• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 11

    Hôm nay: 74

    Đã truy cập: 728509

Văn hóa xứ Thanh khát vọng vươn mình

Nếu ví văn hóa xứ Thanh như một cô gái, thì đó chắc chắn là cô gái có đủ “hương, sắc” hấp dẫn kẻ yêu cái đẹp tìm hiểu, khám phá. Từ “vành nôi nhân loại” núi Đọ với sơ kỳ thời đại đồ đá Cũ cách ngày nay 30 - 40 vạn năm tới “Mặt trời Đông Sơn” bên bờ sông Mã và tiếp diễn bởi hàng ngàn năm dựng nước - giữ nước cùng dân tộc... Tất cả đã tạo nên lắng đọng phù sa của “dòng sông văn hóa” xứ Thanh.

Dòng “phù sa” văn hóa

Nói về vị thế và cảnh sắc của xứ Thanh, bao bậc tao nhân mặc khách khi đến với vùng đất này đã không thể cầm lòng thốt lên những nhận định cảm xúc diễm lệ về một vùng đất cuối Bắc đầu Trung của nước Đại Việt. Và, xin mượn lời của sử gia Phan Huy Chú trong Dư địa chí sách Lịch triều hiến chương loại chí viết về trấn Thanh Hoa: “Thanh Hoa mạch núi cao chót vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Nam Sơn, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa hội tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi...”.

Ngày nay, khi nói về Thanh Hóa, người ta vẫn thường ví nơi đây như một Việt Nam thu nhỏ với ba vùng miền đặc trưng: miền núi, đồng bằng và vùng biển. Là đồng bằng sông Mã phì nhiêu, tươi tốt, nơi phát hiện ra nền văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ; một dải bờ biển kéo dài hơn 102 km với đậm đặc những giá trị văn hóa vùng biển đặc trưng và miền Tây xứ Thanh với thế núi cao, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc anh em đến nay vẫn là “miền đất hứa” cho những ai khát khao kiếm tìm, trải nghiệm cuộc sống gần gũi thiên nhiên.

Là bàn tay tạo hóa từ thuở hồng hoang đã ưu ái và cả ngàn năm thăng trầm lịch sử dân tộc đi qua để lại cho vùng đất xứ Thanh ngày nay những giá trị, vẻ đẹp riêng có. Vén “bức màn” thời gian, tìm về lịch sử, hậu thế không khỏi lắng lòng trước lớp lớp giá trị mà cha ông xưa nhọc công gây dựng, gửi gắm trong từng công trình di tích, những trò chơi, trò diễn, lễ tục văn hóa dân gian. Ai đó đã nói, cái gì chịu được “sức nặng” của thời gian thì vô giá. Di sản văn hóa cũng vậy, không đong đếm được bằng bạc vàng, mà là tuổi đời trăm năm, ngàn năm gắn liền với biến động lịch sử, mang trong mình khát vọng tiền nhân.

Nhắc đến di sản ở xứ Thanh, sao có thể không nhắc đến những công trình mang dấu ấn: một Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ sừng sững giữa không gian, thách thức thời gian. “Tham vọng” độc lập song hành cùng nỗ lực cải cách, Hồ Quý Ly đã dựng nên tòa thành đá kỳ vĩ hiếm có trong lịch sử phong kiến nước nhà. Cho dù vương triều Hồ chỉ tồn tại vỏn vẹn 7 năm, nhưng Thành đá thì đã hiện hữu hơn 600 năm qua, trở thành di sản văn hóa thế giới. Dù có thể còn những “tranh cãi” về triều đại, song dù muốn hay không, người đời vẫn phải nhìn nhận sự vĩ đại của di sản. Ai nói đá vô tri! Dưới chân tường thành, từng phiến đá không chỉ là dấu vết thời gian, ở đó còn cả khát vọng tạo nên công trình quân sự đủ sức chống lại dã tâm kẻ xâm lược. Khát vọng ấy, đã phải đánh đổi bằng biết bao máu xương phu xây thành. Và nếu nhìn lại lịch sử, có máu xương, tâm huyết nào lại không xứng đáng được trân trọng. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh trên đất Lam Sơn với dấu ấn và diện mạo của một kinh đô tâm linh bề thế, độc đáo của vương triều Hậu Lê; di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật khu di tích đền Bà Triệu gắn liền với vị vua bà và cuộc khởi nghĩa chống giặc Ngô xâm lược hơn 1.700 năm trước; hay như những di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn; đền thờ Dương Đình Nghệ... Những tên tuổi mà chỉ nhắc đến thôi cũng đủ cho hậu thế tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn. Hiểu đúng, đủ công lao của tiền nhân không phải chỉ để hát bài ngợi ca, đó còn cả trách nhiệm “kế thừa”, gìn giữ.

Tạo hóa ưu ái cho vùng đất xứ Thanh. Nhưng cũng chính tạo hóa khắc nghiệt tạo nên thiên nhiên cùng môi trường sống không hề dễ dàng ở vùng đất “phên dậu” đất nước. Biển bạc ăm ắp cá tôm nhưng cũng không thiếu những cuồng phong; núi cao, biển rộng, sông sâu vần vũ... để mỗi người xứ Thanh hiểu rằng ấm no, hạnh phúc không đến dễ dàng. Từ thực tế cuộc sống, đã tạo nên một “tính cách” người xứ Thanh bản lĩnh, hiên ngang trước sóng gió, yêu ghét rõ ràng song vẫn chứa chan tình cảm, nghĩa nặng tình sâu.

Cha ông xưa giỏi đánh giặc, giữ nước, mở mang bờ cõi và có một đời sống văn hóa tinh thần - tín ngưỡng tâm linh giàu giá trị. Gắn liền với hàng trăm lễ hội, trò diễn dân gian được bảo tồn, gìn giữ. Trong số đó có 11 di sản đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nếu dân ca dân vũ Đông Anh đằm thắm là tâm tình của người làm nông nghiệp đồng bằng sông Mã, sông Chu, thì Xuân Phả lại mang dấu ấn của trò diễn chốn cung đình được dân gian hóa; lễ hội đền Độc Cước diễn ra bên bờ biển hàng năm gửi gắm ước vọng bình an, no đủ của cư dân biển, hay trò diễn Pôồn Pôông múa hát dưới cây bông chứa đựng cả “thế giới tâm linh” của đồng bào Mường...

Lịch sử phong kiến dân tộc đi qua với hào hùng vĩ đại xen lẫn nốt trầm đau thương vất vả. Để lại một hệ thống di sản văn hóa gắn liền với triều đại, quân vương, văn quan, võ tướng...

Khát vọng vươn mình

Ngày nay, Thanh Hóa là một trong những địa phương sở hữu số lượng di sản lớn bậc nhất cả nước (hơn 1.500 di tích đã được kiểm kê và trên 700 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện). Đó là niềm tự hào song cũng là trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ di sản. Và di sản văn hóa còn là tài nguyên nhân văn vô giá để khi “giải” được bài toán bảo tồn gắn với phát huy giá trị, câu chuyện “lấy di sản nuôi di sản” hẳn không còn là chuyện khó.

Tuy nhiên, lấy di sản nuôi di sản, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch cần đến những chiến lược phát triển cụ thể và dài hơi. Nhìn ra thế giới và gần hơn là các tỉnh bạn, một cố đô Hoa Lư, du lịch Tràng An (Ninh Bình) hay cố đô Huế không phải tự nhiên mà hấp dẫn hàng triệu du khách xa gần.

Thanh Hóa có Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và 5 di tích quốc gia đặc biệt, cùng 11 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Những di sản văn hóa với giá trị đặc sắc là tiền đề, điều kiện cần để văn hóa xứ Thanh thực hiện khát vọng tỏa sáng, vươn tầm phát triển.

Năm 2021 tiếp tục là một năm mà ngành du lịch thế giới và trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng lượng khách du lịch của Thanh Hóa ước đạt 3,4 triệu lượt (giảm 53,7% so với năm 2020, đạt 28,6% kế hoạch năm 2021). Và trong kế hoạch năm 2022, du lịch Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách, tổng thu 17.920 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu, ngành đặt ra nhiều giải pháp như: Triển khai xây dựng Chương trình kích cầu du lịch nội địa; triển khai chiến dịch xây dựng “Thanh Hóa - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”; lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu làm trọng tâm; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với xu hướng và thị trường du lịch, trong đó chú trọng phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch di sản văn hóa tâm linh.

Phải khẳng định, những năm qua, với rất nhiều nỗ lực, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa đã dành sự ưu tiên đầu tư, xây dựng các đề án, dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích trọng điểm. Trong năm 2021, đã triển khai xây dựng Đề án Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ Đông Sơn; phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật Thành nội, di sản Thành Nhà Hồ... Ngày 23-8-2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 19/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2022, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đề ra nhiệm vụ tập trung huy động nguồn lực triển khai thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh theo các chương trình, kế hoạch được phê duyệt. Đặc biệt là các di tích được phê duyệt trong Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị: Tôn tạo khu di tích Phủ Trịnh xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Lăng miếu Triệu Tường xã Hà Long, huyện Hà Trung; bảo tồn, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa với quyết tâm cao sẽ sớm vượt qua những khó khăn, trở ngại. Cùng với nguồn lực con người, nguồn tài nguyên nhân văn vô giá được xác định là nguồn lực để văn hóa xứ Thanh thực hiện khát vọng vươn tầm, tỏa sáng, góp phần vào sự phát triển vững bền, để Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.

Theo Báo Thanh Hóa

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa