• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 21

    Hôm nay: 1431

    Đã truy cập: 560527

Liên hiệp hội tổ chức hội nghị tổng kết dự án "Góp phần khôi phục và phát triển bền vững nghề sản xuất Cánh kiến đỏ tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa".

Sáng 19/6/2014, được sự đồng ý của Ban chỉ đạo quốc gia, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ môi trường toàn cầu, Tổ chức phát triển Liên hiệp quốc UNDP, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị tổng kết dự án "Góp phần khôi phục và phát triển bền vững nghề sản xuất Cánh kiến đỏ tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa".

Tham dự hội nghị, có GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia Quỹ môi trường toàn cầu GEF SGP, Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên  quốc gia Quỹ môi trường toàn cầu; TS. Nguyễn Ngọc Tuý, Phó giám đốc Sở KH&CN Thanh Hoá, ông Lê Văn Đốc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Sở NN&PTNT - Trưởng Ban phát triển KT - XH huyện Mường Lát; ông Nguyễn Xuân Sang, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Thanh Hoá. Ông Trịnh Hữu Đức, Giám đốc Công ty Tân Hương Đức; Đại diện: Sở KH&CN tỉnh Nghệ An; Huyện uỷ, UBND huyện Mường Lát, Ban Điều hành (BĐH), chuyên gia dự án; chính quyền địa phương và cộng đồng 4 xã tham gia dự án.

Tại hội nghị thay mặt BĐH dự án ông Phạm Ngọc Lân, PCT kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội KH&KT Thanh Hoá - Trưởng BĐH dự án đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện dự án trong suốt 3 năm qua.

Dự án "Góp phần khôi phục và phát triển bền vững nghề sản xuất Cánh kiến đỏ tại huyện Mường Lát" được triển khai tại các xã Tam Chung, Quang Chiểu, Pù Nhi và thị trấn Mường Lát trong 3 năm từ 2011 đến 2013 (pha II), với tổng kinh phí gần 1,6 tỷ đồng, trong đó GEF SGP tài trợ gần 975 triệu đồng, còn lại là kinh phí đối ứng của UBND tỉnh và cộng đồng. Mục tiêu chung của dự án nhằm góp phần bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học rừng và phát triển nghề sản xuất Cánh kiến đỏ ở huyện Mường Lát ổn định và bền vững, xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập cho cộng đồng dân tộc huyện Mường Lát, Thanh Hóa. Với các hoạt động chính là tiếp tục thử nghiệm và hoàn thiện các mô hình nuôi thả Cánh kiến đỏ trên cây chủ ngắn ngày, dài ngày phân tán và tập trung; xây dựng 2 mô hình giữ giống; xây dựng vùng quy hoạch phát triển nghề nuôi thả cánh kiến đỏ ở xã Quang Chiểu, có sự tham gia của cộng đồng; nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Cánh kiến đỏ...

Trong suốt 3 năm thực hiện dự án, với sự phối hợp của các cấp chính quyền, các ban ngành của tỉnh và huyện Mường Lát, cộng đồng các dân tộc tham gia dự án, sự năng động, nhiệt tình, sáng tạo của BĐH dự án và sự tham gia tích cực của nhóm chuyên gia trung ương và địa phương, các hộ dân nòng cốt. Dự án đã đạt được những kết quả tốt, đảm bảo thành công các mục tiêu của dự án; đã thu hút hơn 660 hộ tham gia với tổng diện tích gần 210 ha. Nhiều hộ tham gia thả Kiến có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Theo đánh giá của chuyên gia dự án, 2 loại cây chủ lực là Đậu Thiều và Cọ Khiết là các loài cây đa tác dụng và là cây chủ nuôi thả Cánh kiến đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó cây Cọ Khiết tập trung để nuôi thả Cánh kiến đỏ có thu nhập hàng năm cao so với trồng cây lâm nghiệp và nông nghiệp, giá trị có thể đạt hơn 62 triệu đồng/ha/năm  (Lúa, Ngô chỉ đạt 12 triệu đồng/ha/năm). Bên cạnh những kết quả đã đạt được BĐH dự án cũng đã thẳng thắn nhận ra những hạn chế, chưa thành công, đó là:

- Không thành công trong việc xây dựng mô hình nuôi thả Cánh kiến đỏ trên cây chủ Cọ páu tái sinh.

- Tiếp tục khẳng định sự không thành công trên cây chủ Cọ phèn trồng tập trung đã trên 20 năm tuổi.

- Chưa duy trì được năng suất đồng đều của các vụ trong thời gian 3 năm và năng suất chưa đạt cao vì chưa biết được quy luật biến động quần thể rệp Cánh kiến đỏ.

Tại hội nghị các đại biểu đều thống nhất đánh giá cao sự cố gắng của BĐH trong việc khắc phục khó khăn về giao thông, điều kiện thời tiết không thuận lợi để triển khai thực hiện thành công dự án. Kết quả hoạt động của dự án đã góp phần khôi phục lại nghề nuôi thả Cánh kiến đỏ trên địa bàn huyện Mường Lát, thông qua việc xây dựng các mô hình trình diễn có cơ sở khoa học, với năng suất, chất lượng đảm bảo cho việc phát triển gây trồng cây chủ mới và cải tạo rừng cây chủ hiện có, đẩy mạnh khôi phục nghề sản xuất Cánh kiến đỏ tăng nguồn thu nhập xoá đói giảm nghèo cho các cộng đồng làng bản, đồng bào các dân tộc. Khuyến khích dân bản khai thác tiềm năng đất đai mở rộng sản xuất Cánh kiến đỏ bằng phương thức trồng rừng cây chủ tập trung và xen canh nương rẫy. Đồng thời các đại biểu cũng đã thống nhất đề nghị Quỹ môi trường toàn cầu GEF tiếp tục hỗ trợ để Thanh Hoá nhân rộng mô hình dự án ra các huyện có điều kiện tương tự và đề nghị Liên hiệp hội báo cáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đưa vào chương trình hoạt động trọng điểm của Liên hiệp hội trong thời gian tới nhằm góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế cho đồng bào vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thanh Hoá.

Cũng tại hội nghị 8 cá nhân đã được Chủ tịch Liên hiệp hội khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện thành công dự án.

 Phạm Kim Tân


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa