Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Thanh Hóa (TUSTA) thăm Dự án của Tổ chức Bánh mì cho Thế giới
Ngày 28/02/2023 đại diện TUSTA đã thăm và kiểm tra các mô hình sinh kế của dự án Quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng để tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro biến đổi khí hậu ở tỉnh Thanh Hóa. Đoàn đã kiểm tra các mô hình ủ phân vi sinh; nuôi ong mật và Vườn ươm cây giống rừng ngập mặn tại xã Nga Thủy, Nga Sơn, Thanh Hóa.
Với mô hình ủ phân vi sinh, hộ gia đình ông Phạm Văn Như -Thôn Hưng Đạo cho biết: Khi chưa biết đến phương pháp ủ phân vi gia đình chủ yếu dùng phân đạm nhưng hiện nay thì lượng phân đạm sử dụng rất ít. Việc sử dụng phân vi sinh tận dụng được lượng phân trâu, bò và phế liệu từ cây cói nên tiết kiệm kinh tế cho gia đình rất nhiều. Đồng thời tăng năng suất cây trồng (gia đình chủ yếu trồng cói, năng suất cói trước đây gần 3 tạ/sào/vụ nhưng từ khi sử dụng phân vi sinh đạt 4 -5 tạ/sào/vụ). Đất đai tơi xốp, giảm sâu bệnh, khả năng chống chịu thời tiết tốt.
Gia đình ông Lê Văn Thụ -Thôn Hưng Đạo: Gia đình chỉ sử dụng phân vi sinh, không sử dụng phân đạm vì phân vi sinh cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế. Hiện các hộ gia đình trong thôn cũng đang ủ phân vi sinh để thay thế cho phân hóa học.
Với mô hình nuôi ong mật, thăm hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hải- thôn Đô Lương cho biết đã nuôi được 07 thùng ong, mỗi thùng có 7-8 cầu ong. Hiện đàn ong đã đem lại cho gia đình nguồn thu nhập nhất định. Gia đình chị Hải mong muốn được nhận rộng đàn ong hơn nữa và phát huy nghề nuôi ong.
Với vườn ươm cây giống rừng ngập mặn, đã gây dựng được gần 8 tháng và hiện phát triển rất tốt. Dự án có làm rào chắn xung quanh rất chắc chắn để ngăn đàn gia súc không vào gây phá và đảm bảo an toàn cho cây giống.
(Nguồn: www.corenacca.org)