Những dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu được thực hiện ở Thanh Hoá
Trong những năm qua, bên cạnh các nguồn lực của địa phương, chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF SGP) là một trong tổ chức tài trợ chính cho các dự án trong các lĩnh vực môi trường của Liên hiệp hội Thanh Hoá và các hội thành viên. Các đề tài, dự án do Quỹ tài trợ đều được thực hiện theo phương pháp tiếp cận cộng đồng để giải quyết các vấn đề môi trường và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cộng đồng.
Từ năm 2001 đến nay, Liên hiệp hội Thanh Hoá và các Hội thành viên đã và đang thực hiện 8 dự án do GEF SGP tài trợ với tổng vốn 400.000 đô la Mỹ. Cụ thể gồm các dự án sau:
- Dự án "Xây dựng mô hình sử dụng bền vững rừng luồng bản địa ở xã Nguyệt ấn, huyện Ngọc Lặc” do Trung tâm Tư vấn Đầu tư và Phát triển KHCNMT thực hiện từ năm 2001 đến 2004. Đây là dự án nhằm góp phần sử dụng bền vững rừng luồng bản địa Thanh Hoá, thông qua việc xây dựng mô hình trình diễn có cơ sở khoa học vững chắc, đảm bảo việc trồng và khai thác bền vững rừng luồng trên quy mô lớn, lâu dài có hiệu quả kinh tế cao và bền vững, tạo điều kiện cho việc phát triển vùng chuyên canh cây luồng và phát triển kinh tế lâm nghiệp Thanh Hoá.
Trên cơ sở đó, Quỹ đã tài trợ tiếp dự án "Bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên rừng luồng bản địa Thanh Hoá" do Trung tâm tư vấn đầu tư và phát triển KHCNMT thực hiện từ tháng 6 - 2005 đến tháng 6-2008. Với mục tiêu xây dựng mô hình sử dụng rừng bền vững tài nguyên và môi trường rừng Luồng bản địa tại 3 xã ( Nguyệt ấn, Ngọc Sơn, Mỹ Tân) của huyện Ngọc Lặc. Nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng địa phương trong bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên rừng Luồng bản địa góp phần nhân rộng mô hình.
Kết quả sau 8 năm thực hiện 2 dự án, một sô mô hình phát triển rừng luồng đã được xây dựng và đạt hiệu quả, nền kinh tế - xã hội cho địa phương được nâng cao, đời sống của cộng đồng được cải thiện, điều ghi nhận từ mô hình dự án là đã nâng cao được ý thức người dân trong việc thâm canh bền vững rừng luồng, tác động đến chính sách phát triển vùng luồng của các cấp chính quyền địa phương ..v.v... Đây là một dự án được Ban chỉ đạo quốc gia, Quỹ môi trường toàn cầu đánh giá là một dự án thành công. Mô hình dự án trở nên một địa điểm tham quan học tập của nhiều địa phương có luồng trong và ngoài tỉnh. Dự án được vinh dự đón tiếp các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND tỉnh Mai Văn Ninh đến thăm.
- Dự án “Khôi phục và phát triển nghề nuôi thả cánh kiến đỏ cho đồng bào dân tộc huyện Mường Lát”do Liên hiệp hội thực hiện từ 2007 – 2009 và tiếp tục thực hiện pha 2 từ 2010 – 2012. Sau 3 năm thực hiện pha 1 của dự án, nghề nuôi thả cánh kiến đỏ đã dần được khôi phục và phát triển trên diện rộng. Dự án đã trồng được trên 50ha cây chủ Đậu thiều và cải tạo được 43ha cây chủ tập trung, lựa chọn hơn 10ha cây chủ phân tán, với gần 300 hộ tự nguyện tham gia dự án. Với 10 vụ thả kiến năng suất bình quân từ 4- 6 lần giống thả dòng kiến chính vụ (M) và 4-5 lần giống thả với dòng sớm (S) sản phẩm sặng kiến thu được hiện đang có trong dân khoảng 7 - 8 tấn. Trung bình mỗi hộ tham gia dự án thu được từ 500 đến 1.200 kg sặng kiến, giá sặng 22.000 đồng một kg. Như vậy, từ việc nuôi thả cánh kiến, nhiều hộ đã có được nguồn thu nhập đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Hy vọng trong pha 2, dự án này sẽ đạt hiệu quả hơn nữa vừa góp phần bảo tồn tri thức bản địa, vừa phát triển kinh tế - xã hội vùng cao và bảo vệ bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn.
Bên cạnh các dự án nêu trên, Quỹ còn tài trợ nhiều dự án nhỏ khác và cũng đã đạt hiệu quả đáng khích lệ như Dự án “Góp phần bảo tồn và phát triển quỹ gen quế bản địa (Cinamomum) tại các địa phương sản xuất quế truyền thống của Việt Nam” do Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp thực hiện từ năm 2003 – 2006. Dự án: “Nâng cao năng lực các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực giám định, phản biện xã hội và vận động chính sách”, góp phần tăng cường năng lực tổ chức và kỹ thuật của các Liên hiệp hội và các Hội thành viên trong công tác tư vấn phản biện, giám định xã hội và vận động chính sách. Dự án được thử nghiệm ở 3 địa phương Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Bình Định trong hai năm 2008 –2009. Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn khu giết mổ tập trung, đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và vệ sinh thú y tại tỉnh Thanh Hoá” do Hội Chăn nuôi - Thú y thực hiện từ 2009 - 2011, với mục đích xây dựng mô hình trình diễn khu giết mổ tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và vệ sinh thú y, áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý chất thải của hoạt động giết mổ, sử dụng năng lượng tái tạo (khí sinh học) để góp phần giảm thiểu sự phát khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu ở thành phố Thanh Hoá. Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tổn thương và tăng cường khả năng thích ứng trong giải quyết các vấn đề thiên tai/thời tiết cực đoan (lũ quét và hạn hán) tại xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy” do Hội Thuỷ lợi thực hiện từ năm 2009 - 2010. Nhằm góp phần giảm thiểu tổn thương và tăng cường khả năng thích ứng nhằm giảm tác động của hạn hán và lũ quét đến sản xuất nông nghiệp...
Trong thời gian tới, Quỹ môi trường toàn cầu sẽ ký kết và phối hợp với Hội Nghề cá thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững ngành thủy sản xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa” từ năm 2010 đến 2012. Đây là mô hình thử nghiệm thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu trong khai thác và nuôi trồng thủy sản tại Cồn Trường, vùng nuôi nước lợ đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa, hướng tới phát triển nghề cá bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của cộng đồng.
Với việc thực hiện có hiệu quả các dự án nhỏ do Quỹ môi trường toàn cầu đã làm tăng uy tín, sự tin cậy cũng như hợp tác chặt chẽ giữa giữa Liên hiệp hội và các Hội thành viên với các chính quyền và ban ngành có liên quan của địa phương. Nâng cao năng lực của Liên hiệp hội và các Hội thành viên trong hợp tác đối ngoại, đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quản lý các dự án quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp hội và các Hội thành viên trong hoạt động của mình cũng như xây dựng, tiếp cận các nguồn lực của các tổ chức quốc tế khác.
Phạm Thị Huyền