Phát huy thành công và thế mạnh của đội ngũ trí thức KH&CN Thanh Hóa, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Thấy rõ được tầm quan trọng của hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) nên trong thời gian qua Đảng, Nhà nước ta đã định hướng, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản, cơ chế chính sách khuyến khích hoạt động này; Các cấp, các ngành, địa phương đã tạo điều kiện hỗ trợ; mọi tầng lớp xã hội hưởng ứng tham gia, trong đó có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của đội ngũ trí thức, khoa học công nghệ (KHCN) thông qua đại diện là Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) từ trung ương đến địa phương.
Tại Thanh Hóa, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm đến công tác TVPB&GĐXH, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 về hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội Việt Nam, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 2683/UB-KHCN ngày 27/8/2002 triển khai Quyết định nêu trên. Tiếp đó, ngày 12/8/2010 lại ban hành Quyết định số: 2792/2010/QĐ-UBND kèm theo quy định về hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội Thanh Hoá và Quyết định số 2956/2011/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị ( khóa X) tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Công văn số 2230/UBND-NN ngày 19/4/2011 giao Liên hiệp hội Thanh Hóa thực hiện TVPB&GĐXH các dự án, đề án của tỉnh do các sở, ban, ngành chủ trì xây dựng.
Thực hiện chỉ đạo, giao nhiệm vụ của UBND tỉnh, hơn 10 năm qua Liên hiệp hội Thanh Hóa đã chủ trì hoặc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận tổ quốc thực hiện công tác TVPB&GĐXH; trong đó có việc tham gia đóng góp dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và XVII; Các dự thảo về chủ trương, cơ chế chính sách đầu tư phát triển KT-XH theo từng chương trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2006-2010, 2011-2015, định hướng đến năm 2020 và 2030…trong đó đáng chú ý có:
- Giám định tác động phát triển lâm nghiệp, đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Giám định hiệu quả thực hiện các quyết định của UBND tỉnh, như: Quyết định số 3017/2005/QĐ-UBND về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu bò trên địa bàn Miền núi; Quyết định số 4101/2005/QĐ-UBND về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2006 - 2010.
- Phản biện các Đề án: "Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Tây - Nam Thanh Hoá đến năm 2010", "Quy hoạch tổng thể bảo vệ môi trường Thanh Hoá đến năm 2020"; "Quy hoạch phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020", "Du nhập và phát triển đàn bò thịt chất lượng cao tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2012 - 2020", "Qui hoạch vùng thâm canh Luồng tập trung tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011- 2020", "Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến 2030"; Ngoài ra đã cùng Liên hiệp hội Việt Nam phản biện Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua rừng Quốc gia Cúc Phương; Tham gia TVPB&GĐXH một số đề án, dự án KT-XH cấp huyện và đề án tái cơ cấu kinh tế một số ngành trong tỉnh.
Cùng với các nhiệm vụ được giao, Liên hiệp hội tỉnh đã thực hiện Tư vấn, thẩm định theo đề nghị của các đơn vị chủ quản, chủ trì, như: Tư vấn lập và chỉ đạo thực hiện Dự án xóa đói giảm nghèo xã Bãi ngang Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa; Tư vấn, thẩm định Đề cương và nội dung Bộ tài liệu giảng dạy nghề nông dùng trong Trung tâm học tập cộng đồng các huyện, thị xã và thành phố Thanh Hóa.
Hoạt động tư vấn phản biện không chỉ tập trung đầu mối tại Liên hiệp hội tỉnh, mà các hội thành viên, các Trung tâm trực thuộc đều có các hoạt động này (thường là tư vấn miễn phí theo đề nghị của các Hợp tác xã, doanh nghiệp, hoặc tổ chức xã hội...). Tổng hợp những năm qua cho thấy có tới gần 80% số hội thành viên tham gia tư vấn, thẩm định các dự án đầu tư, thiết kế dự toán các công trình xây dựng hoặc tư vấn, phản biện các qui hoạch, đề án, dự án cho các sở, ban ngành; điển hình như: Hội Cầu đường, Hội Qui hoạch đô thị, Hội Khoa học Thủy lợi, Hội Y dược học, Hội Luật gia, Hội Tin học, Hội Giống cây trồng & Vật tư nông nghiệp... Nhiều cán bộ, chuyên gia trong hệ thống Liên hiệp hội đã tham gia phản biện, ủy viên trong các hội đồng KH&CN từ cấp Bộ, ngành Trung ương đến địa phương.
Có thể nói, hoạt động TVPB&GĐXH hơn mười năm qua của đội ngũ trí thức KH&CN trong hệ thống Liên hiệp hội Thanh Hóa rất đa dạng, phong phú với tinh thần trách nhiệm cao; luôn đảm bảo yêu cầu qui định về thời gian, nội dung và chất lượng tốt; được các đơn vị tư vấn, xây dựng dự án, đề án đánh giá cao và tiếp thu chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ khi trình duyệt. Kết quả của TVPB&GĐXH là một trong những căn cứ khoa học quan trọng giúp lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các cấp xem xét, trước khi ban hành các quyết định.
Về kinh phí chi cho TVPB&GĐXH rất hạn hẹp do Liên hiệp hội là tổ chức hoạt động phi lợi nhuận, TVPB&GĐXH là trách nhiệm chính trị, xã hội, nên thường phải lồng ghép nhiều nguồn kinh phí khác nhau để hỗ trợ thực thi nhiệm vụ này, song kết quả đạt được là khá tốt; đã giúp lãnh đạo các ngành, các cấp có được những luận cứ khoa học khi quyết định phê duyệt các dự án, đề án, các cơ chế chính, sách phù hợp; Đồng thời, thông qua các hoạt động TVPB&GĐXH, khả năng tập hợp đội ngũ trí thức, KH&CN; trình độ tổ chức, năng lực chỉ đạo, sự thành công và uy tín của Liên hiệp hội Thanh Hóa ngày càng nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn lại hơn 10 năm qua, hoạt động TVPB&GĐXH vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Nguyên nhân chủ quan trước hết thuộc về Liên hiệp hội (sẽ cụ thể trong một bài khác); nhưng về phía cơ quan nhà nước các cấp cũng có một số vấn đề về văn bản và công tác chỉ đạo, như:
- Tại Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg:
+ Không có Điều về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Tuy ở Khoản 3 Điều 1, có nêu TVPB&GĐXH "các chính sách, các chương trình, dự án, đề tài về phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ và môi trường có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm hoặc đa ngành, do các cơ quan xây dựng, thực hiện hoặc trình cấp trên phê duyệt" nhưng thiếu qui định rõ loại đề án nào có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm như thế nào cần phải thực hiện TVPB&GĐXH và chưa qui định cụ thể loại đề án nào có TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội.
+ Tại Điều 2 có nêu TVPB&GĐXH là do các cơ quan Nhà nước đặt yêu cầu và do Liên hiệp hội tự đề xuất; nhưng qui định chưa cụ thể và đầy đủ nên Liên hiệp hội không phát huy được quyền chủ động thực hiện các nhiệm vụ này; Không có qui định các loại đề án, dự án nào, cấp nào cần phải lấy ý kiến TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên. Vì vậy, các sở, ban ngành, UBND các cấp chưa thường xuyên yêu cầu hay đặt hàng TVPB&GĐXH với Liên hiệp hội.
+ Tại Điều 3 tuy có nêu các trách nhiệm của cơ quan đặt yêu cầu TVPB&GĐXH, nhưng lại không qui định trách nhiệm trả lời các ý kiến không tán thành.
+ Tại Điều 5 chưa qui định rõ ràng về nguồn và cơ chế tài chính cho hoạt động TVPB&GĐXH, nên quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập.
- Tại Quyết định số 2792/2010/QĐ-UBND của Thanh Hóa:
+ Về cơ bản có các nội dung tương tự như Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg; Riêng Khoản 2, Điều 5 đã quy định Tư vấn phản biện (TVPB) "không là một thủ tục đầu tư, không thay thế công việc tư vấn, thẩm định, giám định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức tư vấn hoạt động theo quy định của pháp luật". Nên một số sở, ban, ngành, UBND huyện cho rằng trong hồ sơ trình duyệt đề án, dự án không cần thiết phải có ý kiến của Liên hiệp hội.
+ Về cơ chế tài chính: Tại Khoản 1, Điều 12 có ghi: Kinh phí cho TVPB sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và được bố trí trong dự toán kinh phí lập quy hoạch, kế hoạch dự án. Nhưng trong thực tế khi các cơ quan lập dự toán chi TVPB cho hội thường không được chấp nhận, nên rất khó khăn, bất cập trong việc tiếp cận, đăng ký và triển khai thực hiện nhiệm vụ TVPB của các hội chuyên ngành thành viên nói riêng và Liên hiệp hội nói chung.
Những khó khăn vướng mắc nêu trên đã được đề nghị chỉnh sửa. Rất may là Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành mới Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg, ngày 14/02/2014 về hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 05 tháng 4 năm 2014 (thay thế Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg).
Nghiên cứu Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg chúng ta thấy có nhiều nội dung, điểm mục, khoản và điều mới, cụ thể rõ ràng hơn so với Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg; Bước đầu đã đem lại niềm vui, sự tin tưởng cho đội ngũ trí thức KH&CN hoạt động trong lĩnh vực TVPB&GĐXH. Chắc rằng trong quá trình triển khai thực hiện sẽ không bị khó khăn, vướng mắc (như đã nêu ở trên). Tuy nhiên để quyết định mới này nhanh chóng "đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao và bền vững"; xin có một số kiến nghị, đề xuất sau:
1/ Đối với các ban, ngành và UBND các cấp ở Thanh Hóa:
- Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản mới cùng chính sách khuyến khích hoạt động của Liên hiệp hội nói chung và nhiệm vụ TVPB&GĐXH nói riêng, như: Chỉ thị số 42-CT/TW- Bộ Chính trị và Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg…là một trong những phương sách rất tốt để mở rộng dân chủ, gắn kết thống nhất giữa Đảng, Nhà nước, xã hội dân sự trong nền kinh tế tri thức và kinh tế thị trường thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Đề nghị các ban, ngành và UBND các cấp tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đạt hiệu quả cao và bền vững.
- Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành công văn chỉ đạo triển khai Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg; trong đó có việc giao nhiệm vụ TVPB&GĐXH cho Liên hiệp hội và các ban, ngành, UBND các cấp trong tỉnh phối hợp triển khai thực hiện Quyết định nêu trên; Đồng thời cho phép tổ chức hội nghị-hội thảo chuyên đề về hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội Thanh Hóa, như: Sơ tổng kết thực hiện Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg; và 2 quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa là: Quyết định số 2792/2010/QĐ-UBND và Quyết định số 2956/2011/QĐ-UBND.
- Các ban, ngành và UBND các cấp ở tỉnh cần tạo điều kiện cho Liên hiệp hội Thanh Hóa nói chung, các hội thành viên nói riêng tiếp cận, thực thi nhiệm vụ TVPB&GĐXH khi xây dựng, trình duyệt các đề án, dự án…do đây là thế mạnh đặc biệt của hệ thống Liên hiệp hội, hoạt động không vì lợi nhuận; không bị ràng buộc hành chính; TVPB&GĐXH là trách nhiệm chính trị - xã hội, đóng góp trí tuệ của đội ngũ trí thức KHCN vào việc chung; Kết quả TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội luôn đảm bảo tính thực tế, khoa học và khả thi cao; Giúp lãnh đạo có cơ sở khoa học khi quyết định phê duyệt đề án, dự án, qui hoạch...
2/ Đối với Liên hiệp hội Thanh Hóa:
- TVPB&GĐXH là nhiệm vụ quan trọng đã được xác định rất rõ trong Điều lệ của Liên hiệp hội từ Trung ương đến địa phương. Cần tích cực tuyên truyền về Liên hiệp hiệp hội nói chung và hoạt động TVPB&GĐXH nói riêng; Xác định TVPB&GĐXH là thế mạnh, là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của Liên hiệp hiệp hội; Từ đó chỉ đạo, có biện pháp củng cố, đào tạo và phát triển nguồn lực; Tổ chức hoạt động phải chuyên nghiệp, thực tế và khả thi theo tinh thần đổi mới từ cơ sở các hội thành viên; Phối hợp, điều hoà hợp lý các hoạt động trong hệ thống Liên hiệp hội; Lựa chọn, tập hợp được đội ngũ cán bộ, chuyên gia có tư duy phản biện; kiến thức chuyên sâu, có các kỹ năng tốt, công tâm khi làm việc và sẵn sàng chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung TVPB&GĐXH, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của các cấp, các ngành, đơn vị sử dụng.
- Khẩn trương sơ tổng kết đánh giá, tìm nguyên nhân thành công, chưa thành công và yếu kém trong công tác TVPB&GĐXH; Tham mưu, đề nghị UBND tỉnh tổ chức hội nghị - hội thảo, sơ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg, nhất là Quyết định số 2792/2010/QĐ-UBND; Triển khai Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg, các văn bản mới của Trung ương và tỉnh về nhiệm vụ TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội.
Là tổ chức chính trị - xã hội tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức KHCN, Liên hiệp hội Thanh Hóa gồm 30 hội thành viên, 7 trung tâm KHCN trực thuộc, 5 đơn vị liên kết với 20 ngàn hội viên; trong đó có 52 Tiến sỹ, 1.002 Thạc sỹ và rất nhiều kỹ sư, cử nhân, cao đẳng có tâm huyết và trình độ cao - là thế mạnh đặc biệt mà chưa tổ chức nào có được. Với bề dầy kinh nghiệm và thành công trong hoạt động hội, từ nay theo chủ trương của Đảng, cơ chế chính sách mới đã và sẽ được ban hành của Trung ương và tỉnh. Cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, chính quyền, đoàn thể các cấp, chắc chắn Liên hiệp hội Thanh Hóa sẽ phát huy được tiềm năng, thế mạnh và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có hoạt động TVPB&GĐXH; góp phần tích cực vào việc hoạch định và thực hiện thành công các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án…phát triển kinh tế, xã hội, môi trường trong thời kỳ CNH, HĐH Quê hương, Đất nước.
Nguyễn Xuân Sang
Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Thanh Hóa