• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 2

    Hôm nay: 110

    Đã truy cập: 544918

Quỹ hỗ trợ Sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình Paraff thông báo mời nộp đề xuất dự án lần thứ 3

Quỹ hỗ trợ Sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình (PARAFF) thông báo mời nộp đề xuất dự án số 03 từ các tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận Việt Nam (NGOs).

PARAFF hoạt động nhằm tăng cường sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình trong quá trình xây dựng luật pháp và chính sách thông qua việc tăng cường sự tham gia của NGOs vào quá trình nêu trên ở cấp trung ương và địa phương, cũng như giám sát việc thực hiện luật và chính sách.

I. Các lĩnh vực hỗ trợ và chủ đề lựa chọn

Các đề xuất dự án cần tập trung vào một hoặc các lĩnh vực do PARAFF hỗ trợ như sau:

- Nghiên cứu liên quan đến quá trình xây dựng luật và chính sách, tập trung vào các lĩnh vực giảm nghèo, quản trị dân chủ và vai trò của NGOs trong việc tăng cường sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình (thí dụ nghiên cứu thu thập chứng cứ về một luật hoặc dự luật cụ thể, về sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng luật; lập kế hoạch có sự tham gia của người dân ở cấp địa phương và cấp tỉnh; về quyền giám sát các cơ quan chính phủ của công dân; nghiên cứu đánh giá sự hài lòng của công dân với việc cung cấp các dịch vụ, v.v.).

- Nâng cao nhận thức của các NGOs và các đối tác chính về các quyền và cơ hội mà hành lang pháp lý hiện hành mang lại liên quan đến sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình (thí dụ Luật ban hành các Văn bản luật, Sắc lệnh về Dân chủ ở cơ sở, v.v.).

- Các sáng kiến do NGOs thực hiện về giám sát và phản hồi ý kiến cho Chính phủ và các đại biểu Quốc hội về thực thi luật pháp, chính sách, và ngân sách ở cấp trung ương và địa phương (thí dụ sáng kiến huy động người dân thực hiện quyền giám sát các cơ quan Chính phủ; chiến lược tăng cường trách nhiệm giải trình trong việc cung cấp các dịch vụ thông qua cơ chế khiếu nại, chiến dịch thông tin đại chúng, phiếu thu thập ý kiến công dân, giám sát cộng đồng và kiểm toán xã hội, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về ngân sách, giám sát chi tiêu công, kiểm toán có sự tham gia, đảm bảo tự do và minh bạch thông tin, bao gồm sáng kiến về minh bạch các nguồn tài nguyên thiên nhiên).

- Tăng cường mạng lưới giữa các NGOs và các bên liên quan nhằm tăng cường sự tham gia của người dân vào quy trình lập pháp và đối thoại chính sách với Quốc Hội, Hội đồng Nhân dân cũng như các cơ quan Chính phủ ở các cấp.

Ngoài ra, các đề xuất dự án tham vấn ý kiến người dân cần gắn liền với một hoặc các Luật thuộc chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa 13. Tuy nhiên, điều kiện để một đề xuất dự án được chọn nhận tài trợ là dự án đó cấp tập trung vào các Luật hoặc Pháp lệnh mà Quốc hội chuẩn bị thông qua tại kỳ họp thứ 7, tháng 5/2014 cho chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2015 của Quốc hội.

Lần mời đề xuất dự án này dành ưu tiên cho các Luật dưới đây:

Cho mục tiêu tham vấn:

1. Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân(sửa đổi);

2. Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam (sửa đổi);

3. Luật Giám sát của Quốc hội (sửa đổi);

4. Luật bầu cử đại biểu Quốc hội(sửa đổi) và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi);

5. Luật giám sát của Hội đồng nhân dân;

6. Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi);

7. Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi);

8. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

9. Bộ luật hình sự (sửa đổi);

10. Bộ luật dân sự (sửa đổi);

11. Luật an toàn, vệ sinh lao động;

12.       Luật tiền lương tối thiểu;

13.       Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

14.       Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em(sửa đổi);

15.       Luật thanh niên(sửa đổi);

Cho mục tiêu giám sát:

1.         Luật Khiếu nại;

2.         Luật tố cao;

3.         Luật hợp tác xã;

4. Luật tài nguyên nước;

5. Luật giáo dục đại học;

6. Bộ luật lao động;

7. Luật xử lý vi phạm hành chính.

Cho mục tiêu giám sát chuyên đề

1. Giám sát chuyên đề việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

II.Các hình thức tài trợ

1- Dự án nghiên cứu: Tổ chức nộp đề xuất có thể lập dự án nghiên cứu với số vốn dưới 800 triệu đồng cho mỗi nghiên cứu trong thời gian tối đa 15 tháng.

2- Dự án nhỏ: Tổ chức nộp đề xuất có thể lập dự án với số vốn dưới 800 triệu đồng cho mỗi dự án trong thời gian tối đa 15 tháng.

III.Tổ chức nào thuộc diên nhận tài trợ?

Bao gồm các tổ chức phi chính phủ Việt Nam, tổ chức quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, nhóm cộng đồng, gọi chung là các tổ chức xã hội.

Các tổ chức nộp đề xuất dự án nhỏ và dự án nghiên cứu cần đáp ứng một số tiêu chí tối thiểu sau đây:

- Được thành lập vì mục đích phi lợi nhuận.

- Là tổ chức phi chính phủ và phi quốc tế.

- Được đăng ký chính thức với cơ quan có thẩm quyền Việt Nam từ hơn 1 năm trở lên.

- Có các quy định mang tính pháp lý về cách hoạt động của tổ chức.

- Có tài khoản ngân hàng dưới sự điều hành của 2 người ký trở lên.

- Có sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương và/hoặc đại biểu dân cử và/hoặc đối tác địa phương cho đề xuất dự án. Có thể nộp thư ủng hộ sau khi dự án đã được duyệt.

IV. Phương thức nộp đề xuất dự án và thời gian nộp

Tổ chức xin tài trợ cần nộp đề xuất dự án kèm ngân sách chi tiết bằng tiếng Việt theo mẫu đề xuất dự án đăng trên trang web của PARAFF. Hồ sơ đề xuất dự án bao gồm: 01 bản gốc và 02 bản sao có dấu và chữ ký của lãnh đạo tổ chức, và 01 bản mềm trong đĩa CD. Các tổ chức xin tài trợ cần đọc kỹ bản hướng dẫn xây dựng đề xuất dự án đăng trên trang web của PARAFF và cần nộp đầy đủ tất cả các tài liệu theo yêu cầu cùng với bản đề xuất dự án. Đề xuất dự án sẽ bị loại nếu thiếu các tài liệu quy định. Có thể gửi túi hồ sơ qua bưu điện, dịch vụ chuyển phát, hoặc trực tiếp gửi đến ban Thư ký PARAFF theo địa chỉ dưới đây:

Quỹ hỗ trợ sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình.

Phòng 303 - nhà B3, tầng 3, Khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc.

298 phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

Điện thoại: ( 84) 04-6273 6531;

Fax: ( 84) 04-6273 6542

Email:office.paraff@gmail.com

Hạn nộp đề xuất dự án xin tài trợ là 17h00 ngày 09/5/2014. Các đề xuất dự án được gửi trực tiếp sau thời gian này sẽ bị loại. Các đề xuất dự án khác dù có dấu bưu điện trước thời hạn quy định nhưng nếu PARAFF không nhận được trong vòng 05 ngày tính từ thời hạn này  cũng sẽ bị loại cho dù lỗi chậm trễ là do dịch vụ chuyển phát gây ra.

Đề xuất dự án được đánh giá theo các tiêu chí về tính hợp lệ và tiêu chí đánh giá trên trang web của PARAFF. Các đề xuất sơ tuyển sẽ được đánh giá bởi một ban xét tài trợ độc lập. Danh sách các tổ chức được nhận tài trợ sẽ được được đăng trên trang web của PARAFF vào tháng 7 năm 2014. Ban Thư ký của PARAFF sẵn sàng trả lời các câu hỏi hoặc yêu cầu về kết quả của các tổ chức nộp đề xuất dự án tại địa chỉ nói trên.

 Minh Quý

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa