Đất Việt xưa: Cố đô Lam Kinh - kinh thành cổ nằm ở Thanh Hóa ít người biết
Với lợi thế có bề dày lịch sử lâu đời, địa danh này sở hữu nét cổ xưa độc đáo với không gian thanh tịnh và mang một chút huyền bí thu hút khách du lịch.
Cố đô Lam Kinh - kinh thành thứ hai thời Hậu Lê
Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh rộng hơn 200 ha, thuộc hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, Thanh Hóa, nằm cách Hà Nội khoảng 150km. Nơi đây là chốn linh thiêng mà người anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược, đồng thời là cố đô của nước ta trong thời Hậu Lê.
Nhà vua đóng đô ở Thăng Long (Hà Nội) và dựng ở quê hương Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh. Nơi này còn được gọi là Tây Kinh (để phân biệt với Đông Kinh – Hà Nội) có nhiều điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua. Ít ở nơi nào lại có hai vua như Thọ Xuân, Thanh Hóa. Trước là vua Lê Hoàn (thời Tiền Lê) và sau đó là Lê Lợi (thời Hậu Lê).
Vốn dĩ là công trình kiến trúc của bậc đế vương nên dù đã đi qua thời gian hơn 6 thế kỉ nhưng Lam Kinh vẫn luôn giữ được nét bí ẩn nhưng không kém phần quyền lực của chốn kinh kỳ.
Có gì bên trong cố đô Lam Kinh
Khu di tích lịch sử Lam Kinh có diện tích vô cùng rộng lớn nên bạn có thể thỏa sức tham quan nhiều địa điểm nổi bật khác nhau. Được xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ, với địa thế “tọa sơn hướng thủy” độc đáo, xung quanh được bao bọc bởi núi và sông rất yên tĩnh và mát mẻ.
Trên sông Ngọc có bắc một cây cầu tên là Tiên Loan Kiều hình cánh cung, còn có tên gọi là Cầu Bạch. Cầu uốn cong bắc qua sông Ngọc, nằm trên trục đường chính dẫn vào khu trung tâm chính điện Lam Kinh. Vì được xây dựng từ rất lâu nên cây cầu mang nét đẹp cổ kính và cuốn hút.
Đi qua cầu Bạch khoảng 50 mét, du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng chiếc giếng cổ, đây cũng là công trình nổi bật và mang nét độc đáo của nơi đây. Nước giếng trong xanh quanh năm không cạn, bờ Bắc được lát bậc đá lên xuống, cung cấp nước cho điện Lam Kinh. Đây là một trong những giếng cổ lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Không chỉ dừng lại ở những công trình này, phía bên trong khu di tích lịch sử Lam Kinh còn có rất nhiều những địa điểm độc đáo, mang nét cổ xưa để bạn cùng tham quan như: chính điện, ngọ môn, sân rồng, đền thờ, bia khắc của các vị vua cùng những ngôi đình, chùa cổ kính.
Về Thanh Hóa, ghé thăm cố đô Lam Kinh
Bởi Thanh Hóa thuộc vùng Bắc Trung Bộ nên cũng có 4 mùa, mà vào mỗi khoảng thời gian thì Lam Kinh đều mang một vẻ đẹp khác nhau. Tuy nhiên, để hưởng trọn hào khí Lam Sơn trong lịch sử, hãy thử ghé thăm Lam Kinh vào khoảng thời gian tháng 8 - tháng 9 âm lịch vì lúc này, lễ hội thường niên sẽ được tổ chức.
Bạn sẽ cảm thấy "khí chất An Nam" ngời ngời trong từng câu tế, từng nghi thức lễ lạ kì. Đặc biệt, sau phần lễ tế, bạn còn được tham gia các trò chơi truyền thống của xứ Thanh như đấu vật, trò Chiêng, trò Xuân Phả hay hòa trong không gian âm nhạc của dân ca Đông Anh, điệu hò sông Mã đi vào lòng người.
Lễ hội này không chỉ mang tính chất thiêng liêng mà còn đậm nét văn hóa dân gian truyền thống của xứ Thanh và những vùng lân cận đầy hào hùng.