• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 4

    Hôm nay: 306

    Đã truy cập: 557389

Hội Dân tộc học và Nhân học huyện Bá Thước tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2022 - 2027

Ngày 10/5/2022, tại Trung tâm Giáo dục chính trị huyện Bá Thước, Hội Dân tộc học và Nhân học huyện Bá Thước đã tổ chức Đại hội thành lập - Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Tham dự Đại hội có ông Phạm Quang Thẩm - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa, ông Bùi Văn Lưỡng - Bí thư Huyện ủy, ông Lò Văn Thắng - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện, đại diện các phòng, ban của huyện Bá Thước.

Hội Dân tộc học và Nhân học huyện Bá Thước, tiền thân là Chi hội Dân tộc học và Nhân học huyện Bá Thước, trực thuộc Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa, thành lập năm 2016. Qua hơn 5 năm hoạt động, Chi hội đã đạt được kết quả toàn diện, nổi bật là công tác phát triển hội viên và xây dựng tổ chức Chi hội vững mạnh, kết quả là Chi hội được nâng lên thành Hội theo Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 07/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Hội viên của Chi hội là nòng cốt, chủ đạo cùng với Trường Đại học Hồng Đức biên soạn tài liệu và dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái cho hàng nghìn cán bộ, công chức công tác vùng cao của tỉnh, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bá Thước,…; sưu tầm, nghiên cứu và khôi phục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số phục vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới và du lịch cộng đồng; bảo tồn và phát huy tri thức bản địa các dân tộc thiểu số, bảo vệ tài nguyên môi trường, khôi phục nghề truyền thống, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc; tham mưu cho chính quyền và các ngành của huyện về các lĩnh vực liên quan đến lịch sử, văn hóa dân tộc,… Công tác dân tộc học và nhân học đã góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhiệm vụ công tác dân tộc học và nhân học của tỉnh.

Phát biểu tại Đại hội, ông Phạm Quang Thẩm nhấn mạnh thêm: Dân tộc học và nhân học là một ngành khoa học chuyên nghiên cứu về đời sống con người và các tộc người. Bá Thước là một huyện đất rộng, người đông; địa linh, nhân kiệt; có nhiều thành phần dân tộc, trong đó có 03 dân tộc chủ yếu là: Mường, Thái, Kinh. Mỗi dân tộc đều có bề dày lịch sử và bản sắc văn hóa riêng, làm phong phú thêm nền văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam và của tỉnh. Do đó, các dân tộc cần được khảo sát, nghiên cứu một cách đầy đủ, khoa học, để tiếp tục gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, tăng cường đoàn kết, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện, nhiệm vụ công tác dân tộc học và nhân học của tỉnh. Điều đó, đặt ra nhiệm vụ cho Hội rất lớn, rất sâu sắc, vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa mang tính cấp thiết hiện nay. Để thực hiện tốt yêu cầu đặt ra, Hội cần tập trung thực tốt các nhiệm vụ:

1. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phát triển hội viên và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, quan tâm nâng cao chất lượng hội viên để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội.

2. Tiếp tục thực hiện tốt công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.

3. Đẩy mạnh các hoạt động khoa học, công nghệ - đề tài, dự án. Hàng năm, Hội và các hội viên có đăng ký các dự án, đề tài nghiên cứu với huyện, với Hội tỉnh để đăng ký đề tài khoa học với Hội đồng Khoa học tỉnh. Hội và hội viên tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học của Trung ương, tỉnh, huyện; viết bài đăng các báo, tạp chí Trung ương, tỉnh để đóng góp vào công tác nghiên cứu khoa học và tuyên truyền về công tác Hội.

4. Thực hiện tốt công tác đào tạo, phổ biến kiến thức, như: Tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn mang tính chuyên đề cho hội viên và cộng đồng. Tích cực tham gia chương trình dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái của tỉnh; quan tâm thí điểm dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường cho cộng đồng người Mường; bảo tồn, phát huy tri thức bản địa các dân tộc thiểu số,.....

5. Thực hiện tốt các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các lĩnh vực kinh tế - xã hội của huyện. Trước mắt tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương khôi phục các di tích lịch sử, củng cố và nâng cao chất lượng các lễ hội để giáo dục truyền thống lịch sử, phục vụ du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.

6. Ban Chấp hành, lãnh đạo Hội và các hội viên phải tăng cường đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm; tính chủ động, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Hội cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các Hội, chi hội dân tộc học và nhân học các huyện; các sở, ban, ngành của tỉnh; các ban, phòng của huyện, các xã; các tổ chức và các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về dân tộc học và nhân học trong và ngoài huyện để cùng nghiên cứu, trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Đồng thời đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực UBND huyện; các phòng, ban và các xã trên địa bàn huyện tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Hội hoạt động có hiệu quả trong thời gian tới.

7. Thực hiện tốt công tác thi đua - khen thưởng; ươm mầm sáng tạo, tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu để ghi nhận, tôn vinh, biểu dương, thông qua đó cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Hội và các quy định của địa phương.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội gồm 07 thành viên, nghệ nhân ưu tú Hà Nam Ninh được bầu làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2022 - 2027.

 Văn Lộc

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa