Hội thảo khoa học “Lễ tế Nam Giao trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam và Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ”
Ngày 22/8, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ tổ chức Hội thảo khoa học “Lễ tế Nam Giao trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam và Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ”. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, huyện Vĩnh Lộc cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử trong và ngoài tỉnh.
Trong lịch sử, Lễ tế Đàn Nam Giao là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ. Việc lập đàn xưng đế khẳng định sức mạnh, tính chính thống của vương triều đối với các nước ngoại bang và uy quyền của hoàng đế đối với bá quan, bách tính; đồng thời, thể hiện quan điểm, tư tưởng của người xưa về thế giới tự nhiên - xã hội.
Đàn tế Nam Giao thành nhà Hồ, nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc là một bộ phận quan trọng, độc đáo về mặt kiến trúc cũng như giá trị đối với kinh đô Việt Nam dưới thời vương triều Hồ. Nơi đây, lễ tế Nam Giao đầu tiên được vương triều Hồ tổ chức vào năm 1402. Từ năm 2004 đến nay, trải qua 4 lần thám sát, khai quật trên tổng diện tích 18.000m2, các nhà nghiên cứu đã nhận diện được cơ bản đặc trưng của di tích Đàn tế Nam Giao vương triều Hồ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận, đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào 2 nhóm nội dung chính: làm rõ ý nghĩa, giá trị của nghi lễ tế Nam Giao trong lịch sử, quy trình và cách thức tế dưới các triều đại phong kiến Việt Nam và triều đại nhà Hồ; so sánh và tìm ra điểm tương đồng, khác biệt giữa lễ tế Nam Giao trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam và lễ tế Nam Giao vương triều Hồ.
Hội thảo góp phần củng cố cơ sở khoa học cho việc hướng tới phục dựng Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ; làm phong phú thêm các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, góp phần quảng bá các giá trị và hình ảnh đặc sắc của Di sản thế giới Thành nhà Hồ, nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, quản lý di sản gắn với phát triển du lịch một cách bền vững.
XD