Hội thảo khoa học “Sinh vật cảnh trong bức tranh chung văn hóa Xứ Thanh”
Ngày 22/9/2023, tại xã Nga Liên huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa, Hội Sinh vật cảnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học Sinh vật cảnh trong bức tranh chung văn hóa Xứ Thanh. Dự hội thảo có ông Nguyễn Quốc Uy, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa, lãnh đạo xã Nga Liên huyện Nga Sơn, ông Lê Văn Ư, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cùng các Ủy viên BCH Hội Sinh vật cảnh và các nghệ nhân sinh vật cảnh các huyện, thị xã, thành phố, đại điện một số chủ vườn, cơ sở sản xuất và kinh doanh các sản phẩm về Sinh vật cảnh tham dự hội thảo.
Hội thảo đã nghe 06 báo cáo tham luận của một số nghệ nhân sinh vật cảnh, trưởng các hội sinh vật cảnh huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Bỉm Sơn, các nhà vườn trong tỉnh tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho phát triển tổ chức Hội và nghề sinh vật cảnh cho Hội thảo.
Báo cáo Đề dẫn Hội thảo, Ông Lê Văn Ư- Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết: Sinh vật cảnh là nguồn tài nguyên sinh vật phục vụ đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội của con người, nó có vai trò rất quan trọng trong việc chống ô nhiễm môi trường sinh thái. Phát triển hoa, cây cảnh không những bảo vệ môi trường sinh thái sáng-xanh-sạch-đẹp mà còn là một trong mũi nhọn kinh tế để gia tăng thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển Hoa, cây cảnh thành ngành kinh tế sinh thái gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh còn manh mún, tự phát; người sản xuất chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, thiếu thông tin thị trường, thiếu tính liên kết trong việc sản xuất và phân phối; các chính sách về phát triển sinh vật cảnh gặp nhiều khó khăn, bất cập khi áp dụng vào thực tiễn…
Phát biểu tại Hội thảo ông Nguyễn Quốc Uy, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Thanh Hóa đánh giá cao sự khắc phục khó khăn của hội trong năm 2023, trong thời gian tới hội cần tiếp tục cũng cố tổ chức, nhất là ban lãnh đạo tỉnh hội, phát triển hội viên; về phát triển nghề sinh vật cảnh, ông cho rằng để phát triển ngành sinh vật cảnh tại địa phương cần: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các chi hội, hội viên và nhân dân trồng hoa, cây cảnh góp phần làm đẹp nhà, thôn xóm, kích thích nghề dịch vụ hoa, cây cảnh phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập; quy hoạch tiểu vùng trồng hoa, cây cảnh mang tính chất nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với du lịch sinh thái; cần quan tâm đến công tác chọn tạo và nhập nội các loài hoa truyền thống như hoa Thược dược, Cúc vạn thọ, Mai vàng; chú trọng công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, chăm sóc, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sinh vật cảnh; đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết các thành phần kinh tế, tổ chức sản xuất dựa vào ưu thế của từng địa phương để tạo ra các sản phẩm sinh vật cảnh có tính nghệ thuật cao, tổ chức hội chợ, hội thi sinh vật cảnh tạo cơ hội cho người sản xuất và người tiêu dùng có cơ hội giao lưu học hỏi và mua bán, trao đổi sản phẩm. Đặc biệt, Hội Sinh vật cảnh cần chủ động tham mưu, đề xuất xây dựng chính sách phát triển nghề sinh vật cảnh và tăng cường các hoạt động phối hợp, kết nối, tạo điều kiện cho hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi liên kết giữa người sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phụ trợ, gắn kết các khâu trồng, chăm sóc, tạo tác hình nghệ thuật, vận chuyển, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sinh vật cảnh.
XD