• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 7

    Hôm nay: 53

    Đã truy cập: 559149

Phản biện Đề án phát triển Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030

Sáng 26-4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (gọi tắt là Liên hiệp hội) đã tổ chức Hội thảo khoa học phản biện Đề án phát triển Đài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH) tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (sau đây viết tắt là Đề án).

Đồng chí Nguyễn Văn Phát, Chủ tịch Liên hiệp hội chủ trì hội nghị; tham dự có các thành viên Hội đồng khoa học phản biện; một số chuyên gia Liên hiệp hội; đại diện lãnh đạo Đài PT&TH tỉnh Thanh Hóa.

Căn cứ vào dự thảo Đề án và các tài liệu có liên quan được Đài PT&TH tỉnh gửi đến Liên hiệp hội; ý kiến của các thành viên Hội đồng phản biện và các chuyên gia, Liên hiệp hội đã xây dựng báo cáo nghiên cứu (mang tính đề dẫn) phục vụ hội thảo phản biện.

Theo đó, dự thảo Đề án do Đài PT&TH tỉnh xây dựng với kết cấu thành 5 phần, gồm: Sự cần thiết, căn cứ và phạm vi xây dựng đề án; đánh giá thực trạng giai đoạn 2017-2022; quan điểm, mục tiêu, giải pháp chủ yếu xây dựng và phát triển Đài PT&TH Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025 và đến năm 2030; đề xuất, kiến nghị và tổ chức thực hiện.

Nhìn chung, dự thảo Đề án có bố cục, kết cấu rõ ràng, tương đối hợp lý, cân đối về nội dung giữa các phần; xác định rõ nhiệm vụ phát triển Đài PT&TH trong thời gian tới. Tuy nhiên, tên gọi, kết cấu, nội dung của dự thảo Đề án cần được nghiên cứu chỉnh sửa để sát với thực tiễn và thuận lợi khi triển khai thực hiện. Một số nội dung chưa logic, thiếu nhất quán về trình bày và số liệu (về căn cứ xây dựng Đề án; nội dung giữa thực trạng, hạn chế, nguyên nhân và phương hướng…), giữa các phần chưa cân đối. Đây là Đề án để ứng dụng, trong phạm vi một đơn vị cụ thể, nội dung đánh giá cần sát hơn, số liệu cần định lượng rõ ràng hơn.

Tại hội thảo, các ý kiến thảo luận đều cơ bản thống nhất sự cần thiết phải ban hành Đề án. Đồng thời, cũng làm rõ các vấn đề liên quan đến tên đề tài, kết cấu, bố cục, nội dung được trình bày trong từng phần của đề án, trong đó nhấn mạnh các nội dung: Tập trung phân tích lý giải về điều kiện, sự cần thiết phải đầu tư, thực hiện các nhiệm vụ đổi mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng chương trình PT&TH, thông tin nền tảng số. Xác định những tồn tại, hạn chế trên các mặt hoạt động của các chương trình PT&TH của PT&TH tỉnh, từ đó xác định đúng các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế làm cơ sở khoa học và thực tiễn xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển trong giai đoạn tới. Cần xác định rõ mục tiêu cần đạt được ở hai điểm mốc thời gian quan trọng đó là 2025 và 2030 để làm cơ sở đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện Đề án.

Các ý kiến tham gia nhận xét, đánh giá của các thành viên Hội đồng phản biện là cơ sở, căn cứ để đơn vị xây dựng Đề án chỉnh sửa, bổ sung bố cục, hoàn thiện nội dung bảo đảm tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Trần Hằng

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa