Đôi điều suy nghĩ về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở nước ta theo định hướng của Đảng
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trên quan điểm: “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển”, đã được nêu ra và bổ sung trong Cương lĩnh của Đảng.
Con người là nhân tố cơ bản có ý nghĩa quyết định trong cấu thành của lực lượng sản xuất xã hội. Đảng ta coi con người là vốn quý nhất của xã hội nước ta - nhân tố quyết định sức mạnh của quốc gia; bàn tay và khối óc của con người làm nên tất cả, tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần cho xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Con người quyết định tất cả.
Với nhận thức như vậy, Đảng ta coi chăm lo hạnh phúc cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của Đảng, của chế độ xã hội nước ta. Nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà. Phấn đấu cho mục tiêu nói trên, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI coi phát triển nhanh khoa học, công nghệ là động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đào tạo và phát triển nhanh nguồn nhân lực là yếu tố quyết định, trong đó, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là những người lao động bình thường, có tay nghề và trình độ chuyên môn giỏi ở một lĩnh vực nào đó, có khả năng đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhất, xuất sắc nhất trong thực hiện một nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật và quản lý nào đó một cách sáng tạo, hoàn hảo, mang lại lợi ích cho đất nước và xã hội. Những con người này có thể là công nhân, cán bộ kỹ thuật, các nhà chuyên môn, các kỹ sư, chuyên gia, nhà quản lý,... được đào tạo trong các trường, lớp trung cấp, đại học, trung tâm dạy nghề, các cơ sở sản xuất, kinh doanh...vv. Theo số liệu thống kê trong cuộc Điều tra dân số và nhà ở của nước ta tại thời điểm ngày 1 tháng 4 năm 2009, dân số nươc ta có khoảng 86 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 67% dân số cả nước; số người sống ở nông thôn chiếm trên 73%. Đây là nguồn nhân lực to lớn - sức mạnh của đất nước ta. Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực là một nhiệm vụ cấp bách và lâu dài của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hiện nay.
Xác định ý nghĩa chiến lược của nguồn nhân lực, Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chĩ rõ: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi; đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, văn hóa đầu đàn; đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề. Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của xã hội; có cơ chế chính sách thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo. Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, đồng thời chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt đối với người bị thu hồi đất; nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo. Quan tâm hơn tới phát triển giáo dục, đào tạo vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục, thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với người và gia đình có công, đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh giỏi, học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn”.
Những năm qua, trong khi thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh sự nghiêp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp thúc đẩy sự nghiêp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của nước nhà. Chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển con người nói chung, trong giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nói riêng. Sự nghiệp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở nước ta trong những năm qua, đặc biệt mấy năm gần đây đã đạt được những thành tựu đáng kể và có bước phát triển tốt. Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đánh giá: “Quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển. Đến năm 2010, tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng, năm 2010 đạt 40% tổng số lao động đang làm việc. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Theo số liệu thống kê của Bộ Giaó dục – Đào tao, hiện nay cả nước đã có 2.052 cơ sở dạy nghề, trong đó có 55 trường cao đẳng, 242 trường trung cấp. Ngoài hệ thống đào tạo nói trên, tham gia vào đào tạo nghề còn có 632 trung tâm, 1.123 cơ sở giáo dục, lớp dạy nghề của các doanh nghiệp, các làng nghề. Năm 2003-2004 tổng số sinh viên đại học và cao đẳng có 1.131.030 người, đến năm 2007- 2008 đã tăng lên 1.603.484 người. Năm 2008 có 233.966 sinh viên ra trường, trong đó số có 152.272 sinh viên tốt nghiệp đại học và 81.694 người tốt nghiệp cao đẳng. Số người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đều tăng nhanh. Theo số liệu thống kê năm 2008, cả nuớc có trên 14.000 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 1.131 giáo sư; 5.253 phó giáo sư; 16 nghìn người có trình độ thạc sĩ; 30 nghìn cán bộ hoạt động khoa học và công nghệ; 52.129 giảng viên đại học, cao đẳng, trong đó có 49% của số 47.700 có trình độ thạc sĩ trở lên, gần 14 nghìn giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 11.200 giáo viên dạy nghề và 925 nghìn giáo viên hệ phổ thông. Số trường đại học tăng nhanh. Tính đến đầu năm 2007, ở nước ta có 143 trường đại học, 178 trường cao đẳng, 285 trường trung cấp chuyên nghiệp và 1.691 cơ sở đào tạo nghề. Cả nước hiện có 74 trường và khối trung học phổ thông chuyên với tổng số 47,5 nghìn học sinh tại 63/64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 7 trường đại học chuyên. Năm 2008, cả nước có 275 trường Trung cấp chuyên nghiệp, 209 trường cao đẳng, 160 trường Đại học và 27.900 trường phổ thông, 226 trường dân tộc nội trú….
Những kết quả nêu trên phản ảnh sự đúng đắn của đường lối giao dục của Đảng ta và chính sách phát triển giáo dục của Nhà nước, sự nỗ lực của toàn xã hội cộng đồng dân cư ở các vùng miền trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi của tiến trình đổi mới, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà, thế mạnh về nguồn nhân lực dồi dào của nước ta chưa được phát huy đầy đủ và khai thác có hiệu quả. Chất lượng của nguồn nhân lực thấp, khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế hết sức hạn chế, có nhiều khó khăn và luôn bị thua thiệt. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực nào, ngành nào, trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, hay quản lý...trên đất nước ta đều khát khao lực lượng lao động được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao, có tay nghề thành thạo, có phong cách lao động công nghiệp. Báo cáo Chính trị Đại hội XI của Đảng chĩ rõ: “Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao vẫn còn hạn chế; chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ và dạy người. Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học lạc hậu, đổi mới chậm; cơ cấu giáo dục không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo; chất lượng giáo dục toàn diện giảm sút, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Quản lý Nhà nước về giáo dục còn bất cập. Xu hướng thương mại hoá và sa sút đạo đức trong giáo dục khắc phục còn chậm, hiệu quả thấp, đang trở thành nỗi bức xúc của xã hội”.
Theo số liệu thống kê, ở nước ta lực lượng lao động đang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, chiếm 20%, dịch vụ chiếm khoảng 26%. Điều này cho thấy, cầu về lao động giản đơn, phổ thông ở nước ta còn khá lớn. ở nước ta hiện nay có khoảng 77% số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề, số được đào tạo thì trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp còn nhiều hạn chế và yếu kém, mặc dầu, chất lượng lao động ở khu vực thành thị cao hơn nhiều so với khu vực nông thôn. Số đã qua đào tạo tại các trường đại học, cao dẳng, trung cấp dạy nghề trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, phần lớn chưa đáp ứng, phần lớn phải đào tạo bổ sung, hoặc đào tạo lại. Báo cáo của UNDP về kết quả khảo sát tại 200 doanh nghiệp Việt Nam” được công bố tháng 9-2007 cho biết: khi trả lời câu hỏi về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực các chủ doanh nghiệp đều cho rằng, hầu hết số lao động nhận vào doanh nghiệp ở các cấp bậc khác nhau, từ học nghề đến đại học, sau đại học...họ đều phải đào tạo lại; họ không hoàn toàn tin vào kết quả đào tạo của các trường đại học, các viện nghiên cứu của Việt Nam vì chất lường đào tạo thấp, nội dung đào tạo lạc hậu; khả năng độc lập công tác và nghiên cứu của người lao động thấp; sách vở, tài liệu và thiết bị thiếu và không đồng bộ lại cũ kỹ; trình độ ngoại ngữ yếu; năng lực tổ chức và quản lý thấp.
Sự phân bố nguồn nhân lực ở nước ta không đồng đều và mất cân đối, chủ yếu và phần lớn được phân bổ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn - nơi yêu cầu về kỹ năng lao động, trình độ tay nghề chưa đòi hỏi ở mức độ cao, trong khi lực lượng lao động trong nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 70%. Đây là một sự lãng phí lớn về nguồn nhân lực. Nhiều nam, nữ thanh niên đến tuổi lao động không có việc làm, hoặc không tìm được việc làm, phải chịu cảnh thất nghiệp. Đây là mâu thuẫn chưa thể giải quyết ngày một, ngày hai.
Giai cấp công nhân nước ta hiện nay có khoảng 5 triệu người, chiếm 6% dân số. Số công nhân có trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ thuật ít; trong khi đó, số công nhân có trình độ tay nghề cao, chuyên môn giỏi, chiếm tỷ lệ rất thấp, so với trình độ chung của đội ngũ công nhân. Số công nhân có trình độ cao đẳng, đại học của nước ta chỉ chiếm khoảng 3,3% trong đội ngũ công nhân nói chung. Trong khi đó, các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ,... lại rất thiếu nhân lực. Đây là mâu thuẫn chưa thể giải quyết ngày một, ngày hai. Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố tại Hà Nội ngày 9 tháng11 năm 2011, chỉ số phát triển con người HDI năm 2011 của Việt Nam là 0,728. Chỉ số này đã tăng 11% so với mức 0,651 được công bố 10 năm trước đây, nhưng không có gì thay đổi so với năm 2010. Việt Nam được xếp thứ 128 trong 187 nước được khảo sát. Báo cáo cũng cho thấy HDI năm 2011 của Việt Nam ở dưới mức trung bình so với các nước khác có mức phát triển con người trung bình và ở dưới mức trung bình của các nước Châu á Thái Bình Dương. So với các nước khác trong khu vực, HDI của Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, Malaysia,Indonesia,TháiLan, Philippines. Bà Setsuko Yamazaki - Giám đốc UNDP - cho rằng, những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong từng chỉ số thành phần của HDI (tuổi thọ, giáo dục và tăng trưởng kinh tế) cho thấy sự tiến bộ chung về phát triển con người của Việt Nam chủ yếu do tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Bà cũng cảnh báo rằng những tiến bộ về phát triển xã hội, bao gồm y tế và giáo dục diễn ra chậm hơn và đóng góp ít hơn cho HDI của Việt Nam. Bà Ingrid Fitzgerald - tác giả bản báo cáo - dẫn chứng rằng, trong năm 2011, chất lượng giáo dục của Việt Nam thấp hơn so với các nước khác. Bà nói: “Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh hiệu quả trong một thị trường ngày càng toàn cầu hoá cao và khó tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình, nếu không thể cải thiện các kết quả giáo dục và trình độ kỹ năng một cách bền vững”.
Những thực tế nêu trên cho thấy, mặc dầu đã cố gằng rất nhiều, song chất lượng nguồn nhân lực của nước ta vẫn còn thấp và nhiều bất cập, vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, lại không đồng bộ. Mọi nỗ lực của chúng ta vẫn chưa đáp ứng kịp với nhu cầu và đòi hỏi của tiến trình phát triển xã hội nói chung, của nền kinh tế, sự tiến bộ của khoa học và công nghệ nói riêng. Năng suất lao động thấp, khả năng cạnh tranh kinh tế trên thị trường hạn chế. Chẳng hạn, giai đoạn 2001 – 2010, năng suất lao động trung bình của nước ta chỉ đạt trên 5%, thấp kém nhiều lần so các nước trong khu vực, như: Hàn Quốc gấp 23,5 lần; Malaysia gấp 12 lần; Thái Lan gấp 4,5 lần và Trung Quốc gấp 2 lần. Theo báo cáo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1 tháng 4 năm 2009 của Tổng cục Thống kê, hiện nay, “ở Việt Nam, lực lượng lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật mới chỉ đạt 13,3%, trong khi dân số từ độ tuổi 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm gần 87%”; trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lao động được đào tạo nghề chỉ đạt 7 - 8%. Kết quả điều tra của Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2006 cho thấy, trong lĩnh vực công nghiệp, lao động có trình độ cao đẳng trở lên chỉ chiếm trên 16%; trung cấp: 14,6%; công nhân kỹ thuật: 28,1%; số không được đào tạo: 41,2%. Các khu công nghiệp, khu chế xuất thiếu nghiêm trọng công nhân có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; chỉ có 75,85% công nhân đang làm những công việc phù hợp với ngành nghề được đào tạo.
Hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Chúng ta đang ở trong tình trạng khan hiếm và thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực, nói chung, đặc biệt là nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có nghề nghiệp được đào tạo bài bản. Hầu hết các ngành kinh tế đều nằm trong tình trạng thiếu nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ năng lao động và tay nghề cao, thành thạo công việc. Trong bảng xếp hạng của năm 2008, yếu tố đào tạo đại học của Việt Nam được xếp ở hạng 98, và chất lượng của hệ thống giáo dục được xếp thứ 120 trong tổng số 130 quốc gia được xếp hạng. Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2008 của WEF, khi lấy ý kiến của các chuyên gia về “vấn đề đang lo ngại nhất”, các ý kiến đều cho rằng, lao động được đào tạo là một trong những yếu tố yếu kém nhất của nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay các ngành và các lĩnh vực kinh tế, xã hội nước ta đang lâm vào một cuộc khủng hoảng về nhân lực cả về số lượng và chất lượng, mà chúng ta không thể bù đắp ngay trong ngày một, ngày hai, nếu như trong thời gian tới chúng ta không có chủ trương kiên quyết, chính sách và giải pháp đồng bộ, đầu tư thỏa đàng và chính xác cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nếu ngành giáo dục, đào tạo vẫn nêu các “không” như bấy lây nay, mà không có kế hoạch, biện pháp và chính sách đột phá để giải quyết những vấn đề của đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thì hệ quả của nó sẽ rất nặng nề, không những làm chậm tiến trình phát triển của xã hội nước ta về mọi mặt, mà còn kéo lùi sự đi lên của cả dân tộc.
Thực trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trước hết, theo chúng tôi, đó là do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò quyết định của nguồn nhân lực đối với sự phát triển của xã hội nước ta. Đất nước sẽ không phát triển được, hoặc dẫm chân tại chỗ, bị tụt hậu và thua thiệt trong cạnh tranh với thế giới, đặc biệt trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập như hiện nay, khi chúng ta thua kém về tri thức, khoa học công nghệ, trình độ quản lý...vv. Đó là tư tưởng bảo thủ, chủ quan, dấu dốt, trì trệ, không chịu nhìn thẳng vào sự yếu kém của chúng ta để có đối sách phấn đấu khắc phục. Chúng ta đã nói nhiều mà làm chưa được bao nhiêu đối với phát triển nguồn nhân lực. Chúng ta đầu tư cho con người còn quá it và chưa thỏa đáng.
Hai là, từ nguyên nhân về nhận thức dẫn đến chúng ta chưa có chủ trương, chính sách cụ thể và quyết liệt đầu tư thỏa đáng cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Chúng ta thường nói đầu tư cho con người là đầu tư rẻ nhất và hiệu quả nhất, rằng đầu tư cho con người là đầu tư cho tương lai, cho sự phát triển bền vững của đất nước và dân tộc. Điều đó có nghĩa, việc đầu tư cho con người về mọi mặt, chăm lo cho con người vế giáo dục, đào tạo, giúp con người phát triển tri thức, văn hóa, chuyên môn, nghề nghiệp và sức khỏe, có đời sống vật chất, tinh thần, phong phú. Song trên thực tế, nhìn chung sự đầu tư đó chưa đúng mức, còn manh mún, dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, hiệu suất và hiệu quả chưa cao, còn nhiều lãng phí, lãng phí sức người, sức của, lãng phí nguồn nhân lực....
Ba là, sự quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, đặc biệt là ngành giáo dục-đào tạo – cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo còn nhiều khuyết điểm và nhược điểm Chúng ta chưa có chính sách và giải pháp đồng bộ để khai thác và phát huy lợi thế của nguồn nhân lực dồi dào, tính cần cù, đấu óc sáng tạo của con người Việt Nam. Chúng ta thường quá nhấn mạnh lợi thế của nước ta là có nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công rẻ...Điều đó vô tình chúng ta hạ thấp vị trí của con người Việt Nam trong thế giới hội nhập. Đặc biệt, trong thế giới bùng nổ của thông tin. Sự phát triển của tin học, của khoa học và công nghệ, đòi hỏi con người – nguồn nhân lực của xã hội nước ta phải được đào tạo bài bản, có hệ thống, giúp người lao động có văn hóa, trình độ chuyên môn, hiểu biết khoa học - kỹ thuật, công nghệ, có kỹ năng nghề nghiệp và trình độ quản lý, có sức khỏe,... đủ khả năng để đáp ứng những yêu cầu của chuyên môn và nghề nghiệp, vươn ra cạnh tranh với thế giới trên thị trường lao động và phát triển kinh tế.
Hiện nay các ngành và các lĩnh vực kinh tế, xã hội nước ta đang lâm vào một cuộc khủng hoảng về nhân lực cả về số lượng và chất lượng, mà chúng ta không thể bù đắp ngay trong ngày một, ngày hai, nếu như trong thời gian tới chúng ta không có chủ trương kiên quyết, chính sách và giải pháp đồng bộ, đầu tứ thỏa đàng và chính xác cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nếu ngành giáo dục, đào tạo vẫn nêu các “không” như bấy lây nay, mà không có kế hoạch, biện pháp và chính sách đột phá để giải quyết những vấn đề của đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thì hệ quả của nó sẽ rất nặng nề, không những làm chậm tiến trình phát triển của xã hội nước ta về mọi mặt, mà còn kéo lùi sự đi lên của đất nước ta và dân tộc ta. Chúng ta đã, đang và sẽ bị thua thiệt trên con đường hội nhập và cạnh tranh quốc tế, nếu chúng ta yếu kém trong sự nghiệp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đã đến lúc chúng ta phải điều chính mối quan hệ giữ tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, tăng trưởng đi đôi với phát triển. Nguồn nhân lực nước ta phải được đầu tư thỏa đáng để phát triển xứng đáng với tấm vóc và vị trí của nó. Chúng ta hỵ vọng và mong muốn rằng, với chủ trương và đường lối đúng đắn được nêu ra trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, với quyết tâm của Nhà nước, sự đồng thuận của toàn xã hội, những nguyên nhân, thiếu sót và yếu kém trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực sẽ được khắc phục hiệu quả, sự nghiệp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của nước ta sẽ không ngừng phát triển, góp phần đưa đất nước ta vững bước đi lên trên con đường đổi mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà và hội nhập với thế giới./.
TS. Nguyễn Văn Trung