• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 2

    Hôm nay: 239

    Đã truy cập: 729658

Liên hiệp Hội Thanh Hóa: Xác định tư vấn phản biện là nhiệm vụ quan trọng

Hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội (TVPBGĐXH) của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả, đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, địa phương.

Hoạt động này là sự thể hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ đóng góp trí tuệ nhằm đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án, đề án… nhằm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các tổ chức có thêm căn cứ, cơ sở để xem xét quyết định các vấn đề quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

TVPB&GĐXH là nhiệm vụ quan trọng đã được xác định rất rõ trong Điều lệ của Liên hiệp hội từ Trung ương đến địa phương. Cần tích cực tuyên truyền về Liên hiệp hiệp hội nói chung và hoạt động TVPB&GĐXH nói riêng; Xác định TVPB&GĐXH là thế mạnh, là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của Liên hiệp hiệp hội; Từ đó chỉ đạo, có biện pháp củng cố, đào tạo và phát triển nguồn lực; Tổ chức hoạt động phải chuyên nghiệp, thực tế và khả thi theo tinh thần đổi mới từ cơ sở các hội thành viên; Phối hợp, điều hoà hợp lý các hoạt động trong hệ thống Liên hiệp hội; Lựa chọn, tập hợp được đội ngũ cán bộ, chuyên gia có tư duy phản biện; kiến thức chuyên sâu, có các kỹ năng tốt, công tâm khi làm việc và sẵn sàng chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung TVPB&GĐXH, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của các cấp, các ngành, đơn vị sử dụng.

Chia sẻ với vusta.vn, ông Nguyễn Văn Phát – Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm đến công tác TVPB&GĐXH, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 về hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 2683/UB-KHCN ngày 27/8/2002 triển khai Quyết định nêu trên. Tiếp đó, ngày 12/8/2010 lại ban hành Quyết định số: 2792/2010/QĐ-UBND kèm theo quy định về hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội Thanh Hoá và Quyết định số 2956/2011/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị ( khóa X) tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Công văn số 2230/UBND-NN ngày 19/4/2011 giao Liên hiệp hội Thanh Hóa thực hiện TVPB&GĐXH các dự án, đề án của tỉnh do các sở, ban, ngành chủ trì xây dựng.

Trong những năm qua, Liên hiệp Hội Thanh Hóa đã chủ trì hoặc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận tổ quốc thực hiện công tác TVPB&GĐXH; trong đó có việc tham gia đóng góp dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và XVII; Các dự thảo về chủ trương, cơ chế chính sách đầu tư phát triển KT-XH theo từng chương trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2006-2010, 2011-2015, định hướng đến năm 2020 và 2030… điển hình là giám định tác động phát triển lâm nghiệp, đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Giám định hiệu quả thực hiện các quyết định của UBND tỉnh, như: Quyết định số 3017/2005/QĐ-UBND về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu bò trên địa bàn Miền núi; Quyết định số 4101/2005/QĐ-UBND về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2006 - 2010.

Phản biện các Đề án: "Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Tây - Nam Thanh Hoá đến năm 2010",  "Quy hoạch tổng thể bảo vệ môi trường Thanh Hoá đến năm 2020"; "Quy hoạch phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020", "Du nhập và phát triển đàn bò thịt chất lượng cao tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2012 - 2020", "Qui hoạch vùng thâm canh Luồng tập trung tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011- 2020", "Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến 2030"; Ngoài ra đã cùng Liên hiệp hội Việt Nam phản biện Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua rừng Quốc gia Cúc Phương; Tham gia TVPB&GĐXH một số đề án, dự án KT-XH cấp huyện và đề án tái cơ cấu kinh tế một số ngành trong tỉnh.

Cùng với các nhiệm vụ được giao, Liên hiệp hội tỉnh đã thực hiện Tư vấn, thẩm định theo đề nghị của các đơn vị chủ quản, chủ trì, như: Tư vấn lập và chỉ đạo thực hiện Dự án xóa đói giảm nghèo xã Bãi ngang Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa; Tư vấn, thẩm định Đề cương và nội dung Bộ tài liệu giảng dạy nghề nông dùng trong Trung tâm học tập cộng đồng các huyện, thị xã và thành phố Thanh Hóa.

Hoạt động tư vấn phản biện không chỉ tập trung đầu mối tại Liên hiệp hội tỉnh, mà các hội thành viên, các Trung tâm trực thuộc đều có các hoạt động này (thường là tư vấn miễn phí theo đề nghị của các Hợp tác xã, doanh nghiệp, hoặc tổ chức xã hội...). Tổng hợp những năm qua cho thấy có tới gần 80% số hội thành viên tham gia tư vấn, thẩm định các dự án đầu tư, thiết kế dự toán các công trình xây dựng hoặc tư vấn, phản biện các qui hoạch, đề án, dự án cho các sở, ban ngành; điển hình như: Hội Cầu đường, Hội Qui hoạch đô thị, Hội Khoa học Thủy lợi, Hội Y dược học, Hội Luật gia, Hội Tin học, Hội Giống cây trồng & Vật tư nông nghiệp... Nhiều cán bộ, chuyên gia trong hệ thống Liên hiệp hội đã tham gia phản biện, ủy viên trong các hội đồng KH&CN từ cấp Bộ, ngành Trung ương đến địa phương.

Những năm qua, các hội thành viên đã tham gia tư vấn phản biện, thẩm định 125 đề tài, dự án cấp tỉnh, ngành, sở và đóng góp ý kiến vào 153 dự thảo Luật, văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, nổi bật phải kể đến như hội dược học, hội dân tộc học và nhân học, hội khoa học lâm nghiệp, hội khoa học thủy lợi... Ngoài ra, hội luật gia, câu lạc bộ lâm nghiệp còn tư vấn pháp luật cho hàng chục ngàn lượt người dân, giúp người dân giải quyết những vấn đề có liên quan đến pháp luật. Các đơn vị liên kết của LHH, đặc biệt là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa (VCCI) cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp của địa phương.

 TVPB&GĐXH là hoạt động cung cấp tri thức, kinh nghiệm, thông tin, tư liệu cùng với sự phân tích, đánh giá, kiến nghị cho cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền; là hoạt động đưa ra nhận xét, đánh giá, phê bình và các khuyến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án với mục tiêu và các điều kiện đã quy định hoặc thực trạng đặt ra. Đồng thời, xác định tính khoa học, tính thực tiễn, tính khả thi của đề án hoặc một vấn đề, một sự việc cụ thể. Hoạt động này được thực hiện trên cơ sở khoa học, thực tiễn, độc lập, khách quan và không vì mục đích lợi nhuận.

Sự phát triển của xã hội sẽ kéo theo nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đòi hỏi có sự tác động của hoạt động quản lý trên các lĩnh vực. Hiệu quả của sự tác động phụ thuộc vào mức độ đóng góp, chia sẻ của các cơ quan quản lý, nhà khoa học, đội ngũ trí thức. Chính vì vậy, hoạt động TVPB&GĐXH càng có ý nghĩa và đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hoạt động TVPB&GĐXH chỉ phát huy hiệu quả tối đa khi được tổ chức, thực hiện một cách khoa học, trung thực, bài bản và sát với yêu cầu thực tiễn.

HT

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa