Xây dựng các sản phẩm bổ trợ để gia tăng sức hấp dẫn du khách
Một sản phẩm du lịch được xem là hấp dẫn trước hết phải mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị, đáng nhớ và muốn quay trở lại. Đây cũng là vấn đề đang được đặt ra cho Sầm Sơn, nhằm thu hút và đa dạng hóa các trải nghiệm cho du khách khi về với đô thị du lịch biển mùa hè này.
Sầm Sơn không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một dải bờ biển đẹp; mà còn nổi bật với dãy núi đá hoa cương Diệp Thạch, nằm ở phía Nam thành phố mà dân gian vẫn gọi là núi Trường Lệ. Dãy núi này được hình thành cách đây trên 300 triệu năm, với nhiều đỉnh cao, thấp gắn với nhiều cái tên rất lạ như hòn Cổ Giải, ngọn Đầu Voi, núi Phù Thai, hòn Trống Mái... Thả bước trên con đường trải nhựa dẫn lên núi Trường Lệ, du khách sẽ được hòa mình vào không gian xanh tươi mát của những cánh rừng thông, bạch đàn, cây keo lá tràm. Đặc biệt, để tạo điểm nhấn đặc sắc cho điểm đến này, TP Sầm Sơn đã cho chỉnh trang lại các ki-ốt, các dịch vụ bảo đảm sạch, đẹp và đặc biệt là tạo ra một “đường hoa tình yêu” thu hút đông đảo du khách đến tham quan. “Đường hoa tình yêu” đúng như tên gọi của nó là không gian ngập tràn hương sắc, với hàng chục loài hoa bản địa và được vận chuyển về từ nhiều tỉnh/thành khác. Nổi bật là các loài hoa cẩm tú cầu, hoa giấy, hoa chuông, hoa hồng, hồng trà... đều đa dạng sắc màu. Lấy cảm hứng từ “tình yêu”, đường hoa không chỉ là một điểm nhấn để hút khách tham quan dãy Trường Lệ; mà còn là cơ sở để TP Sầm Sơn tổ chức thành công Lễ hội tình yêu - Hòn Trống Mái, cũng như khơi dậy cảm hứng, gia tăng trải nghiệm cho du khách khi về Sầm Sơn hè này.
Cùng với việc đầu tư xây dựng “đường hoa tình yêu”, TP Sầm Sơn cũng tích cực xây dựng tuyến phố đi bộ để thu hút và tăng mức chi tiêu của du khách. Theo phương án được thành phố xây dựng, phố đi bộ nằm trên đường Thanh Niên đoạn từ đường Tây Sơn đến đường Bà Triệu, có chiều dài 465m. Trên phố đi bộ thành phố bố trí 2 điểm sân khấu để tổ chức các sự kiện và các hoạt động văn hóa, văn nghệ; trong đó, 1 điểm sân khấu tại đường Thanh Niên (phía Bắc khuôn viên trung tâm) và 1 điểm sân khấu di động. Bên cạnh đó, thành phố sẽ khai thác tối đa hệ thống đèn chiếu sáng trên tuyến phố đi bộ và bố trí thêm hệ thống ánh sáng nghệ thuật để tạo điểm nhấn. Đồng thời, yêu cầu đơn vị tổ chức thực hiện phương án bố trí, trang bị các đèn chiếu sáng, đèn trang trí, đèn led, thiết kế biển hiệu đồng bộ tại các điểm kinh doanh; vận động các cơ sở kinh doanh sử dụng đèn trang trí bảo đảm tính thẩm mỹ và không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Bố trí các điểm hoa, cây xanh xen lẫn trong các khu vực bố trí gian hàng, được tạo hình bằng hoa tươi, hoa giấy và hệ thống đèn led.
Thành phố cũng tích cực vận động các cơ sở kinh doanh tại phố đi bộ tháo dỡ mái che, mái vẩy, biển hiệu vi phạm trật tự đô thị, không đúng quy định, không đảm bảo mỹ quan; tổ chức giao thông tại các nút giao với tuyến phố đi bộ; tăng cường công tác an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý giá và chất lượng, số lượng, trọng lượng đối với các hàng hóa, dịch vụ tại các điểm kinh doanh; quản lý các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi, trò diễn... nhằm bảo đảm an toàn cho du khách. Để việc tổ chức các hoạt động kinh doanh bảo đảm theo đúng quy định, thành phố đã tăng cường tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố đi bộ về mục đích, ý nghĩa, nội dung và sự cần thiết của việc xây dựng tuyến phố đi bộ trên địa bàn TP Sầm Sơn, từ đó tạo sự đồng thuận trong quản lý và triển khai thực hiện. Đồng thời, tích cực giới thiệu, quảng bá hoạt động của tuyến phố đi bộ đến Nhân dân và du khách... Tổng vị trí kinh doanh, dịch vụ trên phố đi bộ là 108 vị trí. Theo quy định của thành phố, thời gian hoạt động của phố đi bộ sẽ bắt đầu từ 19h tối ngày hôm trước đến 2h sáng ngày hôm sau (từ ngày 10-4 đến ngày 10-9-2022).
Du lịch nghỉ dưỡng là sản phẩm chủ lực của Sầm Sơn, do đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm cần có thêm các dịch vụ đi kèm, trong đó dịch vụ mô tô nước đang được chú trọng đưa vào khai thác. Theo dự kiến, năm nay thành phố sẽ bố trí 17 mô tô nước hoạt động kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí thuộc Công ty TNHH Duy Anh (10 chiếc), Công ty TNHH Trường Anh (2 chiếc) và Công ty TNHH BOT khai thác bãi biển FLC Sầm Sơn (5 chiếc). Các phương tiện tham gia dịch vụ đáp ứng các yêu cầu như có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy chứng nhận bảo hiểm tàu sông; động cơ phải phù hợp với thiết kế kỹ thuật của phương tiện; mỗi phương tiện phải có ít nhất 3 phao cứu sinh, bảo đảm an toàn cho người điều khiển và khách trên mô tô nước. Người điều khiển phải đủ 15 tuổi trở lên, bảo đảm về sức khỏe, biết bơi và một số quy định khác. Thành phố sẽ bố trí 3 bến bãi đón, trả khách, gồm bến bãi số 1 và bến bãi số 2, thuộc bãi tắm C, phường Trung Sơn; bến bãi số 3, thuộc bãi tắm B, phường Bắc Sơn; ngoài ra, bố trí thêm một điểm tại khu vực chân hòn Cổ Giải (giáp ranh giữa bãi tắm và bến thuyền phường Trường Sơn). Thời gian hoạt động dịch vụ: buổi sáng từ 6h đến 10h30; buổi chiều từ 14h đến 18h30.
Ngoài các sản phẩm nêu trên, TP Sầm Sơn cũng đang tích cực nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh; đồng thời, một số cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn như FLC Sầm Sơn cũng chủ động xây dựng thêm các sản phẩm mới. Hy vọng, với các sản phẩm bổ trợ, hè này Sầm Sơn sẽ thu hút lượng khách lớn và mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm khó quên.
Trần Hằng