• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 5

    Hôm nay: 248

    Đã truy cập: 558657

Công tác vận động trí thức: Năm điều trăn trở

Có những tiêu cực trong việc đào tạo, đánh giá trí thức và  LHH Việt Nam phải trở thành nơi tập hợp lực lượng trí thức chất lượng của cả nước.

Sáng 19/6, Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Diễn đàn khoa học "Những vấn đề đặt ra trong công tác vận động trí thức của Liên Hiệp hội Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW".

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch LHH Việt Nam nhận định, nhiều nội dung của Nghị quyết TW7 đưa vào cuộc sống quá chậm.

Đặc biệt là đãi ngộ trí thức, môi trường trí thức làm việc còn hạn chế. Có sự chảy máu chất xám từ cơ quan quản lý NN ra doanh nghiệp, từ trong nước ra nước ngoài.

Trong Khoa học- Tự nhiên, có ít các công trình nghiên cứu khoa học. Trong KHXH-NV, văn học nghệ thuật ít có tác phẩm giá trị, ít có phê bình.

Bên cạnh đó, một bộ phận trí thức chưa quan tâm, chưa có động lực để phát triển khả năng của cá nhân.

Theo GS.TSKH. Nguyễn Hữu Tăng - Nguyên Phó trưởng ban Thưởng trực Ban khoa giáo Trung ương Đảng- trong bộ phận trí thức cũng có những trí thức tiêu cực.

Ông lấy ví dụ, Phó Thủ tướng trong kỳ họp vừa qua đã nhận xét, ở một số trường Đại học mới thành lập được 10, hơn 10 năm nhưng lại có nhiều bài báo khoa học nhiều hơn các Trường Đại học quốc gia. Tuy nhiên, có một sự tiêu cực mà có lẽ Phó Thủ tướng không biết, đó là có những nhà khoa học ở trường này lại gửi báo cáo khoa học tới trường khác để nhận nhận mức tiền thưởng nhiều hơn. Số tiền này có thể lên tới vài chục triệu đồng.

Ông Tăng cho rằng, còn nhiều vấn đề khác không chỉ trong khoa học, giáo dục đã phản ánh rõ nét tính tiêu cực của công tác vận động, thu hút trí thức trong thời kinh tế thị trường. Do đó, cần phải có một sự đánh giá xác đáng, đúng đắn về vai trò của giới tri thức tại Việt Nam hiện nay.

Giáo dục Đại học hiện nay có chất lượng kém vô cùng, tri thức trẻ cũng không có hứng thú để tham gia vào các Hội. TS. Nguyễn Hữu Tăng cho rằng, LHH Việt Nam là một tổ chức rất mở, nhưng lại hoạt động như khép kín, chưa lôi cuốn giới tri thức trẻ tham gia.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, LHH Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nên tính chính trị phải đc quan tâm.

Trong khi đó, bà Bùi Thị An - nguyên ĐBQH khoá XIII, LHH TP.Hà Nội thì nhấn mạnh tới việc chương trình đào tạo của Việt Nam tạo ra rất nhiều chuyên gia, Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ... Tuy nhiên, đi cùng số lượng thì không bao giờ là chất lượng. Đặc biệt là việc mua bằng bán điểm cũng xảy ra ở đội ngũ trí thức.

Bà An nhấn mạnh rằng, sự phát triển của hệ thống Liên Hiệp hội tại các tỉnh thành là bằng chứng cho thấy sự hăng hái tham gia của giới trí thức trên cả nước và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với công tác thu hút, vận động trí thức.

Bà Bùi Thị An nhấn mạnh rằng, đội ngũ trí thức cần môi trường để đóng góp ý kiến, bày tỏ tài năng của mình, cần sự dân chủ và được đánh giá đúng bởi cơ quan chức năng Nhà nước.

Kết luận hội thảo, GS.TSKH Đặng Vũ Minh nhấn mạnh, Nghị quyết 27 đã cho thấy sự thay đổi về nhận thức của các cấp, đặc biệt là cán bộ cao cấp về vai trò của Liên Hiệp hội Việt Nam.

Nếu không có sự ủng hộ như vậy thì không thể có hệ thống LHH tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Vào thời điểm LHH Việt Nam gặp khó khăn và có mong muốn gặp Tổng Bí thư, Tổng Bí thư đã ủy quyền cho Trưởng Ban Tổ chức Trung Ương đến tận trụ sở LHH Việt Nam để gặp gỡ giới trí thức.

Bộ Khoa học- Công nghệ, Bộ Nội vụ đã có những chính sách, thay đổi quan trọng đối với giới trí thức.

GS.TSKH Đặng Vũ Minh nhắc tới 5 điểm trăn trở nhất của LHH Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là vấn đề thể chế hóa.

"Phải làm sao để Liên Hiệp hội Việt Nam được coi là một tổ chức chính trị- xã hội. Đây là chìa khóa! Nếu không gỡ được chìa khóa này thì sẽ rất khó khăn" - GS.TSKH. Đặng Vũ Minh nhấn mạnh.

Thứ hai phải quy định rõ về vấn đề tổ chức. Không thể mỗi tỉnh một tổ chức, một kiểu mô hình hoạt động, thiếu đồng bộ.

Thứ ba là công tác cán bộ.

"Ở đâu tốt cũng là do cán bộ tốt" - Chủ tịch LHH Việt Nam nói.

Thứ tư là tài chính. Cán bộ tốt rồi nhưng không có tiền thì chịu. Do vậy, chính sách về tài chính cũng là vấn đề nan giải.

Thứ năm, GS.TSKH Đặng Vũ Minh nhấn mạnh, cần phải xây dựng một cơ chế phối hợp rất tốt giữa trí thức và Đảng, Nhà nước. Một trong những vấn đề cần phải được nhấn mạnh trong thời gian sắp tới là phải giải quyết được Luật về Hội, lấy đó làm cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động của các tổ chức trong đó có LHH Việt Nam.

Cúc Phương



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa