Kỳ vọng của đội ngũ trí thức trong thực hiện nghị quyết trung ương 4
Ngày 16/01/2012, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kí nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khoá XI về “ Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay ” cho toàn Đảng, toàn dân quán triệt để triển khai thực hiện.
Nghị quyết TW4 lần này đã khái quát những thành tựu to lớn đã đạt được sau 25 năm đổi mới của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Có được những kết quả đó là do Đảng ta luôn luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nhất là phương thức lãnh đạo gắn với thực tiễn. Nhờ đó năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng lên.
Từ kinh nghiệm thực tế cho thấy: Đổi mới nền kinh tế theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN, mở cửa hội nhập theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, càng đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng ở tầm cao mới. Đây là nhân tố đảm bảo sự thắng lợi cương lĩnh chính trị, mục tiêu xây dựng CNXH, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, nền độc lập tự chủ của đất nước. Nhiệm vụ chính trị của đất nước trong thời kỳ mới là rất lớn, rất nặng nề, khó khăn, đòi hỏi Đảng phải luôn đổi mới, nâng sức chiến đấu mạnh hơn nữa nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây thực sự là một cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc và cao cả. Bên cạnh mặt tích cực của cơ chế thị trường cũng bộc lộ nhiều mặt trái tiêu cực, phức tạp. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đang nắm giữ tài sản, tiền bạc, cán bộ …trong tay, đang suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong Đảng đã có sự phân hoá giàu nghèo. Nhiều người giàu lên nhanh chóng, bất thường, họ sống xa hoa, lãng phí, ngày một xa dân, phớt lờ bổn phận “ công bộc ” của dân . Nhà triết học cổ điển người Đức đã nói: “ Người sống trong lâu đài nghĩ khác người sống trong nhà tranh”. Thậm chí còn có người công khai bày tỏ quan điểm trái với cương lĩnh, điều lệ Đảng. Người dân rất lo lắng rồi mai kia Đảng này là của ai? Có còn giữ được bản chất là Đảng cách mạng, Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc nữa hay không? Đây là điều đáng lo ngại nhất đối với một Đảng cầm quyền như Lê-nin và Bác Hồ đã từng cảnh báo. Bên cạnh những suy thoái, tiêu cực nói trên còn có sự chống phá điên cuồng và quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước âm mưu xoá bỏ chế độ XHCN ở nước ta, xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phản bác chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với nhiều thủ đoạn như “ Diễn biến hoà bình ”, “ tự diễn biến”, mang màu sắc lạnh…Nghị quyết trung ương 4 đã ra đời trong bối cảnh như thế.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị TW 4 ngày 26 tháng 12 năm 2011, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc hệ trọng nhưng rất khó…khó nhưng không thể không làm vì nó liên quan đến sinh mạng của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Nghị Quyết TW 4 đã xác định vấn đề cấp bách số 1 là kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lí các cấp. Đây là vấn đề trọng tâm, cấp bách xuyên suốt cuộc vận động.
Nghị quyết TW 4 ra đời kịp thời, đúng lúc, đáp ứng đòi hỏi dư luận xã hội ngày một bức xúc về dân chủ và tập trung, công bằng xã hội, sự phân hoá giàu nghèo giữa những “người đầy tớ”, “công bộc” của dân với những người làm chủ chứa đựng nhiều nguy cơ mâu thuẫn nội bộ . Trong lúc mọi tầng lớp nhân dân lao động, trong đó có đội ngũ trí thức đang ngày đêm lao động, học tập để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội hàng năm và dài hạn của đất nước, tiết kiệm mọi chi tiêu, kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội thì một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lí giàu lên nhanh chóng, bất thường. Họ sống cuộc đời “đế vương”, tiêu tiền như rác, quăng hàng tỷ đồng vào những canh bạc đỏ đen, chẳng mảy may thương xót dân nghèo chưa đủ miếng cơm, manh áo. Họ ngày càng quan liêu, xa dân, quên mất bổn phận đảng viên, trách nhiệm trước dân, trước đất nước. Lợi dụng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, những người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền “khôn khéo” hướng sự thống nhất vào quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt từ những người được gọi là “ekip” ăn cánh với họ. Vì vậy, dân gian mới có câu: “Hai mươi năm phấn đấu không bằng cơ cấu một giờ, bao nhiêu năm phấn đấu không bằng cơ cấu một lần”. Thường những người này thiếu tài, thiếu đức, lại cơ hội. Thế mới có chuyện chạy chức, chạy quyền, chuyện đi đêm, phong bì với “bảng giá” tuỳ theo vị trí các ghế cao thấp khác nhau. Những người này sau khi yên vị, có chức, có quyền càng phải tranh thủ thời cơ “thu hồi vốn” nhanh vì những phong bì đã bỏ ra. Vì vậy nạn tham nhũng, hối lộ mới đua nhau mọc lên như nấm cả cấp trên lẫn cấp dưới, làm xói mòn phẩm chất chính trị, đạo đức của một người cán bộ lãnh đạo cách mạng. Cũng lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyền thì thâu tóm, nhưng trách nhiệm thì đùn đẩy. Khi có thành tích thì tranh công, khi đổ vỡ thất bại thì đổ lỗi cho tập thể thường vụ, hoặc “góp cho nhỏ, bó cho tròn”, “sáng sửa, chiều sai, mai sửa lại”. Họ không dám sử dụng người tài đức vì tính thật thà, ngay thẳng của họ. Chân dung của họ sau hậu trường người dân khó biết, chỉ biết trước diễn đàn, những người “đầy tớ” của dân ở đâu họ cũng thuộc lòng câu nói cửa miệng: “Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân” hoặc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… Không phải chỉ những cán bộ, đảng viên có chức có quyền mới suy thoái đạo đức lối sống mà ngay cả một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên phường, xã, thôn, xóm, phố, ấp… cũng suy thoái về tư tưởng chính trị. Họ luôn nhìn xã hội, chế độ bằng một màu đen tiêu cực, họ luôn nghĩ “quan to thì ăn to, quan nhỏ thì ăn nhỏ”, “mẻ nào chẳng ăn, mẻ không ăn mẻ cũng chết”. Vì vậy, mới có chi bộ “họ ta”, phong kiến, cửa quyền, gây bè, kéo cánh, hạ bệ lẫn nhau, ăn chặn của dân vùng khó khăn, mới có chuyện ‘tư duy nhiệm kì”. Khi “chạy” được chức này, chức nọ dù nhỏ họ cũng tranh thủ bớt xén ngay tiền đóng góp của nhân dân ủng hộ người nghèo, đồng bào bị thiên tai, bão lụt, trẻ em tật nguyền…Bí mật chia nhau mảnh đất “bờ xôi, ruộng mật” của dân. Đảng viên không nắm giữ chức quyền (kể cả một số cán bộ trung, cao cấp đã về hưu) thì yên phận, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, ba phải, “dĩ hoà vi quý”… là hiện tượng ngày một gia tăng. Kiểm điểm, phân loại cuối năm ai cũng đạt danh hiệu đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, tập thể luôn luôn là chi bộ “trong sạch, vững mạnh”. Cán bộ phường xã biết nhưng vẫn làm ngơ, chẳng ai dại gì “ vạch áo cho người xem lưng”, bệnh thành tích mà!
Đấu tranh tự phê bình, phê bình nhất là đối với một bộ phận không nhỏ đảng viên đương chức, đương quyền là cuộc đấu tranh nội bộ không dễ chút nào vì nó đụng chạm đến lợi ích cá nhân, địa vị và danh dự của họ. Họ không dễ gì tự phê bình và phê bình với một thái độ dũng cảm, thành khẩn. Bên cạnh thái độ bình tĩnh, kiên trì, khéo léo, xây dựng, đội ngũ trí thức vẫn mong mỏi Đảng:
- Trọng chất lượng hơn số lượng, đông đảng viên chưa hẳn Đảng đã mạnh. Chất lượng (tài, đức) cán bộ, đảng viên mới quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của Đảng. Cương quyết đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên đã thoái hoá, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, như lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ đạo: “Đấu tranh với tham nhũng dù đó là ai, dù cấp nào, không có vùng cấm”.
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nội dung Nghị quyết và kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết TW 4 đến mọi tầng lớp nhân dân để người dân thấm sâu các vấn đề cấp bách trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng lần này. Từ đó xác định trách nhiệm người dân trong việc phát hiện những tiêu cực, tham nhũng cũng như giải pháp thực hiện nghị quyết một cách xây dựng, tích cực.
- Khi đã phát hiện những cá nhân, cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lí dù là cấp nào có chứng cứ suy thoái, tham nhũng, làm giàu bất chính, gây bức xúc trong dư luận xã hội thông qua lấy phiếu tín nhiệm của dân, phải nhanh chóng vào cuộc, điều tra làm rõ và xử lí công khai minh bạch. Cách xử lí quyết liệt này sẽ củng cố thêm lòng tin của dân đối vơí Đảng. Đồng thời cũng răn đe, thức tỉnh những cán bộ suy thoái tự chỉnh đốn mình, sửa mình để tiến bộ. Phải tạo ra được khâu đột phá trong công tác xây dựng đảng, bắt đúng “bệnh” như khoán mười, khoán một trăm trong nông nghiểp trước đây.
- Khi xử lí người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan phải xử lí cả người chịu trách nhiệm về công tác tổ chức, lẫn tập thể cấp uỷ tuỳ theo mức độ và hậu quả sai phạm. Không chung chung, vô thưởng, vô phạt .
- Phát huy chất vấn của BCH TW đối với các chức danh trong Đảng, công khai dân chủ hàng năm. Đồng thời hoàn thiện cơ chế mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với từng cá nhân giữ trọng trách . Huy động bằng được sức mạnh của nhân dân. Tiến hành thử nghiệm chấm điểm mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của cá nhân đứng đầu cấp uỷ các cơ quan trung ương và địa phương. Nếu 2 lần bất tín nhiệm thì kiên quyết bãi nhiệm. Rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình ra diện rộng.
- Trước đây, Đảng đã có Nghị quyết TW 3 khoá VII , Nghị quyết TW 6 khoá VIII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhưng các nghị quyết đó chưa có sức sống lan toả trong đời sống xã hội, tác dụng bị hạn chế. Rút kinh nghiệm, Bộ Chính trị, BCH TW trước hết phải đoàn kết, thống nhất quan điểm, chỉ đạo quyết liệt, nói ít làm nhiều, giải quyết được 3 khâu đột phá mang tính cấp bách. Bắt đầu từ trung ương đến địa phương, “ Đầu có xuôi, đuôi mới lọt”.
- Xây dựng tiêu chí cụ thể cho đảng viên đã nghỉ hưu để họ luôn luôn tu dưỡng, rèn luyện, không thoả mãn với quá khứ, xác định trách nhiệm, giữ được bản chất người đảng viên, đưa sinh hoạt chi bộ vào nền nếp, đổi mới và nâng cao nội dung sinh hoạt chi bộ cơ sở, phù hợp với điều kiện mới.
- Có cơ chế bảo vệ người nói thẳng, nói thật. Nói thẳng, nói thật là tư chất của người tử tế, lương thiện. Nhưng nói thẳng, nói thật không những “trung ngôn, nghịch nhĩ” (lời nói thật, khó lọt tai) mà còn “ thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt”. Thậm chí còn bị xử oan như bao vụ đã phản ánh trên báo chí.
Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ kỳ vọng Nghị quyết TW 4 lần này thực sự như một luồng sinh khí mới, lan toả tích cực trong đời sống xã hội, thực sự là Nghị quyết của lòng dân, ý Đảng.
Đặng Gia Khương
Tổng thư ký hội các ngành sinh học, hoá học Thanh Hoá