• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 3

    Hôm nay: 1388

    Đã truy cập: 560484

Phát triển cây Quế Ngọc là sinh kế cho đồng bào miền núi

Ngày 10/12/, tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên huyện Thường Xuân, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa phối hợp với Hội Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo khoa học phát triển cây Quế trên địa bàn huyện Thường Xuân. Tại Hội thảo, các đơn vị, các nhà khoa học, cá doanh nghiệp đã có các ý kiến đóng góp sâu sắc nhằm thúc đẩy việc quy hoạch, phát triển cây Quế Thường Xuân tỉnh Thanh Hóa.

 

Tới tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT)  tỉnh Thanh Hóa, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa, Hội Lâm nghiệp Thanh Hóa, UBND huyện Thường Xuân một số doanh nghiệp trong nước các xã, thị trấn vùng trồng Quế, Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân,

Cây Quế Ngọc Thanh Hoá là loại đặc sản quý, có giá trị kinh tế cao, nhất là giá trị về dược liệu phòng và chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe. Quế và các bộ phận khác của cây quế đều có thể chưng cất được tinh dầu, thân cây thớ gỗ mịn, đẹp, có tinh dầu thơm dùng để làm nhà hoặc đóng đồ mộc gia dụng, hàng xuất khẩu. Quế Trịnh Vạn ở xã Vạn Xuân, huyện miền núi Thường Xuân là quế chất lượng cao, nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa, được mệnh danh là Quế Ngọc - Châu Thường; từ bao đời nay cây quế luôn gắn liền với đời sống người dân huyện Thường Xuân.Theo thống kê, những năm 1970 - 1980 trên địa bàn huyện Thường Xuân có khoảng 5.000 ha quế. Do một thời gian dài cây quế bị khai thác quá mức và giá cả bấp bênh khiến người dân chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây lâm nghiệp khác nên diện tích quế giảm dần theo từng năm.

Năm 2015 huyện Thường Xuân đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững Quế Ngọc Thường Xuân giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025”. Sau khi thực hiện đề án, người dân trên địa bàn đã trồng và phục hồi được nhiều diện tích quế. Tuy nhiên chất lượng rừng quế còn kém, mức độ người dân tham gia còn ít, nên chưa đạt kế hoạch đề ra.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà chuyên môn đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển cây quế bền vững. Các ý kiến đều cho rằng, ngoài việc hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng quế cho người dân, Nhà nước cần có chính sách đầu tư các vùng chuyên canh cây quế, tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, vận động Nhân dân chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế theo hướng thâm canh, đồng thời có giải pháp để bảo tồn các giống gen quý, đặc biệt xúc tiến để tìm đầu ra ổn định cho người trồng quế, góp phần tạo sự ổn định thị trường để Nhân dân an tâm hơn trong việc đầu tư trồng quế.

Các đại biểu cũng đề nghị các phòng, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển cây Quế Ngọc trên địa bàn huyện. Vận động các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư vào phát triển cây quế tại địa bàn huyện, từ khâu lựa chon cây mẹ, ươm giống đảm bảo nguồn giống bản địa, trồng, chăm sóc, chế biến đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, sản phẩm phải đa dạng, phong phú, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; quảng bá mạnh mẽ sản phẩm qua nhiều kênh khác nhau để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, làm được như vậy việc bảo tồn, phát triển cây quế Châu Thường mới thực sự bền vững.

Xuân Dũng

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa