Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể lễ hội dâng trâu tế trời
- Sáng 26-12, UBND huyện Thường Xuân phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể lễ hội dâng trâu tế trời tại Pú Pen, thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, Tỉnh Thanh Hóa”.
Trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Thái ở Thường Xuân, từ lâu lễ hội dâng trâu tế tại Pú Pen, bản Lùm Nưa (Vạn Xuân) là một lễ hội lớn nhất, nổi tiếng nhất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay lễ hội đã bị mai một. Việc nghiên cứu phục dựng lại lễ hội là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Thái nói riêng, của các dân tộc thiểu số nói chung, vừa thể hiện bản sắc tộc người, vừa góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa các tộc người thiểu số ở Thanh Hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trước hết là kinh tế du lịch của địa phương.
Sau một thời gian triển khai, với nhiều hoạt động khảo sát, nghiên cứu, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 18 tham luận của các nhà nghiên cứu sử học, dân tộc học, văn hóa học… tập trung vào 3 chủ đề chính đó là: Một số vấn đề chung về cộng đồng người Thái ở Việt Nam và lễ tục dâng trâu tế trời; Lễ hội dâng trâu tế trời tại Pú Pen, bản Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân; Bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội dâng trâu tế trời tại Pú Pen, bản Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân trong giai đoạn hiện nay.
Tại hội thảo, các tham luận đã đề cập nhiều khía cạnh khác nhau của lễ hội dâng trâu tế trời ở Thường Xuân nói riêng và các địa phương khác nói chung như phương pháp tiếp cận, vấn đề bảo tồn và phát huy kinh nghiệm của các địa phương khác; đồng thời đưa ra các ý kiến, những định hướng, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn không gian đồi Pú Pen, phục hồi, tôn tạo lại đền thờ Trời và các địa điểm có liên quan đến lễ hội dâng trâu tế Trời ở bản Lùm Nưa theo truyền thống của cộng đồng người Thái ở Thường Xuân…
Nguyễn Đạt