• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 2

    Hôm nay: 250

    Đã truy cập: 557875

Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế - Kinh nghiệm, thách thức và giải pháp thực hiện

Hiện nay, Liên hiệp hội Thanh Hoá có 30 hội thành viên, trong đó 28 hội chuyên ngành cấp tỉnh và 02 hội khoa học kỹ thuật cấp huyện. 5 đơn vị KHCN trực thuộc, 6 đơn vị liên kết. Với hơn 45.000 hội viên có trình độ từ cao đẳng đến đại học, trong đó có gần 60 tiến sĩ, trên 700 thạc sĩ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, đang công tác hoặc nghỉ hưu tại Thanh Hoá. Trong 18 năm qua Liên hiệp hội đã làm tốt chức năng điều hoà và phối hợp hoạt động của các hội thành viên, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ khoa học kỹ thuật, đã tổ chức được nhiều hoạt động chính trị - xã hội, KH-CN, mở rộng đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Cùng với sự phát triển chung của Liên hiệp hội tỉnh, các hội thành viên cũng lớn mạnh không ngừng đã tạo nên một mạng luới rộng lớn, có khả năng liên kết, hợp tác giải quyết những nhiệm vụ khoa học đòi hỏi sự đa ngành, liên ngành, từng buớc tạo nên sức mạnh, phục vụ có hiệu quả công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh trong thời kỳ đổi mới. Nhiều hoạt động của Liên hiệp hội đã góp phần rút ra những luận cứ khoa học giúp cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và các ngành có cơ sở khoa học trong khi hoạch định và đề ra các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH ở địa phuơng và của mỗi ngành. Các hoạt động KH-CN không chỉ mang lại lợi ích KT-XH, có giá trị về mặt thực tiễn mà còn góp phần lý giải nhiều vấn đề có tính lý luận về vai trò của KH-CN, vai trò của Liên minh công nông; sự liên kết giữa 4 nhà (nhà nuớc, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) cùng chung lo sản xuất; Lí giải vấn đề CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn trong hoàn cảnh và điều kiện của địa phuơng.

Liên hiệp hội Thanh Hoá trong những năm vừa qua, đã thực hiện thành công nhiều chương trình hợp tác quốc tế; đã thực hiện nhiều dự án từ nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Các dự án tiêu biểu là:

- Dự án: “Xây dựng mô hình sử dụng bền vững rừng luồng bản địa ở xã Nguyệt ấn, huyện Ngọc Lặc Thanh Hoá”, được tổ chức GEF SGP tài trợ do cơ quan Thường trực LHH thực hiện từ năm 2001 đến năm 2008.

- Dự án: “ Bảo tồn quỹ gen cây quế Thường Xuân, Thanh Hoá” được tổ chức GEF SGP tài trợ, do Hội Khoa học Lâm nghiệp thực hiện từ năm 2003 đến năm 2006, .

- Dự án “Nâng cao năng lực Tư vấn, Phản biện và Giám định xã hội cho các tổ chức xã hội dân sự” được tổ chức GEF SGP tài trợ, do cơ quan Thường trực LHH thực hiện từ năm 2008 đến năm 2010.

- Dự án “ Khôi phục và phát triển nghề nuôi thả cánh kiến đỏ cho đồng bào các dân tộc huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá” được tổ chức GEF SGP tài trợ, do cơ quan Thường trực LHH thực hiện từ tháng 12-2006 đến tháng 12 năm 2013.

- Dự án “xây dựng mô hình lò giết mổ an toàn vệ sinh môi trường và tiết kiệm năng lượng” được tổ chức GEF SGP tài trợ, do Hội Chăn nuôi Thú y triển khai từ năm 2009 đến năm 2012.

- Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tổn thương và tăng cường khả năng thích ứng trong giải quyết các vấn đề thiên tai/thời tiết cực đoan (lũ quét và hạn hán) tại xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy” được tổ chức GEF SGP tài trợ, do Hội Thuỷ lợi thực hiện từ năm 2010 đến năm 2012 .

- Dự án “Xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững ngành thủy sản xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa”  được tổ chức GEF SGP tài trợ, do Hội Nghề cá thực hiện từ năm 2010 đến năm 2012.

- Dự án “Giám định tác động phát triển lâm nghiệp (rừng), đa dang sinh hoc theo Quyết định 178/2001/QĐ.TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quyền hưởng thụ, nghĩa vụ hộ gia đình, cá nhân được giao, thuê nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp” tỉnh Thanh Hoá, được tổ chức GEF SGP tài trợ, do cơ quan thường trực LHH thực hiện năm 2012.

- Dự án “Quản lý lưu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đông” được tổ chức CARE quốc tế tài trợ, do cơ quan Thường trực LHH thực hiện năm 2007 đến năm 2012.

- Dự án “ Giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm dựa vào cộng đồng” được tổ chức CARE quốc tế tài trợ, do cơ quan Thường trực LHH thực hiện từ năm 2008 đến năm 2010.

Và nhiều dự án được các tổ chức phi chính phủ quốc tế khác tài trợ, như: Đại sứ quán Hà Lan, Đại sứ quán úc, Đại sứ quán Ireland, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Oxfarm, Quỹ Unilever… cho Hội Làm vườn và Trang trại, hội Giống cây trồng và Vật tư nông nghiệp, cơ quan Thường trực LHH Thanh Hoá và một số hội thành viên khác thực hiện.

Hầu hết các dự án được đánh giá là bám sát nhu cầu khoa học công nghệ  phục vụ đời sống cộng đồng các dân tộc trong tỉnh cũng như những nhu cầu bức thiết của xã hội, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực cộng đồng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, nhờ đó mà chất lượng cuộc sống của cộng đồng các vùng dự án được cải thiện rõ rệt, như Dự án “Quản lý lưu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đông” đã tạo được những kết quả và đóng góp lớn trong việc bảo tồn, quản lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển các mô hình sinh kế mang tính bền vững, phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn môi trường sinh thái và nâng cao ý thức của cộng đồng dân, đã đóng góp đáng kể vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH của huyện Bá Thước. Dự án “Khôi phục và phát triển nghề nuôi thả cánh kiến đỏ cho đồng bào các dân tộc huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá” đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng đầu nguồn, tác động đến vận động chính sách của tỉnh đối với Mường Lát trong việc xác định cơ cấu cây trồng lâm nghiệp của địa phương, đưa cây Cọ khiết vào trồng rừng sản xuất kết hợp nuôi thả cánh kiến đỏ với bảo vệ rừng đầu nguồn tại Mường Lát.

Có thể nói, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Liên hiệp hội trong thời gian qua có những bước tiến quan trọng cả về lượng và chất. Nâng cao một bước năng lực các hội thành viên và Liên hiệp hội. Đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Nâng cao vai trò và uy tín của Liên hiệp hội.

Những kinh nghiệm bước đầu.

- Mặc dù ở địa phương, khả năng tiếp cận và năng lực lập dự án cũng như trình độ ngoại ngữ cán bộ còn yếu, nhưng có quyết tâm cao, kiên trì bám đối tác, xây dựng được mối quan hệ thì dần dần tăng được điều kiện tiếp cận và sẽ có kết quả.

- Cần bố trí cán bộ có năng lực tiếp thu, kỹ năng giao tiếp, ham mê công việc thì có tiền đề tốt cho công việc và phải tìm hiểu kỹ cơ chế và tâm lý đối tác, khai thác hết thuận lợi của đối tác, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc của đối tác, để tạo niềm tin thì có nhiều thuận lợi tiếp tục dự án nhiều năm. Thực tế tại Thanh Hoá có dự án cùng một đối tác đã thực hiện nhiều pha và mở rộng nhiều dự án vì có niềm tin cho đối tác.

- Phải tạo sự đồng tình, ủng hộ của các cơ quan Nhà nước địa phương như UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ, UBND huyện, xã có dự án. Địa chỉ và cộng đồng thực hiện phải rõ ràng. Phải tạo được nội lực tốt để tiếp thu dự án hợp tác quốc tế tốt, phải có kinh phí đối ứng đầy đủ. Qua thời gian nhiều năm thực hiện, Liên hiệp hội Thanh Hoá đã tạo được đội ngũ cán bộ có khả năng thực hiện tốt hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế để đáp ứng cho giai đoạn tới.

- Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức KHCN ở Trung ương về hoạt động đối ngoại. Nhưng cần phải chủ động chứ không ỉ lại, chờ làm thay.

Khó khăn và tồn tại:

- Qui mô hợp tác quốc tế là các dự án còn nhỏ. Kinh phí thường thấp, tối đa khoảng 50.000 - 70.000 USD/một dự án, thời gian lại ngắn nên việc đánh giá hiệu quả còn hạn chế, nhất là những mô hình Lâm nghiệp.

- Số hội thành viên có hoạt động đối ngoại còn ít, như thống kê trong những năm gần đây Liên hiệp hội chỉ có 8/30 hội thành viên.

- Trình độ hoạt động hợp tác quốc tế còn yếu như: Trình độ năng lực xây dựng dự án, năng lực tiếp thị, trình độ ngoại ngữ có thể nói là quá yếu. Hệ thống tin học trong Liên hiệp hội chưa phổ cập hết, ít thông tin về tổ chức tài trợ. Kinh phí để chuẩn bị dự án hầu như không có. Sự giúp đỡ của tỉnh về mặt này chưa nhiều. Lãnh đạo một số hội thành viên và Liên hiệp hội chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của hoạt động hợp tác quốc tế, nên môi trường hoạt động và các điều kiện còn quá mỏng và yếu.

Các giải pháp:

+ Nâng cao vai trò, vị thế của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật địa phương. Tăng cường sự quan tâm hỗ trợ, điều phối của UBND tỉnh, sở Ngoại vụ, sự liên kết, hỗ trợ, hợp tác của các ban, ngành đối với hoạt động đối ngoại của Liên hiệp hội.

+ Xây dựng phương án hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế cho Liên hiệp hội và các hội thành viên. Trong đó quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường công nghệ thông tin, cơ sở vật chất hoạt động.

+ Nâng cao năng lực tiếp cận với các đối tác ngoài nước, các tổ chức Phi chính phủ, tìm hiểu những lĩnh vực ưu tiên của tổ chức đó trong các chương trình tài trợ.

+ Nâng cao trình độ giao tiếp đối tác cho cán bộ chuyên môn.

+ Nâng cao trình độ xây dựng ý tưởng và đề xuất các dự án tài trợ, hợp tác, nhằm vào các lĩnh vực chủ yếu: Hoạt động KH-CN, phát triển cộng đồng, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực hội viên và tổ chức hội, vận động chính sách v..v..

Để thúc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết các kỳ Đại hội của Liên hiệp hội Thanh Hoá và thực hiện nghị quyết của Đảng về “Trí thức Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế”. Thời gian tới, Liên hiệp Thanh Hoá tiếp tục phát huy hơn nữa thực hiện tốt các giai đoạn tiếp theo của các đề tài, chương trình dự án đã và đang thực hiện nhằm nâng cao đời sống cho cộng đồng và bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiếp tục xây dựng các đề tài, các chương trình dự án, kêu gọi các nguồn tài trợ mới, hợp tác từ bên ngoài nhằm nâng cao hơn nữa uy tín, vai trò và vị trí của Liên hiệp hội góp phần xứng đáng trong sự nghiệp CNH - HĐH tỉnh nhà.

 Phạm Ngọc Lân

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa