• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 4

    Hôm nay: 279

    Đã truy cập: 544733

Chương trình phối hợp công tác Liên hiệp Hội Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ngày 6/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo Tổng kết Chương trình phối hợp công tác năm 2020 giữa Liên hiệp Hội Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, Liên hiệp Hội từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều cố gắng trong hoạt động và đạt được những kết quả đáng kể; phát huy được chức năng là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân; tổ chức phát động được một số phong trào có chiều sâu thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia, trong đó có phong trào đã đi vào đời sống của nhân dân như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, “Đoàn kết sáng tạo”…

Việc phối hợp trao đổi, nắm bắt, tập hợp tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục được thực hiện nền nếp. Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia đầy đủ và có trách nhiệm với các chương trình giám sát và phản biện xã hội do MTTQVN tổ chức, triển khai tuyên truyền, hưởng ứng các cuộc vận động, thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ khi có yêu cầu của MTTQVN.

Phối hợp tổ chức Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, từ năm 2016 đến năm 2020, MTTW và Liên hiệp Hội Việt Nam đã phối hợp tiếp nhận được tổng số 772 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ do 21 bộ, ban, ngành, tổ chức thành viên Mặt trận và 57 tỉnh, thành phố giới thiệu và đề nghị.

Tổng số 365 công trình, giải  pháp sáng tạo khoa học - công nghệ được lựa chọn trong 05 năm, từ năm 2016 đến năm 2020 thuộc các lĩnh vực khoa học – công nghệ như: sinh học phục vụ sản xuất, đời sống (67 công trình); y tế (68 công trình); công nghệ thông tin, điện tử viễn thông (60 công trình); công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới và chế biến, sản xuất trong nông nghiệp (52 công trình); cơ khí tự động hóa (54 công trình); công nghệ vật liệu (23 công trình); giáo dục (22 công trình); công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên (19 công trình).

Năm 2020, để kịp thời biểu dương, tôn vinh, động viên các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, y bác sĩ đang ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch Covid – 19, MTTW và Liên hiệp Hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế lựa chọn vinh danh 07 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học – công nghệ tiêu biểu trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 của các tác giả (nhóm tác giả) để công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020.

Ông Vẻ cho biết thêm, qua 05 năm thực hiện, việc phối hợp giữa MTTW và Liên hiệp Hội Việt Nam trong công tác tuyển chọn, biên tập và công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam được triển khai bài bản, khoa học, chặt chẽ, hiệu quả, qua đó đã thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương trong cả nước.

Việc phối hợp tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam vào mỗi dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 hằng năm đã kịp thời cổ vũ, tôn vinh các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trên lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học - công nghệ và kỹ thuật đóng góp quan trọng cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; khẳng định năng lực sáng tạo của người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việc phối hợp tổ chức tuyển chọn, công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đã phát huy thế mạnh của mỗi cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời  góp phần cổ vũ, khuyến khích mọi người dân, mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thi đua hưởng ứng mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đưa ra sáng kiến, tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở mọi lĩnh vực; đồng thời, triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu, giải pháp khoa học - công nghệ vào sản xuất, đời sống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế thắng lợi.

Tuy nhiên, theo ông Vẻ thì vẫn còn một số hạn chế như kinh phí phục vụ công tác tuyển chọn, biên tập, công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam còn hạn hẹp; chưa có nguồn kinh phí khen thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả có công trình công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam. Chất lượng, hiệu quả kinh tế một số công trình, giải pháp khoa học – công nghệ công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam còn hạn chế. 

Chính vì thế, theo ông Vẻ cần vận động xã hội hóa tạo nguồn kinh phí hỗ trợ việc tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam; công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu Sách vàng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Công tác phối giữa Liên hiệp Hội Việt Nam và MTTW trong giám sát, phản biện xã hội

Theo ý kiến của bà Bùi Kim Tuyến – Trưởng ban Tư vấn, phản biện và Giám định xã hội, Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, thực hiện chương trình phối hợp với MTTQ Việt Nam trong giám sát và phản biện xã hội, trong những năm qua, Liên hiệp Hội Việt Nam và nhiều hội thành viên đã tích cực tham gia giám sát theo yêu cầu của MTTQ Việt Nam. Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia đoàn giám sát liên ngành về vụ việc giải quyết khiếu nại tố cáo tại Chung cư A1, A2 thuộc tổ hợp chung cư 229 phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hội An toàn vệ sinh thực phầm tham gia đoàn giám sát của MTTQ chuyên đề về vấn đề chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; Tổng Hội y học Việt Nam và Hội Dược học Việt Nam được MTTQ Việt Nam giao chủ trì giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở hành nghề y tế tư. Để tiến hành giám sát có chất lượng, Tổng hội Y học Việt Nam đã đề xuất và xây dựng bộ công cụ giám sát, được sử dụng rộng rãi trong nhiều năm qua phục vụ hoạt động giám sát việc hành nghề y tế một cách bài bản và chuyên nghiệp, v.v..

Riêng Liên hiệp Hội Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, đã chủ động tham gia giám sát và cử đại diện tham gia nhiều hoạt động giám sát do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì với 3 nội dung phối hợp giám sát chính: Phối hợp giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ (Chương trình phối hợp số 06/CTPH-MTTW-KHCN-LHKHKTVN ngày 11/3/2015); Phối hợp giám sát thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ năm 2015-2019, trên cơ sở kế hoạch và đề nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tham gia đoàn giám sát thực hiện Nghị quyết TW6 (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Luật KH&CN tại các địa phương như: Gia Lai, Kon Tum, Long An, Nghệ An, Hưng Yên, Lạng Sơn, v.v..; Tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại Quảng Nam, Bình Dương, Tây Ninh, Điện Biên, Sơn La, v.v.. (năm 2018-2019); giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Hải DươngĐồng Nai, Bình Thuận, Phú Thọ, Hưng Yên,v.v.. (năm 2018-2020).

Trên cơ sở giám sát, Liên hiệp Hội Việt Nam đã bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng và hiệu quả đối với các lĩnh vực được giám sát: Khoa học & Công nghệ, giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương. Đồng thời, đề xuất với MTTQ Việt Nam các ý kiến nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng một cách có hiệu quả.

Bà Tuyến cho biết thêm, trong những năm qua, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tham gia khá tích cực và có hiệu quả các hoạt động phản biện xã hội do MTTQ chủ trì thực hiện. Liên hiệp Hội tham gia các hội nghị phản biện do Mặt trận Tổ quốc chủ trì hoặc giới thiệu chuyên gia theo yêu cầu của MTTQ Việt Nam để tham gia các hoạt động phản biện xã hội: phản biện Dự thảo Luật đơn vị hành chính đặc biệt; Dự thảo Văn bản quy phạm pháp luật… Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội Việt Nam cũng tham gia hội thảo do MTTQ chủ trì để xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hay góp ý Báo cáo chính trị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam… Thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, Liên hiệp Hội Việt Nam góp phần tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến như MTTQ Việt Nam cần tăng cường chỉ đạo Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Bên cạnh việc ký kết các chương trình phối hợp, xây dựng các chương trình, kế hoạch để các tổ chức tham gia giám sát đã làm tốt từ trước đến nay, thì MTTQ cần chia sẻ các kết quả giám sát tới các đơn vị tham gia giám sát, các khuyến nghị sau quá trình giám sát với các cơ quan liên quan, các phản hồi của các cơ quan liên quan sau khi MTTQ gửi báo cáo kết quả giám sát…

MTTQ Việt Nam cần xây dựng cơ chế khuyến khích sự tham gia của các hội chuyên ngành, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp vào hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo lĩnh vực chuyên môn để tăng cường và khuyến khích sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia giàu kinh nghiệm, đồng thời thể hiện đúng vai trò đại đoàn kết của MTTQ và nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát.

Tin, ảnh: HT

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa