Công nghệ vũ trụ của người Việt: Đang tầm lớp 1
Dự kiến, năm 2012, vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat-1 nặng 130 kg, được chế tạo dựa vào nguồn vốn ODA của Pháp sẽ được phóng vào vũ trụ. Việt Nam sẽ chủ động được nguồn tư liệu ảnh vệ tinh, theo dõi được trái đất, biển Đông, hải đảo…
Năm 2012, Việt Nam có vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên
Từ khi có “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”, Việt Nam đã có nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ vũ trụ khác như: làm chủ VINASAT -1, xây dựng Trung tâm Vũ trụ Hòa Lạc, khánh thành trạm thu ảnh vệ tinh đầu tiên vào tháng 7/2009.
"Thủ tướng đã phê duyệt Dự án “Nghiên cứu chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên và thiên tai”, chúng ta sẽ sớm có vệ tinh nhỏ của Việt Nam - VNREDSat-1" - TS Doãn Minh Chung - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện KHCN Việt Nam thông báo.
Dự kiến, năm 2012, vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat-1 nặng 130 kg, được chế tạo dựa vào nguồn vốn ODA của Pháp sẽ được phóng vào vũ trụ. Việt Nam được gửi một số kỹ sư tham gia vào quá trình chế tạo để chuyển giao công nghệ.
TS Chung nhấn mạnh: “Chúng ta có thể mua ảnh vệ tinh của nước ngoài nhưng ngoài chuyện đắt ra, vấn đề là không chủ động được vị trí, tọa độ cần chụp ảnh, về thời gian cần chụp ảnh, phụ thuộc vào nước ngoài.
Nếu có vệ tinh riêng, chúng ta sẽ chủ động được nguồn tư liệu ảnh vệ tinh, theo dõi được hiện trạng mặt đất, biển Đông, hải đảo, biến động của môi trường, cảnh báo sớm được thiên tai, hạn chế được nhiều thiệt hại về người và của cải, đặc biệt là thiệt hại về người".
Thực tế, suốt từ năm 1991 tới năm 2006, các hoạt động ứng dụng công nghệ vệ tinh vẫn có nhưng mang tính tự phát, ngành nào có điều kiện tài chính và nhu cầu vẫn mua ảnh vệ tinh của nước ngoài về để sử dụng. Mỗi tấm ảnh vệ tinh tùy độ phân giải, thời gian yêu cầu... mà có giá từ vài trăm đến vài nghìn USD/cảnh.
Pico - Dragon chỉ là vệ tinh dạng sinh viên thiết kế
Về việc tự chế tạo vệ tinh, TS Phạm Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Khoa học Công nghệ VN, Chủ nhiệm chương trình chế tạo vệ tinh Pico – Dragon nói: "Công nghệ chế tạo vệ tinh ở Việt Nam đang ở lớp 1 mà vệ tinh Pico - Dragon chỉ mang tính chất đào tạo”.
Theo một số chuyên gia khác, mô hình vệ tinh Pico – Dragon trưng bày ở triển lãm công nghệ vừa qua chỉ là mô hình kỹ thuật, mới thử nghiệm mặt đất. Nhưng dù có phóng thành công vệ tinh này, đó cũng chưa thể coi là một thành tựu trong công nghệ chế tạo vệ tinh Việt Nam.
Chế tạo vệ tinh nhỏ loại Pico và Nano đang là xu hướng của sinh viên một số trường đại học công nghệ ở Mỹ và thế giới trong 10 năm trở lại đây. Bộ khung của quả vệ tinh cũng như các linh kiện được bán sẵn trên mạng, sinh viên chỉ có nhiệm vụ thiết kế, lắp ráp các linh kiện sao cho vệ tinh có thể thực hiện được một nhiệm vụ đơn giản nào đó.
“Chế tạo các vệ tinh Pico là một hình thức đào tạo ít tốn kém, để kỹ sư Việt Nam nắm bắt được những nguyên lý cơ bản về chế tạo vệ tinh. Sắp tới, Việt Nam cũng sẽ tham gia vào nhóm cơ điện tử trong dự án chế tạo quả vệ tinh 50kg của Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” - TS Tuấn nói.
"Sản xuất vệ tinh tối thiểu cũng phải tự chế tạo ra được một vài linh kiện chính, mang hàm lượng tri thức Việt Nam. Đến năm 2020, Việt Nam có thể nắm được cơ bản về việc chế tạo, chứ để có một vệ tinh ’made in Việt Nam’ chắc cũng phải mất thêm vài năm nữa” - GS Trần Mạnh Tuấn, Ủy viên Ủy ban KHCN Vũ trụ kết luận.
Được biết, các nước đi trước Việt Nam về công nghệ vũ trụ như Nigeria đã cử đội ngũ kỹ thuật đi học về chế tạo vệ tinh nhỏ đợt thứ hai; Angeria đã cử đến đợt thứ ba mới đang đặt hi vọng có thể chế tạo thành công.