• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 5

    Hôm nay: 164

    Đã truy cập: 554307

Tập hợp, phát huy đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH quê hương, đất nước

Với tinh thần “Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới - Phát triển”, trong nhiệm kỳ 2013 - 2018, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội (LHH)) đã có nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo và đạt được những kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) tham gia tích cực, hiệu quả vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Trải qua gần 25 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 5 năm qua, hoạt động của LHH luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể các cấp. Cùng với đó, đảng đoàn LHH luôn nêu cao vai trò lãnh đạo, điều hành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Là tổ chức chính trị - xã hội có chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức KH&CN, vì vậy, công tác xây dựng và phát triển hội viên luôn được LHH tập trung chỉ đạo thực hiện. Ngoài chủ động phát triển hội viên mới, bằng nhiều hoạt động sôi nổi, hiệu quả, LHH đã thu hút sự quan tâm, gia nhập của nhiều hội trong tỉnh, làm cho mạng lưới tổ chức của LHH ngày càng lớn mạnh, đa dạng hơn về lĩnh vực hoạt động. Nếu năm 2013, LHH có 28 hội thành viên với tổng số 18.554 hội viên, đến nay, đã tăng lên 22.853 hội viên và 30 hội thành viên (kết nạp mới 4 hội, giải thể 1 hội và hợp nhất 2 hội). Trong đó, số hội viên có trình độ từ đại học trở lên chiếm 42,5%, gồm 199 tiến sĩ, 1.410 thạc sĩ và tương đương, 8.095 đại học. Đây là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động KH&CN, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tư vấn phản biện và giám định xã hội.

Bên cạnh công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội, trong quá trình hoạt động, LHH luôn xác định, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nhiệm vụ quan trọng. Để nâng cao năng lực tư vấn, phản biện, giám định xã hội, LHH đã tập hợp đội ngũ trí thức giàu kinh nghiệm, tâm huyết với công tác khoa học, cùng chung sức đóng góp ý kiến cho các đề tài, dự án quan trọng của tỉnh nhà. Trong 3 năm gần đây, LHH đã có văn bản đề nghị và được Chủ tịch UBND tỉnh giao phản biện thành công 15 nhiệm vụ là các quy hoạch, đề án, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, môi trường có ảnh hưởng lớn trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu, như: Đề án “Phát triển KH&CN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”; “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; “Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”; “Chính sách khuyến khích phát triển KH&CN để trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa”... Những ý kiến phản biện của LHH đã được UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đánh giá cao. Ngoài ra, các hội thành viên còn tư vấn cho ngành, cơ sở 153 dự thảo luật, các văn bản có tính quy phạm pháp luật. Có thể khẳng định rằng trong nhiệm kỳ 2013 – 2018, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHH đã đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, dự án và những cơ chế, chính sách do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN tham gia đóng góp trí tuệ vào các chủ trương, chính sách và các đề án lớn, quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh.

Từ việc khẳng được vị trí, vai trò của mình trong tập hợp đội ngũ trí thức KH&CN, trong tư vấn, phản biện, các hoạt động khác, như: Nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sáng tạo KH&CN, hợp tác trong nước và quốc tế, tôn vinh trí thức... cũng được LHH chú trọng triển khai thực hiện và mang lại nhiều kết quả. Riêng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN, trong 5 năm qua, các hội thành viên và cơ quan thường trực LHH đã thực hiện 714 nhiệm vụ KH&CN. Trong đó, nhiệm vụ cấp bộ và cấp tỉnh là 98 nhiệm vụ (chiếm 13,7%), 616 nhiệm vụ cấp ngành, cơ sở (chiếm 86,3%). Trong 30 hội thành viên có 22 hội (bằng 73,3%) đã tích cực đẩy mạnh hoạt động KH&CN, 15 hội tổ chức thực hiện từ 3 đề tài, dự án trở lên, 7 hội có từ 1 nhiệm vụ trở lên. Các nhiệm vụ triển khai thực hiện đều bám sát nhu cầu thực tiễn của cơ sở và của ngành, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu bức thiết của xã hội. Ví như, Hội Dân tộc học và Nhân học hoàn thành việc sưu tầm và xây dựng bộ chữ Nôm Dao Thanh Hóa (1.140 chữ) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 877/QĐ-UBND. Đây là bộ chữ Nôm Dao đầu tiên của cả nước để dạy cho người dân tộc Dao trong tỉnh. Hội Khoa học Lịch sử đã chủ trì, phối hợp thực hiện 10 cuộc hội thảo khoa học có giá trị lịch sử, góp phần làm sáng rõ hơn nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa trên quê hương. Hội Di sản Văn hóa và Cổ vật Thanh Hoa đã tổ chức xây dựng đề án trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận việc khôi phục nghề đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hội Bảo vệ môi trường tham gia 15 hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường cấp bộ, 230 hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường cấp ngành và cơ sở. Hội trực tiếp thực hiện giám sát thi công “Dự án cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất kho thuốc bảo vệ thực vật của HTX Phú Yên, huyện Thọ Xuân”...

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong các mặt hoạt động, song, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên nhiệm kỳ qua, LHH vẫn còn những tồn tại và hạn chế nhất định, như: Tổ chức hội có sự phát triển về số lượng nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao. Sự phối hợp trong hoạt động của đảng đoàn, Thường trực LHH với các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố còn hạn chế; phối hợp hoạt động giữa các hội thành viên với nhau còn ít. Một số hội thành viên chưa chủ động trong chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh. Chưa tham mưu, đề xuất được cơ chế, chính sách để tỉnh giao nhiệm vụ giải quyết những vấn đề quan trọng trong phát triển KH&CN, giáo dục - đào tạo, bảo vệ môi trường, chính sách đối với trí thức. Số lượng các đề tài, dự án KH&CN còn ít; kết quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN chưa nhiều nên việc tập hợp, thu hút đông đảo trí thức tham gia còn hạn chế...

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, không ngừng nâng cao năng lực hoạt động của LHH, trong nhiệm kỳ 2018-2023, trên tinh thần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, LHH đã đề ra nhiều giải pháp và nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, giải pháp trọng tâm là kiện toàn, củng cố xây dựng tổ chức vững mạnh; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tổ chức lực lượng tham gia tích cực vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về KH&CN cho cán bộ và nhân dân. Qua đó, không ngừng phát huy vai trò nòng cốt của liên minh công – nông – trí thức trong công cuộc CNH, HĐH quê hương, đất nước. Đặc biệt, với tinh thần “Đoàn kết – Sáng tạo - Đổi mới - Phát triển”, LHH và các hội thành viên, các trung tâm trực thuộc, đội ngũ trí thức KH&CN trong tỉnh nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng LHH Thanh Hóa trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, có uy tín trong xã hội, tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Lê Đình Sơn




TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa