• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 5

    Hôm nay: 204

    Đã truy cập: 569020

Dự án cánh kiến đỏ với các hoạt động trong quý 4/2011

Trong quý 4/2011, Ban điều hành phối hợp với nhóm chuyên gia dự án đã triển khai được nhiều hoạt động đạt kết quả tốt, cụ thể là những hoạt động sau:

Hướng dẫn cho các hộ kỹ thuật thu hoạch giống kiến vụ tháng 5/2011. Trên mô hình Đậu thiều thu hoạch được 75 kg (gấp 2 lần so với số lượng giống thả); trên mô hình cây Cọ khiết phân tán thu được 62 kg (đạt gấp 3,3 lần so với số lượng giống thả). Đánh giá chung, năng suất thu hoạch cánh kiến vụ tháng 5 là không cao. Sau khi thả thì rệp kiến định cư khá tốt ở các mô hình nhưng trong quá trình sinh trưởng phát triển thì gặp phải các yếu tố bất lợi về thời tiết (Nắng nóng liên tục, kéo dài nhiều ngày, nhiệt độ không khí tăng cao) nên rệp cánh kiến phát triển kém dẫn đến năng suất thấp. Còn một nguyên nhân kiến thả vụ tháng 5 trên cây chủ Đậu thiều ở khu rừng của Bộ tư lệnh Biên phòng Quang Chiểu do tuổi cây cao (3 năm) nên lượng dinh dưỡng thiếu, lúc đầu rệp kiến đòi hỏi ít thì cây đáp ứng được nên kiến phát triển đều nhưng khi yêu cầu hút nhựa nhiều thì cây chủ không đáp ứng nên rệp kiến phát triển kém dần. ở mô hình cây Cọ Páu theo kinh nghiệm của các hộ thả kiến thì cây chủ Cọ Páu cũng không phải là cây cho năng suất cao so với các cây khác. Hơn nữa mô hình vừa được chặt nuôi dưỡng chưa hình thành các cành non thích hợp cho nên rệp kiến mất dần trên các cành già chỉ còn lại rãi rác trên cành bánh tẻ. Trong 3 mô hình đã thả chỉ có mô hình nuôi thả trên Cọ Khiết từ 2-6 tuổi đạt năng suất cao nhất. Nếu trồng 400 cây/ha xen với sản xuất nông nghiệp như ngô, lúa thì giá trị thu được từ nhựa cánh kiến còn cao hơn giá trị thu được từ cây ngô hoặc lúa.

Hướng dẫn kỹ thuật vệ sinh rừng và thả kiến vụ mùa tại các mô hình cho các hộ. Trong tháng 10/2011 Ban điều hành phối hợp với nhóm chuyên gia dự án đã hỗ trợ và hướng dẫn cho các hộ kỹ thuật vệ sinh, chặt tạo tán rừng cây chủ khác nhau để thả kiến cho người dân 4 xã vùng dự án. Kết quả đã hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân vệ sinh chặt tạo tán được 600 cây, trong đó có 300 cây Cọ Phèn, 270 cây Cọ Khiết tập trung, 30 cây Sung, Ngơn phân tán.

Hướng dẫn kỹ thuật thả cánh kiến đỏ vụ mùa năm 2011. Vụ tháng 10 năm 2011, thời gian bắt đầu thả kiến từ 4/10 đến 26/10 kéo dài tới 22 ngày. Tổng lượng giống đã thả là: 720 kg; Số hộ tham gia thả kiến là: 30 hộ, so với các vụ thả trước đây thì thời gian nở của kiến vụ này kéo dài hơn, thời gian cuối gần tiệm cận với thời gian thả kiến trái vụ của năm trước. Hiện tại do người dân thường xuyên kiểm tra, chăm sóc đúng kỹ thuật nên rệp kiến đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Tháng 10/2011, Ban điều hành dự án và nhóm chuyên gia đã hỗ trợ người dân xây dựng được 2 mô hình giữ giống trên hai loại cây chủ. Mô hình giữ giống trên cây chủ Đậu thiều: Thực hiện trên diện tích 2 ha của hộ ông Hà Văn Thằn ở bản Bàn xã Quang Chiểu. Mô hình giữ gống trên cây chủ Cọ khiết: Thực hiện trên diện tích 1 ha của hộ ông Lương Văn Bình và tổ chức thực hiện 5 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi thả kiến, nhận biết cây chủ hữu hiệu để thả kiến. Tổng số học viên tham gia 130 người. Sau lớp tập huấn đa số các học viên có thể tự mình triển khai thực hiện kỹ thuật nuôi thả kiến, nhận biết cây chủ hữu hiệu để thả kiến theo những kỹ thuật đã được hướng dẫn

Trong tháng 11 Ban điều hành phối hợp với các xã vùng dự án và UBND huyện Mường Lát đã tổ chức các cuôc hội thảo cấp xã và cấp huyện nhằm chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện các hoạt động dự án, kỹ thuật trình diễn mô hình, tiềm năng và cơ hội phát triển vùng nguyên liêu sản xuất cánh kiến đỏ ở Mường Lát, báo cáo kết quả các mô hình sản xuất cho hơn 220 lượt người tham gia tại 4 xã, thị trấn vùng dự án, 18 tham luận, báo cáo được trình bày tại các hội thảo. Ngoài ra tại các cuộc hội thảo, đại biểu các xã và huyện  đã có nhiều ý kiến đánh giá cao kết quả hoạt động của dự án và nhiều kinh nghiệm bản địa trong việc thả kiến đã được người dân và chính quyền địa phương chia sẻ.

Tháng 11 Ban điều hành phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh xây dựng được một chuyên mục Tạp chí khoa học nhằm tuyên truyền về kết quả hoạt động của dự án và hướng dẫn một số kỹ thuật cơ bản về lựa chọn giống và thả kiến. Chuyên mục đã được phát sóng trên truyền hình trong tháng 11 và đầu tháng 12/2011. Chuyên mục được đông đảo người xem đặc biệt là người dân các huyện miền núi Thanh Hóa quan tâm, tìm hiểu.

Trong 2 ngày 6-7 tháng 11 năm 2011, đoàn công tác của Ban Khoa học và Công Nghệ - Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Thường trực Liên hiệp hội Thanh Hóa đã đi thăm và kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi thả cánh kiến đỏ trên cây Cọ khiết ở vùng núi Bắc Trung Bộ” do Liên hiệp hội Việt Nam hỗ trợ và thăm các mô hình dự án “Góp phần khôi phục và phát triển bền vững nghề sản xuất cánh kiến đỏ tại huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hóa” do Quỹ môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (GEF SGP) tài trợ. Sau khi đi thăm các mô hình của đề tài và dự án triển khai tại các xã Pù Nhi, Quang Chiểu, Tam Chung và thị trấn Mường Lát, TS Nguyễn Mạnh Đôn, Trưởng Ban Khoa học công nghệ - Liên hiệp hội Việt Nam và TS Nguyễn Văn Bảo, Chủ tịch liên hiệp hội Thanh Hóa đã đánh giá cao sự cố gắng của Ban điều hành dự án, Ban chủ nhiệm đề tài khắc phục điều kiện khó khăn về đi lại, thời tiết để phối hợp lồng ghép có hiệu quả xây dựng thành công các mô hình của đề tài, dự án góp phần xoá đói giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hoá.

Với những kết quả đã đạt được trong quý 4/2011, dự án đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra trong năm 2011 và là bước tạo tiền đề để triển khai tốt các hoạt động của dự án trong năm 2012.

Phạm Kim Tân

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa