• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 4

    Hôm nay: 437

    Đã truy cập: 720448

Thống nhất xây dựng đề án ứng dụng công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm sinh học đối với các bãi rác tồn đọng trên địa bàn Thanh Hóa

Sáng 4-11, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị nghe đề xuất xử lý các bãi rác tồn đọng trên địa bàn tỉnh do Hội Bảo vệ môi trường thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trình bày. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Công Thương; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh.

Theo báo cáo của Hội Bảo vệ môi trường, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều bãi rác quy mô lớn, tồn đọng lượng rác lên tới nhiều trăm ngàn tấn/bãi nhưng chưa được xử lý. Lượng rác tồn đọng bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường, bức xúc cho người dân. Các bãi rác chiếm diện tích lớn cũng gây lãng phí tài nguyên đất.

Trước thực trạng trên, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi rác tồn đọng, Hội Bảo vệ môi trường đã nghiên cứu đề tài khoa học “Công nghệ xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học”. Đề tài được Hội đồng Khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ thành lập nghiệm thu, xác nhận.

Ứng dụng đề tài, Hội Bảo vệ môi trường đã chế tạo thiết bị, lắp đặt dây chuyền xử lý rác với công suất 200 tấn rác/ngày tại huyện Thường Xuân. Tiến hành xử lý thử nghiệm 3.000 tấn rác tồn đọng tại bãi rác thị trấn Nga Sơn. Tiếp đó, Hội đã chế tạo thành công dây chuyền xử lý rác với công suất 500 tấn/ngày.

Tại hội nghị, đại diện Hội Bảo vệ môi trường đã thuyết trình về quy trình công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm sinh học. Theo đó, mức kinh phí đầu tư dây chuyền công nghệ xử lý 1.000 tấn rác tồn đọng/ngày là khoảng 51,9 tỷ đồng.

Ưu điểm của công nghệ này là thu hồi sản phẩm tái chế được 35-40% mùn hữu cơ, 8-10% nhựa, nilong. Tỷ lệ rác phải xử lý bằng phương pháp đốt và chôn lấp chỉ từ 10-12%. Đáng chú ý, công nghệ xử lý không gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.

Trên cơ sở hiệu quả đầu tư và những ưu điểm về công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm sinh học, Hội Bảo vệ môi trường kiến nghị được xử lý khối lượng rác thải tồn đọng tại bãi rác Cồn Quán, TP Thanh Hóa làm tiền đề cho việc xử lý toàn bộ lượng rác tồn đọng tại các bãi rác trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích những ưu điểm của quy trình công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm sinh học. Đồng thời, đề nghị Hội Bảo vệ môi trường làm rõ một số vấn đề về quy trình xử lý và kinh phí trong quá trình thực hiện.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang ghi nhận ý tưởng của Hội Bảo vệ môi trường nhằm đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả các bãi rác tồn đọng trên địa bàn tỉnh; đồng thời nhấn mạnh, rác thải tồn đọng là vấn đề nan giải không chỉ đối với tỉnh Thanh Hóa, mà của cả nước. Giải pháp công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm sinh học của Hội Bảo vệ môi trường đề xuất có nhiều ưu điểm, phù hợp với định hướng của tỉnh. UBND tỉnh thống nhất để Hội Bảo vệ môi trường cùng với doanh nghiệp xây dựng đề án ứng dụng công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm sinh học đối với các bãi rác tồn đọng trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghe đề án trước khi báo cáo UBND tỉnh.

Hương Thơm

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa