Đội ngũ trí thức - nhân tố nòng cốt thúc đẩy phát triển khoa học- công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa
Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, tri thức - trí tuệ được xem là nguồn tài nguyên vô giá. Điều này càng đúng đối với lĩnh vực khoa học – công nghệ (KH&CN), khi Đảng ta xác định KH&CN là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Muốn vậy, hơn lúc nào hết cần quan tâm đầu tư nhằm xây dựng đội ngũ trí thức KH&CN “vừa hồng vừa chuyên”, đủ về số lượng và cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Ngày 6-8-2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động 54-CTr/TU, ngày 15-10-2008 về thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị... Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, 15 năm qua, đội ngũ trí thức của tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số người có trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tăng nhanh (hiện có 3.121 người tham gia nghiên cứu khoa học: phó giáo sư là 32 người, tiến sĩ là 189 người, thạc sĩ là 1.212 người, đại học là 1.351 người; còn lại cao đẳng (số lượng quy đổi toàn thời gian là 1.229 người, đạt 3,5 người/1 vạn dân - cả nước là 7,02 người/1 vạn dân)).
Trên bình diện chung đó, lực lượng cán bộ KH&CN trong các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp KH&CN Thanh Hóa cũng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ trí thức KH&CN phần lớn có kỹ năng nghề nghiệp tốt, là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Trong đó, đã xây dựng được 4 nhóm chuyên gia KH&CN trên các lĩnh vực nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin; xây dựng được 31 doanh nghiệp KH&CN, đứng thứ ba toàn quốc chỉ sau TP Hà Nội và Hồ Chí Minh. Nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao trong các tổ chức KH&CN tuy còn chiếm tỷ lệ nhỏ, song đây là những cán bộ có trình độ cao và có chuyên môn sâu, có kỹ năng nghề nghiệp tốt, có khả năng phát hiện, đề xuất và xử lý vấn đề; có khả năng đánh giá, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và là đội ngũ tiên phong trong các hoạt động KH&CN của tỉnh.
Vai trò và đóng góp của đội ngũ trí thức trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong 15 năm qua được thể hiện sâu sắc, sinh động trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể: Hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong và ngoài tỉnh có bước chuyển biến tốt, nhiều hoạt động hợp tác chuyển giao, ứng dụng KH&CN giữa các tổ chức, các doanh nghiệp, các chủ trang trại và các hộ nông dân, nhất là trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường... Nhiều công nghệ, giống cây trồng mới, các biện pháp kỹ thuật được chuyển giao; các mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng đã và đang phục vụ thiết thực cho sản xuất. Hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ cũng diễn ra tại các cơ sở sản xuất, như: sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; đúc đồng; sản xuất muối; sơ chế, bảo quản nông sản... hoạt động hợp tác về KH&CN với các viện nghiên cứu và các trường đại học trong nước như: Viện Nghiên cứu hải sản I và III, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện Hóa học, Viện Năng lượng nguyên tử, Viện Khoa học năng lượng, Viện Địa chất khoáng sản, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội được chú trọng. Qua hợp tác nghiên cứu, một số giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, một số kỹ thuật tiên tiến đã được chuyển giao vào địa bàn tỉnh như: lúa thơm, lúa ngắn ngày, lúa chịu mặn; các giống ngô, đậu xanh, đậu tương, lạc; các sản phẩm công nghệ cao như dưa Kim Hoàng Hậu, Giống cam không hạt V2; hoa phong lan, địa lan...; công nghệ nuôi cá nước lạnh (cá hồi vân, cá tầm); sản xuất giống thủy sản (ốc hương, hàu Thái Bình Dương); sản xuất giống và nuôi thương phẩm nấm ăn nấm dược liệu...; mô hình sử dụng năng lượng mặt trời chiếu sáng đường phố; mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng tháp UASB ...
Hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các tổ chức nước ngoài đã được các doanh nghiệp lớn trong tỉnh chú trọng. Điển hình như Công ty CP Mía đường Lam Sơn hợp tác với Viện Nghiên cứu mía đường Quảng Tây (Trung Quốc), Viện Nghiên cứu mía đường Lucknow (Ấn Độ) để tuyển chọn và nhân giống mía; hợp tác với Công ty Flora (Đài Loan), Today (Trung Quốc), Thaiochids (Thái Lan) để sản xuất, nhân giống hoa phong lan các loại... Hợp tác với các công ty Yantan (Đài Loan); Oekomineral AG (Đức) để tiếp nhận công nghệ sản xuất phân bón thế hệ mới. Xúc tiến hợp tác với các trung tâm công nghệ GIZEF tỉnh Mitelsachsen (Đức) và thống nhất chương trình hợp tác trong các lĩnh vực xử lý môi trường, đào tạo, xây dựng vườn ươm doanh nghiệp. Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông hợp tác với Công ty Lehmann Maschinenbau GmbM (Đức) để tiếp nhận, làm chủ công nghệ sản xuất phân bón phức hợp bằng công nghệ tháp cao.
Một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ trí thức KH&CN là số lượng và chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học được công bố quốc tế. Theo thống kê, từ năm 2011-2021, các đơn vị giáo dục là Trường Đại học Hồng Đức và Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có 367 công trình nghiên cứu khoa học và bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế (273 bài trên tạp chí thuộc danh mục Web of Science, Scopus). Cùng với đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, công nghệ thông tin, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, y dược, khoa học xã hội và nhân văn, sở hữu trí tuệ... đều có những bước tiến quan trọng.
Đảng ta xác định, KH&CN là khâu đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, đội ngũ trí thức KH&CN chính là lực lượng nòng cốt, là nền tảng để góp phần khẳng định vị thế, vai trò của KH&CN. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của đội ngũ trí thức KH&CN trong 15 năm qua đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh có bước tăng trưởng khá. Cụ thể: giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 9,4%, trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng 7,5%/năm và giai đoạn 2016-2020 tăng 11,3%. Năm 2021, GRDP ước đạt 8,85%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố; thu ngân sách đạt 39.968,4 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, vượt 50,4% dự toán, đứng thứ 8 cả nước. Hoạt động KH&CN đóng góp cho tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016-2020 ước đạt 38,56%, tăng nhiều lần so với giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 6,2%.
Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, năm 2021, Sở KH&CN đã chủ trì tham mưu và được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về ứng dụng các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa; chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển KH&CN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Kế hoạch áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001... Qua đó, tạo cơ sở, động lực để đội ngũ trí thức KH&CN tiếp tục phát huy trí tuệ, cống hiến tài năng cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa phát triển toàn diện, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại theo tinh thần của Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nguyễn Ngọc Túy
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ