Cần sớm tháo gỡ khó khăn hoạt động tư vấn phản biện, giám định xã hội của Liên hiệp hội
Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm mục đích cung cấp cho các tổ chức và cơ quan có chương trình dự án đầu tư các luận cứ khoa học mang tính độc lập, khách quan, trung thực khi đề xuất, xây dựng, thẩm định, quyết định phê duyệt và triển khai thực hiện dự án đạt kết quả và hiệu quả cao, tránh được sai sót gây lãng phí tốn kém đầu tư công quỹ của nhà nước và nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30-1-2002 về hoạt động tư vấn phản biện giám định xã hội của Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Ngày 1-4-2003, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 27/2003 hướng dẫn về cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn phản biện và giám đinh xã hội.
Ngày 12-8-2010, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số: 2792/2010/QĐ-UBND quy định về hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hoá. Những tưởng sau khi có cơ chế mới của tỉnh sẽ mở ra nhiều thuận lợi cho hoạt động tư vấn phản biện của Liên hiệp hội và đội ngũ trí thức khoa học trong tỉnh, nhưng từ đó đến nay việc triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn; Các ban ngành, các cơ quan, tổ chức có các chương trình dự án đầu tư không mặn mà với công tác tư vấn phản biện. Mặc dù Liên hiệp hội thực hiện chủ trương của UBND tỉnh đến làm việc trực tiếp với các ngành để phối hợp nhưng rất ít được ủng hộ. Do đó kết quả hoạt động tư vấn phản biện đạt được rất ít ỏi so với yêu cầu đề ra.
Nguyên nhân có thể nêu lên mấy vấn đề sau:
Một là chưa có được nhận thức đầy đủ mục đích ý nghĩa quan trọng của công tác tư vấn phản biện đối với các chương trình dự án đầu tư.
Hai là tại khoản 2-Điều 5 của QĐ 2792/2010/QĐ-UBND tỉnh đã quy định: Không là một thủ tục đầu tư, không thay thế công việc tư vấn, thẩm định, giám định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức tư vấn hoạt động theo quy định của pháp luật. Như vậy nếu không có hồ sơ tư vấn phản biện của Liên hiệp hội thì vẫn không thiếu trong thủ tục trình duyệt dự án. Do đó các cơ quan, ban ngành thiếu mặn mà, không muốn đặt hàng về tư vấn phản biện cũng là điều dễ hiểu.
Ba là cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn phản biện vẫn khó khăn.Tại khoản 1-Điều 12 QĐ-2792 của tỉnh đã quy định rõ: Kinh phí cho tư vấn phản biện sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và được bố trí trong dự toán kinh phí lập quy hoạch, kế hoạch dự án nhưng khi các cơ quan lập dự toán thì Tài chính không chấp nhận, cơ quan lập dự án không có kinh phí chi trả cho cơ quan làm tư vấn phản biện. Do đó, mặc dù có một số dự án dược tỉnh giao tư vấn phản biện đã hoàn thành trong năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán chi phí.
Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị 42/CT-TW của Bộ Chính trị đã có nội dung sửa đổi bổ sung một số quy định của công tác tư vấn phản biện theo QĐ-2792/UBND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Khó khăn vẫn còn đang ở phía trước cho năm 2012. Đề nghị Liên hiệp hội khẩn trương giải quyết./.
Khương Bá Tuân