• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 4

    Hôm nay: 503

    Đã truy cập: 557586

Hoạt động tư vấn,phản biện và giám định Xã hội-Những điều muốn nói!

Vai trò của hoạt động tư vấn, phản biên, giám định Xã hội

Hoạt động tư vấn,phản biện và giám định Xã hội(TVPBGĐXH) có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra các quyết sách của Đảng và Nhà nước đối với các dự án phát triển kinh tế -xã hội,an ninh quốc phòng trước khi ban hành.Hoạt động này bổ sung thêm các luận cứ khoa học,cơ sở thực tiễn một cách chân thực,khách quan,tạo ra sự đồng thuận xã hội lớn giữa các nhà quản lý và người thực hiện,từ đó mà tính  khả thi cao,ứng dụng được công nghệ mới,kĩ thuât tiến bộ,tiết kiệm và hiệu quả.

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tiến hành từ đầu những năm 2000 .Cho tới nay VUSTA đã tham gia tư vấn, phản biện nhiều vấn đề trọng điểm được Đảng, NN và dư luận xã hội đánh giá cao và đã trở thành  một kênh thông tin quan trọng cho các cấp ra quyết định. Vì thế, hoạt động này ngày càng được nhắc đến nhiều hơn với sự tin cậy của xã hội.

Đến nay hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp các Hội KH&KT (LHH) nhằm giúp các ngành, các cấp, có thêm cơ sở, luận cứ khoa học trong quá trình xác định, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các đề án.  Chủ tịch UBND tỉnh Thanh hóa cũng đã ban hành quyết định số 2792/QĐ-UBND ngày 12/8/2010 giao nhiệm vụ TVPBGĐXH cho Liên hiệp các Hộị KH&KT Tỉnh.         Đây là cơ hội để đội ngũ trí thức Tỉnh nhà được đóng góp tiếng nói chính thức của mình vào các đề án nhằm phát triển kinh tế-xã hội góp phần làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp.

Những năm qua ,cả cơ quan thường trực LHH cũng như các Hội thành viên đã tổ chức để các chuyên gia và lực lượng hội viên tham gia tư vấn phản biện các đề án như qui hoạch tổng thể phát triển KT-XH,giáo dục đào tạo,khoa học công nghệ,môi trường và nhiều dự án đầu tư khác đem lại kết quả bước đầu tương đối khả quan.Tuy nhiên,hoạt động này phần nhiều còn mang tính chất tự phát, tự chạy dự án, nhỏ lẻ, phân tán, chưa có bài bản,hiệu quả thấp,chưa được sự tin cậy của các cấp lãnh đạo và nhìn chung còn nhiều bất cập.Vậy đâu là những điều muốn nói nhất đối với hoạt động này?.

Sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh :

Có thể nói Tỉnh rất quan tâm đến đội ngũ trí thức.Đội ngũ trí thức được đánh giá rất cao, nhất là trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới và hội nhập.Thực tế là trí thức đang nắm vai trò quan trọng trong công tác quản lý cũng như trong việc đổi mới tư duy, cách làm,ứng dụng khoa học kỹ thuật,công nghệ mới vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội.Tỉnh cũng rất quan tâm tạo cho trí thức các điều kiện thuận lợi trong các hoạt động cụ thể,đặc biệt là hoạt động của Liên hiệp các Hội KH&KT bằng cả các văn bản pháp lý cũng như kinh phí, cả cho các Hội thành viên(năm 2010).Trong hoạt động TVPBGĐXH, năm 2011 UBND tỉnh đã giao Liên hiệp hội TVPBGĐXH 5 đề án, dự án lớn, điều đó thể hiện Tỉnh đang quan tâm theo dõi tới hoạt động này.Tuy nhiên đây là vấn đề còn mới và khó,còn nhiều vướng mắc,nếu không được tháo gỡ thì những kết quả đạt được sẽ dừng lại,không thể tiếp tục phát huy.

Tính chất của hoạt động TVPBGĐXH

Hoạt động tư vấn,phản biện và giám định xã hội là hoạt động khoa học đòi hỏi phải có chuyên môn sâu,có tổ chức,có qui trình qui phạm,không phải cứ có ý muốn là có thể làm được và  bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào ở đâu cũng có thể làm được.Nó không đơn giản như việc lấy ý kiến của giới trí thức cho một số dự án mà chúng ta vẫn thường làm mỗi khi có sự kiện nào đó vì nếu chỉ lấy ý kiến thì ai cũng có thể có ý kiến được.Vấn đề ở đây là phải có một tổ chức tập hợp được đông đảo các chuyên gia có chuyên môn sâu để thực hiện TĐGĐPBXH cho mỗi dự án cụ thể.Như vậy đòi hỏi hoạt động TĐPBGĐXH phải có tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên nghiệp càng cao thì hiệu quả mới càng lớn.

Một số bất cập

Lực lựơng đội ngũ trí thức Thanh Hóa đông vào loại bậc nhất so với nhiều Tỉnh ,Thành trong cả nước.Riêng Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Tỉnh đã thu hút trên 35.000 trí thức khoa học và công nghệ,nhưng không phải ai cũng làm được TVPBGĐXH.Lực lượng trí thức có trình độ từ đại học trở lên chỉ chiếm khoảng 22-23%,tỉ lệ người giỏi lại ít hơn rất nhiều. Tìm ra được những chuyên gia phù hợp cho từng đề án cần được tư vấn, phản biện và giám định là không dễ: Đó phải là những người có trình độ chuyên môn cao,biết lắng nghe và chắt lọc ý kiến hay của người khác,không tự cao tự đại chỉ thấy mình là nhất. Hơn thế nữa những chuyên gia này phải là những người đầy tâm huyết, dám vượt qua những mặc cảm của một bộ phận không nhỏ có thái độ bài khích và đặc biệt là những khó khăn do cơ chế đang còn nhiều vướng mắc.Liên hiệp các Hội khoa học Tỉnh với 26 Hội thành viên, là nơi tụ hội các đồng nghiệp của nhiều lĩnh vực khác nhau,có thể họ hiểu nhau hơn cả.Vì thế chức năng TĐPBGĐXH được UBND Tỉnh giao cho LHH là phù hợp để LHH tiến hành hoạt động này thuận lợi, khắc phuc được những bất lợi nêu trên.

Nút thắt cần được tháo gỡ

Nhìn lại các đề án,dự án TĐPBGĐXH mà lâu nay LHH và các Hội thành viên đã làm dễ dàng nhận thấy đó là sản phẩm của cơ chế “xin-cho”(Kể cả 5 dự án phản biện lớn mà UBND Tỉnh giao cho LHH năm 2011).Nếu vẫn cách làm này liệu những năm tới họ có thể có thêm bao nhiêu đề án TĐPBGĐXH ?. Hoạt động của Hội là hoạt động phi lợi nhuận,tuy nhiên vẫn phải có kinh phí mới có thể làm được,vậy liệu các Ban,Ngành,các Địa phương được Tỉnh giao  làm chủ dự án có giám bỏ tiền ra để thuê thêm một tổ chức biết cách “soi mói”vào những thiếu sót của đề án?. ( chưa nói đến Tiền đó lấy ở đâu ?).Vị thế và ảnh hưởng của đội ngũ trí thức liệu có được nâng lên dưới con mắt nhiều người,khi phải chạy qua nhiều cửa để giải quyết hàng loạt vướng mắc trước khi nhận được dự án cũng như các khâu hậu kiểm,thanh toán sau dự án?.Tư vấn, phản biện và giám định xã hội chỉ có thể tiến hành được trong những điều kiện nhất định, nếu không, hoạt động này hoặc chỉ mang tính hình thức hoặc lại được hiểu theo một hướng khác,dẫn đến sự “lẫn tránh” mà một bộ phận không nhỏ trí thức vẫn quan niệm như lâu nay.

Nút thắt cần tháo gỡ cho hoạt động TVPBGĐXH nằm ở chỗ nào?.

Theo cách nghĩ cuả người viết bài này đó chính là khâu “cải cách hành chính” trong công tác quản lý.Việc quản lý các dự án KT-XH được thực hiện như các dự án đầu tư khác.Cơ quan chức năng có thể vận dụng cơ chế chỉ định thầu đối với một số dự án dành cho LHH hoặc Hội thành viên nào đó được không?.Đối với các dự án quan trọng cần được phản biện để Tỉnh có thêm căn cứ khoa học trước khi phê duyệt, cơ quan chức năng có thể tham mưu cho Tỉnh đồng thời phân bổ kinh phí thẩm định (được trích ngay từ tổng dự toán của dự án đó) để Tỉnh xem xét quyết định ngay từ trước khi giao kế hoạch cho các ngành các cấp được không?.Tôi nghĩ là được.

Nếu các đơn vị,tổ chức có đề án nhận thức được vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự đóng góp của họ,đồng thời có sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh đối với các cơ quan quản lý cấp trên như sở Kế hoạch,sở Tài chính và các ban ngành khác,tin rằng những vướng mắc hiện nay sẽ được tháo gỡ.Hoạt động TVPBGĐXH của LHH theo quyết định số 2792/QĐ-UBND ngày 12/8/2010 của chủ tịch UBND Tỉnh sẽ được thực hiện có hiệu quả,không kém nhiều Tỉnh khác, góp phần nâng cao chất lượng và tính khả thi của các đề án, phục vụ đắc lực hơn cho công cuộc xây dựng đổi mới Tỉnh nhà.

Lê mạnh Hợp

PCT Hội KHKT

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa