Xây dựng và phát triển văn hóa, nâng cao vị thế đất và người Thanh Hóa trong thời kỳ CNH, HĐH
hanh Hóa - miền non xanh, nước biếc nằm vắt ngang đất Việt với dòng Mã giang ăm ắp mỡ màu từ non cao đổ ra biển lớn đã nuôi lớn thể chất và tâm hồn người dân nơi đây, đời nối đời trung dũng, anh hùng mà giàu nhân nghĩa, đức hy sinh, góp phần đắp bồi, dựng xây nên đất nước Việt Nam hùng cường, tươi đẹp. Nhận xét về đất và người Thanh Hóa, sử gia Phan Huy Chú từng ghi những dòng tuyệt bút: “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông... Núi sông rất đẹp... Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ quý, cũng khác mọi nơi. Bởi đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”.
Xứ Thanh - miền đất đồng hành với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Qua các di chỉ khảo cổ học: Núi Đọ, hang Con Moong, Đa Bút, Cồn Cổ Ngựa, Gò Trũng, Hoa Lộc, làng cổ Đông Sơn... cho thấy trên miền đất này từng xuất hiện nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa quan trọng của dân tộc. Thanh Hóa cũng chính là đất “phên dậu” lại vừa là đất “thang mộc”, đất “quân vương” của các triều đại phong kiến Việt Nam suốt từ Tiền Lê, Hồ, Hậu Lê, Trịnh, Nguyễn...; là Kinh Đô của nhà Hồ (Tây Đô), thời Lê sơ (Lam Kinh), thời Lê Trung hưng (Vạn Lại - Yên Trường), đất kinh kỳ ấy đã đem đến cho xứ Thanh sự ảnh hưởng sâu sắc về chính trị, kinh tế - xã hội... của các thời đại, đồng thời cũng thể hiện sắc thái riêng của xứ Thanh lan tỏa và hòa quyện vào đất Việt.
Nổi danh là miền đất “địa linh nhân kiệt”, xứ Thanh đã sản sinh cho non sông, đất nước nhiều bậc quân vương, anh hùng hào kiệt và cả các văn thần, võ tướng xuất chúng. Tiến sĩ người Pháp H. Le Breton nhìn nhận: “Thanh Hóa... là sân khấu của các bản trường ca lớn của lịch sử Đại Việt”. “... Thanh Hóa đã sản sinh ra các vị khai sáng các triều đại nổi tiếng nhất...”, tiêu biểu như: Bà Triệu, Khương Công Phụ, Lê Hoàn, Lê Văn Hưu, Hồ Quý Ly, Lê Lợi, Lương Đắc Bằng, Đào Duy Từ... và những công trình kiến trúc, nghệ thuật nổi tiếng: Thành Nhà Hồ, Cung Bảo Thanh, Khu Di tích Lam Kinh, Thái miếu Bố Vệ, khu bái lăng Đa Bút, Yên Phú, lăng Lê Đình Châu, Nguyễn Văn Nghi, Quận Mãn, Ngô Thì Hiến, Ngô Thì Hải..., hành cung Vạn Lại, Yên Trường...; Lăng miếu Gia Miêu - Triệu Tường thời Nguyễn... thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và nhân cách của người dân xứ Thanh trong lịch sử và văn hóa dân tộc.
Với 1.535 di tích, ở đó không chỉ chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa qúy giá và đặc sắc, mà còn chứa đựng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, góp phần hình thành và tạo nên tính cách con người nơi đây anh dũng, quật cường, đầy dũng khí, vượt lên gian khó để chiến thắng thiên tai và các thế lực bạo tàn, song lại thấm đẫm tính nhân văn, giàu lòng nhân ái và đức hy sinh xả thân vì nghĩa lớn, vì lợi ích và sự trường tồn của cộng đồng. Thông qua các giá trị của di sản văn hóa, giúp cho Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu biết sâu sắc về lịch sử và con người tỉnh Thanh đời nối đời đã sản sinh xuất hiện những người anh hùng tài giỏi, vì dân, vì nước, chính họ đã làm nên và tô đẹp cho truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc trên đất xứ Thanh. Những giá trị văn hóa đó đã và đang tiếp tục được bảo tồn và phát huy trong thời kỳ đổi mới, hội nhập.
Từ mạch nguồn văn hóa dân tộc và quê Thanh - nguồn sức mạnh nội sinh, những năm qua và đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2015-2020, thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận và tích cực tham gia của Nhân dân, sự nghiệp văn hóa, thông tin ở tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến và phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Coi trọng xây dựng và phát triển con người văn hóa, trở thành nguồn lực và trọng tâm của phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua hoạt động văn hóa, sáng tạo nghệ thuật, bên cạnh việc xây là phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống quan điểm sai trái phương hại đến văn hóa, lối sống và thuần phong mỹ tục của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn Thanh Hóa trong thời gian qua cũng còn những hạn chế, bất cập, đó là: Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế, chính trị, chưa trở thành nguồn lực, động lực phát triển tốt. Văn hóa trong xây dựng con người “vừa hồng, vừa chuyên” chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có giải pháp khắc phục xuống cấp, đẩy lùi sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức, lối sống và những biểu hiện phản văn hóa gây bức xúc trong xã hội. Môi trường văn hóa chưa thật sự trong sạch, lành mạnh. Công tác quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trong tỉnh còn hạn chế. Chưa tích cực tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của thế giới để vận dụng sáng tạo nhằm xây dựng và phát triển văn hóa con người tỉnh Thanh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, quê hương.
Thanh Hóa là miền đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng, đồng hành cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Thực hiện Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đang đặt ra cho Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nỗ lực phấn đấu để xây dựng Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới cần làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững cần tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.
Nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong tỉnh hiểu biết sâu sắc về vai trò, động lực của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng; thực hiện Kết luận số 82-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đưa văn hóa vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội; khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong tỉnh trở thành động lực phát triển để Thanh Hóa sớm trở thành giàu đẹp, hiện đại.
Hai là, coi trọng xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa Đảng, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, xây dựng văn hóa trong bộ máy Nhà nước mà một trong những nội dung quan trọng chính là đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức đảng, Nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, công chức, viên chức, trong từng đảng viên, hội viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh. Xây dựng và phát triển văn hóa góp phần “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Ba là, phát huy phẩm chất, năng lực của “Người xứ Thanh bên cái chất tế nhị, mềm mỏng, khôn khéo của người xứ Bắc là cái chất chân thật, cởi mở, mộc mạc, thô phác, thẳng thắn của người miền Trung, vì thế họ dễ thích nghi hòa hợp cho dù ra Bắc hay vào Nam”. Xây dựng con người Thanh Hóa bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, kỷ cương, nghĩa tình và giàu lòng nhân ái đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước, quê hương gắn với thực hiện có hiệu quả Đề án phát huy các giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; củng cố, duy trì, nâng cao kết quả và chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng gia đình, làng bản, xã phường, cơ quan, đơn vị văn hóa và kiểu mẫu. Thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; gìn giữ và phát huy thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp; ngăn chặn đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, hủ tục; đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế, trong các doanh nghiệp, coi con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, để văn hóa phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của xã hội và mặt trái của kinh tế thị trường bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội hài hòa và cân đối.
Bốn là, thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt chú trọng các di tích cách mạng; phục dựng và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tiêu biểu là lễ hội và các loại hình dân ca, dân vũ, tri thức dân gian, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc... phục vụ Nhân dân và phát triển du lịch. Nghiên cứu phục hồi, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Năm là, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Thanh Hóa phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, cần chú trọng phát huy sự năng động, sáng tạo, sự đổi mới, tiếp biến và làm giàu tri thức không ngừng của mỗi cán bộ, đảng viên và mọi người dân; huy động sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu sắc thái văn hóa quê Thanh, để phát triển văn hóa, giáo dục, thể dục - thể thao, y tế vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, nhằm tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc quê Thanh và đất nước.
Sáu là, chủ động mở rộng hợp tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa, nâng cao hình ảnh, vị thế của miền đất và con người Thanh Hóa đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Phát triển văn hóa phải đi đôi với phát triển văn học - nghệ thuật, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, xây dựng văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đồng bộ với sự phát triển nhanh, bền vững của kinh tế - xã hội. Cần tiếp tục tăng cường các nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa, bảo đảm phát triển văn hóa đồng bộ với tăng trưởng kinh tế, hình thành nền tảng tinh thần vững chắc cho xã hội.
Để đất nước và tỉnh Thanh phát triển bền vững chính là làm cho văn hóa thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người, làm cho hàm lượng trí tuệ, văn hóa trong các lĩnh vực của đời sống con người phát huy đến mức cao nhất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Cần phát huy nguồn sức mạnh nội lực của văn hóa trong mỗi con người, mỗi dân tộc, của đất nước và tỉnh Thanh như: lòng yêu nước, đạo lý truyền thống, tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vươn lên tiếp cận tri thức khoa học - kỹ thuật, giá trị chân – thiện - mỹ... thì mỗi gia đình, làng bản, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện về trí tuệ, nhân cách và lối sống cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế, coi con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, để văn hóa phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của các nhân tố khách quan và chủ quan, của điều kiện bên trong và bên ngoài, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội luôn hài hòa và cân đối.
Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên quê hương Thanh Hóa phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; nâng cao hình ảnh và vị thế của đất và người Thanh Hóa trong thời kỳ CNH, HĐH đã và đang được đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc nỗ lực phấn đấu để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, phát triển bền vững, xây dựng và bảo vệ vững chắc đất nước, quê hương gàu đẹp, văn minh.
Hoàng Bá Tường