• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 1

    Hôm nay: 163

    Đã truy cập: 729582

Rô bốt dế mèn của cậu bé dân tộc Thái 8 tuổi

- Là một trong 5 gương mặt trẻ nhất và giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2011, em Lò Văn Cường được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cùng giải thưởng 7 triệu đồng.

Mới đây, ngày 19/11 vừa qua, cậu học trò lớp 3 Trường Tiểu học xã Hoằng Trạch (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) được ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ký Quyết định tặng Bằng khen cho em kèm theo đó là số tiền thưởng 3,5 triệu đồng.

 Cậu bé thích tìm tòi

Em Lò Văn Cường sinh năm 1993, là người dân tộc Thái, ở bản Xộp Huối, xã Na Mèo, huyện vùng cao Quan Sơn (Thanh Hóa). Hiện Cường sống tại nhà ông bà ngoại ở xóm 5, xã Hoằng Trạch, huyện miền biển Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Ngay từ nhỏ, Cường đã tỏ ra thông minh, ham chơi, thích tìm tòi khám phá. Em rất thích chơi các đồ chơi điện tử như xe máy, ô tô, xe tăng… mang tính tự động hóa.

Chị Mai Thị Lan - mẹ em Cường cho biết: “Ngay từ bé cháu nó ham chơi lắm, suốt ngày cháu cứ quẩn quanh bên đống đồ chơi điện tử. Đồ chơi tôi mua buổi sáng thì chiều cháu nó đã tháo tanh bành, hỏi cháu chỉ hồn nhiên trả lời Tháo ra để lấy cái cho con lắp lại chứ. Rồi cháu lại lắp hoàn chỉnh như lúc ban đầu”.

Với bản chất của cậu bé ham chơi, thích tìm tòi khám phá, Cường đều tháo tung các đồ điện sử dụng trong gia đình để…nghịch.

Cường ở cùng với ông bà ngoại, có người chú mở quán bán và sửa đồ điện dân dụng. Vậy là khi chú sửa đồ, Cường ra xem và cũng bắt đầu tập nối, ghép những đồ vật đơn giản. Sau mỗi buổi học về, em lại loay hoay với đống đồ điện, nhiều hôm Cường còn quên cả ăn cứ ngồi vùi đầu nghịch đống đồ điện tử. Kể cả vào các dịp hè, ngày nghỉ, cả ngày Cường chỉ ngồi nghịch bên đống đồ điện của người chú.

Bắt chước chú, Cường nối những cái đơn giản rồi dần dần em tiếp cận đến những cái phức tạp hơn như: nối dây điện, gép các bộ phận rời với nhau thành một khối hoàn chỉnh.

 Sáng tạo rô bốt dế mèn

Một lần Cường đang nghịch trong đống đồ điện cũ nát của chú thì bố Cường xuống nhà ông bà ngoại chơi, bị hỏng điện thoại di động phải tháo ra sửa nhưng không được. Cường đã xin lại bộ phận rung trên điện thoại của bố để chơi. Và không biết từ khi nào, trong đầu Cường có ý tưởng bằng bộ phận rung của điện thoại thì có thể gắn nó vào một đồ vật khác như vậy sẽ làm đồ vật đó rung theo và nó có thể làm cho đồ vật đó chạy khi có dòng điện đi qua.

Dịp hè năm lớp 2, khi có nhiều thời gian hơn, Cường đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình. Sau một thời gian tìm tòi, Cường nghĩ có thể sử dụng chế độ rung của điên thoại để làm ra những chú dế mèn có thể chạy, đấu sức với nhau trong một mê cung như một trò chơi chọi dế.

Dụng cụ để chế tạo một rô bốt dế mèn rất đơn giản. Cường đã tận dụng bộ phận rung điện thoại sẵn có của mình, chuẩn bị băng dính hai mặt, đầu bàn chải đánh răng và một cục pin nhỏ là có thể làm được một rô bốt dế mèn.

Cách làm của Cường là lấy băng dính hai mặt dính lên mặt trên của đầu bàn chải, tiếp đến hàn hai dây đồng vào hai cực của chế độ rung điện thoại, rồi đặt bộ phận rung điện thoại lên trên mặt băng dính vừa dán vào đầu bàn chải, dán tiếp một lượt băng dính lên trên, lúc này cho hai cực của cục pin vào hai dây đồng của động cơ rung là rô bốt dế mèn có thể rung lên và chạy được.

Để dễ dàng phân biệt các chú dế với nhau khi chơi, Cường cho sơn lên mỗi chú rô bốt một mầu khác nhau. Đồ chơi này có thể chơi theo nhóm, từ lứa tuổi mẫu giáo tới lớn hơn đều có thể chơi được. Để cho rô bốt dễ chạy hơn, Cường đã sáng kiến ra một mặt nhãn có các hướng chạy khác theo kiểu mê cung, và cũng từ đây em lấy tên “Mê cung Rôbốt dế mèn”.

Rô bốt dế mèn tuy đơn giản dễ làm, nhưng với khả năng của một cậu bé mới lên lớp 3, Cường đã gặp một số khó khăn. Cường tâm sự: “Cách làm rất đơn giản nhưng khi hàn hai dây đồng vào bộ phận rung điện thoại, em không hàn được mà phải nhờ chú, hay khi làm mê cung cho rô bốt dế chạy em lại phải nhờ đến ông ngoại vì khi làm mê cung đường chạy của dế chạy nhiều đoạn gấp khúc rất khó làm”.

Được sự giúp đỡ của ông ngoại và người chú, cuối cùng Cường đã làm được con rô bốt dế mèn. Sau khi hoàn thành, Cường đã gửi mô hình “Mê cung Rôbốt dế mèn” lên Hội Khoa học và kỹ thuật để tham gia cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc” lần thứ 7, năm 2011.

Niềm vui đến với Cường khi sản phẩm của em đoạt giải nhất cuộc thi, được Bộ GD-ĐTo tặng bằng khen, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cùng giải thưởng 7 triệu đồng.

Cô Hoàng Thị Hạnh, giáo viên chủ nhiệm em Cường, cho biết: “Ở lớp, em Cường là một học sinh sôi nổi, hay tìm tòi trong học tập. Học lực của Cường luôn xếp loại khá, dẫn đầu trong lớp về thành tích học tập. Nhà trường rất bất ngờ khi nhận giấy báo em Cường được giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 7. Khi tham gia cuộc thi, em không hề nói gì với nhà trường nên nhà trường cũng không giúp gì được cho em”.

Khi được hỏi ước mơ của mình, cậu học sinh học lớp 3 nở nụ cười hồn nhiên: “Ước mơ của em là sẽ chế tạo ra một máy bay tự động loại nhỏ có khả năng thả bom và bắn súng tự động”.

Hoàng Văn - Duy Tuyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa