thúc năm Liên hiệp hội tổng hợp những kiến nghị của đội ngũ trí thức tỉnh nhà phản ánh với HĐND tỉnh. Ngoài ra Liên hiệp hội phối kết hợp với các tổ chức chính trị-xã hội khác trong MTTQ tỉnh thực hiện tốt những nhiệm vụ chung được Tỉnh ủy, UBND giao nhiệm vụ. Tiêu biểu như việc tổ chức các hội thi lao động sáng tạo, vinh danh những tập thể và cá nhân có những công trình khoa học được ghi nhận.
Hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) của Liên hiệp hội giai đoạn 1994-1999 không đáng kể, giai đoạn 200-2003 là khởi đầu. Từ 2004 đến nay Liên hiệp hội, các hội thành viên lấy hoạt động KHCN là nội dung chủ yếu, là điều kiện để tập hợp đội ngũ trí thức KHCN. Ngày nay hoạt động KHCN được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là sở trường của đội nguc trí thức và Liên hiệp hội, đồng thời là môi trường mà ở đó đội ngũ trí thức KHCN vừa đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, vừa để rèn luyện nâng cao năng lực thực tiễn của hội viên. Trong thực tế Liên hiệp hội và các hội thành viên đã bám sát vào các chương trình KT-XH, nhiệm vụ KHCN của tỉnh và của các cơ sở, các sở, ngành để tổ chức hoạt động KHCN. Việc triển khai các hoạt động KH&CN chủ yếu là thực hiện các đề tài, dự án, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KHKT. Trong 5 năm gần đây ( 2005-2010 và 2010-2019) cơ quan Văn phòng Liên hiệp hội và các hội thành viên, các trung tâm trực thuộc đều có hoạt động KH&CN. Đã tực hiện được hàng nghìn đề tài, dự án khoa học; trong đó có 11 dự án hợp tác với các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam, 217 đề tài cấp bộ và cấp tỉnh, 449 đề tài, dự án cấp cơ sở và cấp ngành. Các đề tài, dự án đều bám sátnhu cầu thực tiễn về chuyển giao KH-CN, giải quyết những vấn đề bức xúc trong sản xuất và đời sống của nmgười dân và cộng đồng. Kết quả thực hiện các đề tài, dự án đã góp phần thúc đẩy thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế- xã hội trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn, nâng cao năng lực cộng đồng, xóa đói giảm nghèo bền vững. Địa bàn thực hiện các dự án, đề tài là ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Mặt khác thông qua hoạt động KH&CN Liên hiệp hội và các hội thành viên đã huy động được các nguồn kinh phí cho đầu tư KH-CN vào phát triển sản xuất. Tổng hợp nguồn vốn các đề tài, dự án trong 5 năm gần đây trên 55 tỷ đồng, trong đó nguòn từ ngân sách tỉnh cấp 2,09 tỷ đồng, Liên hiệp hội Việt Nam hỗ trợ 470 triệu đồng, các tổ chức phi chính phủ quốc tế tài trợ 12, 5 tỷ đồng, số còn lại là vốn đối ứng của nhân dân.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPBGĐXH) bước đầu được ghi nhận. Sau khi có Chỉ thị số 42 CT/TW, ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị và quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ giao cho Liên hiệp hội Việt Nam ở TW và các địa phương nhiệm vụ TVPBGĐXH, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 163/2016/QĐ-UBND ngày 14/01/2016 giao nhiệm vụ TVPBGĐXH cho Liên hiệp hội. Đây là nhiệm vụ mới phù hợp năng lực nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ KH-KT và yêu cầu xã hội hóa hoạt động KH-CN trong cơ chế thị trường. Trong 5 năm gần đây cơ quan Thường trực Liên hiệp hội đã tổ chức để các chuyên gia đóng góp ý kiến, tư vấn, phản biện một số đề án, dự án quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH , giáo dục và đào tạo, khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường của tỉnh và các ngành, các huyện thị, thành phố trong tỉnh. Đối với các hội thành viên và các đơn vị trực thuộc thực hiện tư vấn, thẩm định các công trình và thiết kế dự toán đầu tư xây dựng cơ bản với số lượng trên 227nhieemj vụ cấp tỉnh và 270 nhiệm vụ cấp ngành, cơ sở. Hoạt động TVPBGĐXH hiện đang được triển khai trong Liên hiệp hội từ năm 2015-2019 UBND tỉnh giao Liên hiệp hội TVPBGĐXH 15 đề án, dự án lớn. Ban thường vụ Liên hiệp hội đã thành lập hội đồng tư vấn thực hiện quyết định quyết định số 163/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh và lập ngân hàng danh sách các chuyên gia để chuyẩn bị thực hiện nhiệm vụ này.
Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế đang phát triển. Trong năm năm gần đây, sau khi cũng cố và phát triển tổ chức, các hội thành viên và Liên hiệp hội đã quan tâm đến quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế. Liên hiệp hội đã thiết lập được mối quan hệ với nhiều tổ chức, cơ quan khoa học trong nước, các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam; đã có nhiều thỏa thuận với các viện nghiên cứu đầu ngành ở TW, nhiều trường đại học, các tổng công ty trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trên địa bàn Thanh Hóa.
Kể từ ngày thành lập đến nay, hoạt động của Liên hiệp hội Thanh Hóa từng bước trưởng thành và phát triển, có nhiều tiến bộ quan trọng cả về củng cố xây dựng tổ chức, tập hợp hội viên, hoạt động chính trị-xã hội, hoạt động KH-CN, phổ biến kiến thức. Những thành tích đạt được có hiệu quả cao so với điều kiện nguồn lực tài chính của các hội thành viên và Liên hiệp hội. Những kết quả đó đã góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh nhà, đồng thời nâng cao vai trò, vị thế của Liên hiệp hội trong cộng đồng. Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Thanh Hóa vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng Ba nhân 10 năm thành lập và huân chương lao động hạng Nhì nhân 15 năm thành lập, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2002 và 2018, 2022.
Ban biên tập