Đại biểu HĐND tỉnh thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Thanh Hóa tham gia thảo luận tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh
Sáng 11/7/2023, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVIII tiếp tục ngày làm việc thứ 2. Đại biểu Phạm Kim Tân, Tổng thư ký, Trưởng ban KH&CN, Tư vấn phản biện và Giám định xã hội, Liên hiệp các Hội KH&KT Thanh Hóa - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Thanh Hóa, đã có bài phát biểu thảo luận tại kỳ họp. Ban Biên tập tusta.org.vn xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí.
- Kính thưa chủ toạ kỳ họp!
- Kính thưa các vị Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh!
- Kính thưa toàn thể kỳ họp!
Tôi xin phát biểu và tham gia ý kiến vào 2 vấn đề:
1. Vấn đề thứ nhất: Qua nghiên cứu báo cáo của UBND tỉnh trình bày tại kỳ họp tôi nhận thấy: Trong 6 tháng đầu năm mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao, nỗ lực lớn của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Tôi rất ấn tượng với kết quả về 3 chỉ tiêu về kinh tế: (i) Một là, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vẫn đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ; (ii) Hai là, tốc độ tăng trong hoạt động du lịch (Bằng chứng cụ thể là: Tổng lượng khách dụ lịch 6 tháng đầu năm ước đạt trên 8,3 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 15.072 tỷ đồng…); (iii) Ba là, là tỉnh thứ 4 cả nước được phê duyệt quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch…
Đối với các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có được một số điểm nổi bật như: (i) Chất lượng các hoạt động văn hóa – xã hội, giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao tiếp tục được nâng lên và giữ vững; (ii) công tác phòng chống dịch được kiểm soát chặt chẽ; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ.
Nhìn vào các kết quả trên cho thấy công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh là đúng đắn, chính xác, kịp thời và có hiệu quả.
Kính thưa chủ tọa kỳ họp
Tôi thống nhất với 7 nhóm hạn chế đã được nêu trong Báo cáo. Tôi đề nghị cần tập trung làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan dân đến tồn tại, hạn chế, trong đó cần chú ý đến 4 hạn chế: (i) Về tiến độ lập, thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021 – 2025 tỉnh Thanh Hóa; (ii) Tiến độ đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp; (iii) Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp (đặc biệt là có đơn vị đạt 0%, 0,9%…); (iv) Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 đứng thứ 47/63 tỉnh, thành phố, giảm 4 bậc so với năm 2021. Những tồn tại trên có những vấn đề thuộc về tồn tại nhiều năm, có vấn đề tồn tại trong năm 2023, từ đây tôi đề nghị UBND tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sớm khắc phục thì mới hy vọng để chúng ta tiến tới đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2023.
Về Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023: Tôi thống nhất cao các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong báo cáo đã nêu. Tuy nhiên, theo dự báo cho thấy, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tỉnh ta vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức như: (i) Tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro; giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao; thiên tai dịch bệnh dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là vào bước mùa mưa bão năm 2023... là những yếu tố tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. (ii) Để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch cả năm 2023 đòi hỏi các cấp, các ngành phải tập trung cao độ, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; trong đó phải tập trung khắc phục được 07 nhóm khó khăn, hạn chế của 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu chưa đạt 50% kế hoạch.
(iii) Tôi đặc biệt quan tâm đến nhóm giải pháp 1.3 “Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040; tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch có tính chất chuyên ngành theo quy định của Luật Quy hoạch…”, đảm bảo đồng bộ, tạo mối liên kết trong nội bộ vùng, giữa các vùng trong tỉnh với các tỉnh lân cận làm cơ sở để đấu mối, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tiếp tục báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tạo thêm nguồn lực và điều kiện phát triển tỉnh ta (Đây cũng chính là một trong những nội dung được một số đại biểu kiến nghị tại Hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ, tham vấn và đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh với đội ngũ trí thức trong năm 2022).
2. Vấn đề thứ hai đó là: Thông qua hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật được UBND tỉnh giao, tôi nhận thấy: (i) Chương trình, đề án của tỉnh là những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên, đột phá để thực hiện các nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh; (ii) là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Tôi nhận thấy rằng: Hàng năm, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã rất sớm phân công và giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng; đồng thời chỉ đạo quyết liệt công tác chuẩn bị xây dựng các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách. Bên cạnh nhiều sở, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực, trách nhiệm cao, chuẩn bị đề án có chất lượng để trình duyệt và sớm được thông qua, ban hành thực hiện thì vẫn còn một số sở, ngành chưa thực sự quan tâm đúng mức; chưa giành thời gian, trí tuệ và công sức thỏa đáng cho công tác chuẩn bị nên dẫn đến: (i) Nội dung đề xuất thiếu chính xác, chưa sát đúng với thực tiễn và yêu cầu cần thể chế như nội dung đã đề xuất; dẫn đến khi báo cáo chương trình, đề án mới phát hiện được sự trùng lắp, không đúng quy định pháp luật; có chương trình, đề án thấy không cần thiết. (iii) vẫn còn tình trạng một số sở, ngành chưa thật sự tập trung, quan tâm đến công tác nghiên cứu, chuẩn bị để có đề án, chương trình chất lượng tốt mà còn biểu hiện khoán trắng cho cơ quan tư vấn; vẫn còn tình trạng lãnh đạo một số cơ quan được giao nhiệm vụ ít quan tâm sâu sát đến công tác chuẩn bị, dẫn đến có một số chương trình, đề án quá hạn, phải ra hạn báo cáo nhiều lần, có đề án phải kéo dài cả năm vẫn chưa xong; chất lượng rất hạn chế. (iv) Một số chương trình, đề án đã được phê duyệt nhưng không bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện, gây lãng phí về thời gian, nguồn lực của tỉnh; có một số sở, ngành chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của cơ quan Thường trực chương trình, đề án và đồng thời là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực. Tôi chỉ lấy ví dụ riêng ở lĩnh vực văn hóa có 02 đề án từ nhiệm kỳ trước đó là: (i) Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định số 1820/QĐ-UBND ngày 31/5/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh nhưng đến nay vẫn không bố trí được nguồn lực để triển khai thực hiện; (ii) Đề án "Phát huy các giá trị truyền thống của con người Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế” - Đây là đề án quan trọng để biến văn hóa thành nguồn lực phát triển thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, đề cương đã được phê duyệt từ năm 2014 (Quyết định số 2836/QĐ-UBND) nhưng đến nay Đề án chưa được phê duyệt để triển khai thực hiện.
Từ các vấn đề nêu trên, tôi xin kiến nghị UBND tỉnh, HĐND tỉnh cần có giải pháp tích cực hơn để khắc phục tình trạng này. Tập trung vào mấy vấn đề sau: (i) Cần phải quy định và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương được phân công, giao nhiệm vụ nhưng chậm trễ chuẩn bị và trình duyệt các nhiệm vụ nói trên; (ii) Tăng cường chỉ đạo công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, đề án, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh và thẩm quyền quyết định của HĐND nhằm cung cấp thông tin, luận cứ cho việc quyết định, góp phần khắc phục các hạn chế nêu trên; (iii) Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án theo kế hoạch đã đề ra và nhất là triển khai thực hiện sau khi đã phê duyệt; (iv) Cần khắc phục tình trạng chương trình, đề án đã được phê duyệt nhưng không triển khai hoặc chỉ triển khai một phần, không bố trí kinh phí thực hiện; (v) Đề nghị HĐND tỉnh tăng cường giám sát kết quả thực hiện các chương trình, đề án của tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt, các cơ chế, chính sách đã được HĐND tỉnh nghị quyết, qua đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng các chương trình, đề án của tỉnh.
Tôi xin hết ý kiến.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ toạ kỳ họp!