• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 7

    Hôm nay: 346

    Đã truy cập: 868731

Cỏ Hương bài, giải pháp mới xử lý chất thải chăn nuôi

Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi là vấn nạn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Trong kỹ thuật xử lý chất thải, hiện bà con thường sử dụng công nghệ biogas, nhưng trên thực tế, còn nhiều phương pháp hữu hiệu vừa có giá thành rẻ, lại dễ sử dụng, đơn cử như dùng cỏ Hương bài (Vetiver)

Cỏ Hương bài (còn gọi là Hương lau) hay cỏ Vetiver đã được nhiều địa phương triển khai trồng. Cỏ Vetiver được nhiều nước khuyến cáo sử dụng như biện pháp kỹ thuật sinh học nhằm ổn định đất ở sườn dốc, mái dốc, xử lý nước thải, vùng đất ô nhiễm, cải thiện môi trường, ép lấy tinh dầu dùng làm mỹ phẩm, dược phẩm, làm thức ăn chăn nuôi.

Ứng dụng cỏ Vetiver để xử lý nước thải là công nghệ được đánh giá cao và có triển vọng. Do hiệu quả cao, đơn giản, nên hệ thống cỏ Vetiver (Vetiver System - VS) đã được ứng dụng tại hơn 100 nước trên thế giới. VS góp phần cải thiện chất lượng nước thải và xử lý nước bị ô nhiễm bằng cách giữ lại bùn đất; hấp thụ kim loại nặng và các chất gây ô nhiễm; khử độc các hóa chất nông - công nghiệp và tiêu thụ lượng lớn nước thải (6,861 lít nước/kg sinh khối khô cỏ Vetiver/ngày). Australia và Trung Quốc đã công bố kết quả thực nghiệm trồng 3,5ha cỏ Vetiver có thể xử lý 4 triệu lít nước thải/tháng trong mùa hè và 2 triệu lít/tháng trong mùa đông.

Trung Quốc vốn là nước nuôi nhiều lợn nhất thế giới, riêng tỉnh Quảng Đông có tới 1.600 trại lợn, trong đó có hơn 130 trại sản xuất hơn 10.000 con lợn thịt/năm. Mỗi trại xả ra 100 - 150 tấn nước thải/ngày. Cỏ Vetiver đã đồng chiến thắng với cỏ Cyperus Alternifolius trong việc xử lý hữu hiệu lượng nước thải khổng lồ.

Ở Việt Nam, cỏ Vetiver thực ra đã được du nhập rất lâu những chủ yếu được trồng để lấy tinh dầu. Đến năm 2001 - 2003, sau nhiều thí nghiệm thành công, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Giao thông Vận tải mới cho phép sử dụng cỏ Vetiver vào các mục đích giảm nhẹ thiên tai, chống sạt lở các công trình giao thông. Tuy nhiên, gần đây, một số thử nghiệm tại một nhà máy chế biến thủy sản cho thấy khả năng xử lý nước thải của Vetiver rất cao. Theo đó, hàm lượng ôxy hòa tan (DO) sau xử lý bằng cỏ Vetiver tăng từ 2,95 - 4,93mg/lít trong 12 ngày, hiệu suất đạt tới 67,12%. Nhu cầu ôxy hóa học (COD) giảm đáng kể, từ 420mg/lít xuống còn 120mg/lít sau 12 ngày xử lý và giảm 1,92 lần so với trước khi xử lý. Hàm lượng nitơ cũng giảm 1,94 lần, hàm lượng P giảm 2,503 lần. Nguồn nước sau khi xử lý có các thông số kỹ thuật đạt TCVN: 5945 - 2005 loại B...

Điều đó chứng tỏ cỏ Hương bài có khả năng xử lý chất thải chăn nuôi rất hữu hiệu.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa