• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 4

    Hôm nay: 84

    Đã truy cập: 562957

Thu hút trí thức trẻ vào LHH là nhiệm vụ trọng tâm

Trí thức trẻ cần phải được tham gia vào Liên hiệp hội Việt Nam để có cơ hội cống hiến và đóng góp  các vấn đề lớn của đất nước.
GS.TSKH. Nguyễn Hữu Tăng - Nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban khoa giáo Trung ương Đảng- nhận xét, sự phát triển của hệ thống Liên hiệp Hội trên cả nước đã chứng tỏ sự lớn mạnh của đội ngũ trí thức và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức.

Trong 10 năm qua, chúng ta đã phát triển nhanh về tổ chức: Liên hiệp hội địa phương đã bao phủ 63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, hình thành hệ thống tổ chức Liên hiệp hội 2 cấp; có 86 hội KH&KT ngành toàn quốc; hơn 450 tổ chức KH&CN (viện, trung tâm,...) trực thuộc Đoàn chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam; thu hút trên 1,5 triệu trí thức KH&CN tham gia hội (chiếm 1/3 trí thức toàn quốc).

So với thời gian trước, công tác tư vấn, phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; công tác phổ biến kiến thức trong xã hội; tôn vinh trí thức đã trở thành công việc thường xuyên, quen thuộc của các hội thành viên. Trí thức trẻ tham gia công tác hội có chiều hướng gia tăng.

Đạt được những kết quả lớn như vậy, phải kể đến công lao của cán bộ hội từ trung ương đến địa phương trong hoàn cảnh kinh phí Nhà nước hỗ trợ còn hạn hẹp, số lượng cán bộ hội ít và chưa có kinh nghiệm; cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập; thậm chí nhận thức về hội, về tổ chức xã hội ở nhiếu cấp ủy, bộ, ngành còn không phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chỉ thị số 42-CT/TW.

Vận động trí thức tham gia hội phải gắn liền với những việc làm cụ thể của hội, những việc làm thiết thực, hấp dẫn, nhất là đối với trí thức trẻ.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này vẫn còn nhiều khó khăn.

Liên hiệp hội Việt Nam là một tổ chức lớn của trí thức nước nhà, có uy tín nhất định trong xã hội, nhưng chưa phải là tổ chức mạnh, bền vững. Để công tác vận động trí thức có hiệu quả hơn, cần có những đề tài nghiên cứu sâu về hoạt động của các hội trí thức, chẳng hạn:

- Liên hiệp hội Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội do Đảng lãnh đạo. Vậy Liên hiệp hội phải hoạt động thế nào để thể hiện tính chính trị của tổ chức; các giải pháp gì để lôi cuốn trí thức tự nguyện tham gia hoạt động của Liên hiệp hội.

- Hoạt động nghề nghiệp ở các hội ngành như thế nào là phù hợp với hoàn cảnh nước ta.

- Xử lý cơ chế, chính sách hợp lý để hội tự chủ kinh phí hoạt động.

- Xử lý mối quan hệ quốc tế của các hội (hiện nay là một khâu cực yếu).

- Cơ chế bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên và hội viên,vv...

Trí thức phải được tham gia vấn đề lớn liên quan đến sự phát triển của đất nước

Ngoài việc nghiên cứu hoạt động hội để nâng cao chất lượng hội, hấp dẫn, thu hút trí thức tới hội, chúng ta có trách nhiệm nghiên cứu đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề lớn về sự phát triển của đất nước.

Chỉ thị số 42-CT/TW cũng đã nhấn mạnh tới nhiệm vụ Liên hiệp hội Việt Nam chủ động tham mưu cho Đảng và Nhà nước về sự phát triển của đất nước.

Liên hiệp hội Việt Nam có thế mạnh ở chỗ có nhiều trí thức đầu ngành, có nhiều trí thức đã kinh qua quản lý nhà nước, có quan hệ quốc tế rộng, có kinh nghiệm nghiên cứu những đề tài quốc gia nên có khả năng làm được việc này.

Thông qua hoạt động đó sẽ bồi dưỡng trí thức trẻ, lôi cuốn họ vào hội và nâng tầm uy tín của hội trong xã hội.

Điều quan trọng là chúng ta biết chọn lọc vấn để, biết tổ chức thực hiện. Không nhất thiết cứ phải đợi Đảng, Nhà nước giao đề tài nghiên cứu, mà chính chúng ta tự tìm đề tài vì trong Liên hiệp hội có những trí thức đã từng giao nhiệm vụ cho người khác. Kinh phí hàng chục tỷ thì khó nhưng vài tỷ không phải là việc khó đối với Liên hiệp hội.

Thực tiễn đang có nhiều vấn đề đặt ra cho người nghiên cứu kể cả trong phát triển kinh tế và xã hội, trong giáo dục và KH&CN, đứng lại là lãng phí tài năng của lớp trí thức đi trước.

Vận động, tập hợp trí thức trẻ cần trở thành nhiệm vụ trọng tâm công tác trong thời gian tới của Liên hiệp hội và các hội thành viên. Hội nên là nơi giúp cho trí thức trẻ có tư duy lành mạnh, khoa học và ý chí cầu tiến.

"Theo tôi, hội nên tổ chức các diễn đàn khoa học mở để hiểu thấu đáo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, kể cả những vấn đề nhạy cảm về chính trị.

Tôi cho rằng, đây là một phương thức công tác chính trị, tư tưởng phù hợp đối với trí thức mà Liên hiệp hội có thể thực hiện. Để thực hiện tốt, Liên hiệp hội cần được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng, nhất là Ban Tuyên giáo Trung ương; cần có cơ chế phù hợp cho sự hoạt động của diễn đàn mở và câu lạc bộ của hội" - GS.TSKH. Nguyễn Hữu Tăng nhấn mạnh.

Ngoài ra, công tác truyền thông của Liên hiệp hội và các hội trong thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu: làm được nhiều việc nhưng ít người biết. Trong khi Liên hiệp Hội mong muốn vận động trí thức người Việt ở nước ngoài đóng góp vào việc xây dựng đất nước thì điều ngược lại dường như chưa đúng.

Hầu như Liên hiệp hội Việt Nam chưa có động thái gì liên quan tới việc vận động trí thức người Việt ở nước ngoài. Nếu có mối quan hệ quốc tế sâu rộng, chúng ta có nhiều lợi thế về trao đổi khoa học, giao lưu trí thức, tạo điều kiện học tập cho thanh thiếu niên và cũng là một yếu tố gắn trí thức trẻ với hội.

 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa