• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 2

    Hôm nay: 180

    Đã truy cập: 562764

Giải bài toán kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học

Ngày 27-6, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Vấn đề kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam”.

 

       Trong hệ thống các cơ quan báo chí hiện nay của Việt Nam, ngoài các cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, thành phố hoạt động như đơn vị sự nghiệp công lập được cấp kinh phí hoạt động (hoàn toàn hoặc một phần) thì có hơn 70 cơ quan báo chí thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam phần lớn đang thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính.

       Theo PGS. TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam có hệ thống báo chí lớn, tiềm năng phát triển mạnh các hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức, tư vấn phản biện và giám định xã hội, là kênh quan trọng trong việc phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 

tm-img-alt

PGS. TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

       Thời gian qua, báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã không ngừng cải thiện nội dung, phương pháp làm báo, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin ngày càng cao của các nhà khoa học, trí thức và bạn đọc cả nước. Tuy nhiên, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay là rất lớn, trong đó có vấn đề kinh tế báo chí.

       Bàn về câu chuyện chuyển đổi số báo chí, ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: "Trong xu hướng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, cần làm tốt và bắt kịp xu thế vận động và phát triển của kỷ nguyên công nghệ số. Nếu cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công, cần phải có công nghệ và giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và sự liên kết giữa các cơ quan báo chí. Do đó, kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số đã tiệm cận dần đến từ khóa "kinh tế báo chí số".

 

tm-img-alt

Ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị

       Để phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, theo ông Nguyễn Thành Lợi, báo chí cần phải thay đổi tư duy, cần coi trọng công nghệ làm báo hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà các cơ quan báo chí trên thế giới đã đưa ra triết lý làm báo mới: Nội dung và công nghệ phải song trùng. Quan điểm “Công nghệ là Nữ hoàng" hay "Công chúng là số 1" đã và đang chi phối thị trường báo chí toàn cầu, trong đó Việt Nam không nằm ngoại lệ.

       Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí truyền thông cần xây dựng bộ phận và đội ngũ những người làm truyền thông, quảng cáo chuyên nghiệp. Tăng cường tổ chức sự kiện, tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng. Những hoạt động trách nhiệm xã hội đó, làm tăng uy tín và thương hiệu của các cơ quan báo chí, đây là 1 trong 4 trụ cột trong chiến lược phát triển dài lâu của cơ quan báo chí trong tương lai.

       Theo Bà Trần Thị Giang - Phó Tổng Biên tập kiêm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Tự động hóa ngày nay đề xuất, báo chí thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam cần coi trọng đồng bộ công tác đổi mới nội dung và phát hành, có chiến lược phát triển nguồn thu cho cơ quan báo chí, tạo cơ chế chính sách hợp lý để huy động nguồn lực tập thể. Tăng tính chủ động, sáng tạo và năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên trong tòa soạn báo chí. Xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tài chính phù hợp đặc thù của hoạt động báo chí.

 

tm-img-alt

Ông Đào Quang Bính - Tổng Thư ký Tòa soạn Thời báo Kinh tế Việt Nam

       Ông Đào Quang Bính - Tổng Thư ký Tòa soạn Thời báo Kinh tế Việt Nam chia sẻ: Khi nền kinh tế thị trường phát triển mạnh, nhu cầu quảng bá sản phẩm xuất hiện và ngày càng lớn. Do có tính thị trường kép với hai nguồn thu chính từ độc giả và từ nhà sản xuất-nhà quảng cáo, nguồn thu của báo chí ngày càng đa dạng, tạo điều kiện cho báo chí phát triển mạnh mẽ. Hai điểm tựa quyết định cho kinh tế báo chí, kinh tế truyền thông là sản phẩm báo chí truyền thông và dịch vụ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Kinh tế báo chí trở thành động lực phát triển cho báo chí.

 

tm-img-alt

Đại biểu phát biểu

       Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận thêm một số nội dung về chuyển đổi số đa nền tảng - công cụ để phát triển kinh tế báo chí; nâng cao khả năng tự chủ tài chính với cơ quan báo chí... Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để các đơn vị báo chí tự chủ của Liên hiệp Hội Việt Nam tháo gỡ khó khăn như: Coi trọng đồng bộ công tác đổi mới các nội dung và phát hành; xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tài chính phù hợp với đặc thù của hoạt động báo chí; tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản…

HT (Vusta.vn)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa