Thành Nhà Hồ với góc nhìn Di sản văn hóa
Nghiên cứu về Thành đá của vương triều Hồ, ta liên tưởng tới tòa Thành đất (Loa thành) do An Dương Vương xây dựng. Ở hai tòa thành này có một số điểm tương đồng: cả hai đều vừa là hoàng thành vừa là quân thành; đều có vũ khí "Thượng phong" (Loa thành có nỏ Liên Châu do Cao Lỗ làm ra, thành nhà Hồ có Thần cơ sang pháo do tướng quốc Hồ Nguyên Trừng chế tạo); đều bị thất thủ trước ngoại xâm và cả hai thành đều trở thành di sản truyền đời cho hậu thế. Tuy nhiên, Loa thành được xây dựng bằng đất, còn Thành Nhà Hồ được xây dựng hoàn toàn bằng đá tự nhiên. Điểm khác biệt này chính là điều mà gần một ngàn năm sau hậu thế vẫn đang dò tìm lời giải cho kỹ nghệ xây dựng thành đá thời bấy giờ, nhờ đó mà Thành nhà Hồ đã vinh dự trở thành Di sản văn hóa thế giới vào năm 2011.
“Bao lớp rêu phong phủ mặt thành
Ngọ môn sừng sững giữa trời xanh
Thành đá thi gan cùng tuế nguyệt
Thiên tài người Việt mãi lưu danh.”
Nghiên cứu về Thành đá của vương triều Hồ, ta liên tưởng tới tòa Thành đất (Loa thành) do An Dương Vương xây dựng. Ở hai tòa thành này có một số điểm tương đồng: cả hai đều vừa là hoàng thành vừa là quân thành; đều có vũ khí "Thượng phong" (Loa thành có nỏ Liên Châu do Cao Lỗ làm ra, thành nhà Hồ có Thần cơ sang pháo do tướng quốc Hồ Nguyên Trừng chế tạo); đều bị thất thủ trước ngoại xâm và cả hai thành đều trở thành di sản truyền đời cho hậu thế. Tuy nhiên, Loa thành được xây dựng bằng đất, còn Thành Nhà Hồ được xây dựng hoàn toàn bằng đá tự nhiên. Điểm khác biệt này chính là điều mà gần một ngàn năm sau hậu thế vẫn đang dò tìm lời giải cho kỹ nghệ xây dựng thành đá thời bấy giờ, nhờ đó mà Thành nhà Hồ đã vinh dự trở thành Di sản văn hóa thế giới vào năm 2011.
Để hiểu sâu về tòa thành đá này, xin được nói đôi điều về tác giả của Đại công trình - Hồ Quý Ly - Thánh Nguyên Hoàng đế. Hồ Quý Ly có nguồn gốc từ Chiết Giang, Trung Quốc nhưng Ông được sinh ra và lớn lên tại làng Kim Phát, hương Đại Lại (nay là thôn Kim Phát, xã Hà Đông, huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Ngoài việc là tác giả của thành Tây Giai, ông còn là tác giả của hàng loạt cải cách lớn vào đầu thế kỷ thứ XV như cải cách về quan chế, hình luật; cải cách về quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội. Nhiều cải cách của ông trải qua năm tháng đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Đáng chú ý là cải cách dùng tiền giấy thay cho tiền đồng, ban hành chính sách hạn nô, hạn điền, lập sổ hộ tịch, đúc súng Thần cơ sang pháo, dùng chữ Nôm thay cho chữ Hán...
Tuy nhiên, thời bấy giờ, những cải cách này ngày càng khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa giới quý tộc nhà Trần với Hồ Quý Ly, do một số cải cách đã đụng chạm đến quyền lợi của họ. Ví dụ, chính sách hạn nô hạn điền đã khiến ruộng đất và nô tỳ của các đại quý tộc nhà Trần bị tịch thu xung vào nhà nước... Thêm vào đấy, quá trình xây dựng Thành Nhà Hồ đã tiêu tốn rất nhiều tiền của của dân chúng; rất nhiều dân binh, phu phen bị huy động, thậm chí bỏ mạng... đã đẩy lòng dân ngày càng cách xa vương triều Hồ; dẫn đến khi nhà Minh tiến hành xâm lược Đại Việt, nhà Hồ không được lòng dân cho nên dù thành trì kiên cố, vũ khí thượng phong nhà Hồ vẫn bị thất thủ trước nhà Minh.
Mặc dù vậy, tòa thành đá của Hồ Quý Ly cùng vương triều xây dựng nên vẫn ngàn năm thi gan cùng tuế nguyệt và vinh dự trở thành Di sản văn hóa của nhân loại.
Không phải chỉ sau khi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới vào ngày 27/6/2011, Thành Nhà Hồ mới khiến các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư, các sử gia tốn nhiều giấy mực đến vậy, mà đã từ lâu rất nhiều nghiên cứu, nhiều đàm luận, hội thảo vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục cho những bí mật của quá trình xây dựng tòa thành "vô tiền khoáng hậu", "tiền nhân chưa thể, hậu thế khó theo" này. Đây là công trình kiến trúc kỳ vĩ đặc sắc nhất bởi nghệ thuật xây dựng đá lớn kết hợp với phương pháp truyền thống độc đáo có một không hai ở Việt Nam và khu vực cuối thế kỷ thứ XIV.
Khi xây dựng tòa thành, Hồ Quý Ly đã chủ tâm đóng "Thiên Ấn" (dấu trời) xuống vùng đất thiêng (thành có hình vuông mỗi cạnh khoảng 900m).Với tư cách là kinh đô của nhà nước Đại Việt, Thành Nhà Hồ được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về địa thế, phong thủy, tiền án hậu chẩm đều có hình sông thế núi bao bọc. Với tư cách là quân thành, Thành Nhà Hồ hội tụ đủ các yếu tố cho việc bảo vệ kinh đô, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự. Thành nhà Hồ là một phức hợp, được kết cấu gồm 3 phần: Hoàng thành (nội thành); Hào thành bao bên ngoài, cách chân thành chừng 50m, có tác dụng bảo vệ thành nội; La thành là vòng ngoài cùng. Thành tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền núi với vị trí đắc địa " tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ". Sử dụng tới 20.000 m3 đá để xây dựng và gần 100.000 m3 đất được đào đắp, tạo nên một công trình kỳ vĩ lưu dấu ấn lịch sử.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, tòa thành vẫn kiên cường thách thức thời gian với tường thành và cửa thành còn khá nguyên vẹn. Thành còn có 3 cửa: Cửa Bắc, cửa Đông và Cửa Tây đều còn tương đối nguyên vẹn. Cả 4 mặt tường thành cũng còn gần như nguyên vẹn dù đã trải qua gần một ngàn năm. Các kết quả khai quật, khảo cổ học đã bước đầu làm xuất lộ nhiều thành phần kiến trúc của kinh đô cổ .
Để xây dựng cổng thành hình vòm, người xưa đã nâng những phiến đá lớn, có phiến nặng tới 27 tấn lên cao để ghép thành vòm cổng; nâng những viên đá lớn lên để ghép tường thành. Tường thành được xây dựng hoàn toàn bằng đá nguyên khối, phần móng sâu 2 mét, phần tường cao 6 mét. Toàn bộ tường thành được gắn với nhau nhờ mài khít đá, không có chất kết dính.
Vấn đề đặt ra là, vào đầu thế kỷ XV, khi thế giới chưa có các công nghệ, khoa học kỹ thuật phát triển, chỉ với đôi bàn tay và sức người mà người xưa đã tách các phiến đá nặng tới hàng chục tấn ra khỏi núi, rồi vận chuyển từ những mỏ đá về công trường, chế tác gọt rũa và nâng lên xếp thành vòm cổng, tường thành... Khó lý giải cho việc người xưa đã sử dụng kỹ thuật gì để xây dựng tòa thành đá này? Bí mật này đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thuyết phục.
Một tòa thành độc nhất, độc nhất đến mức trải ngàn năm không những kẻ thù không phá nổi, mà ngay cả thiên nhiên với bao mưa nắng dãi dầu, biết bao thăng trầm dâu bể, trước mắt chúng ta Thành Nhà Hồ vẫn hiên ngang trụ giữa đất trời để làm nhân chứng cho bàn tay khối óc của ông cha ta qua bao năm tháng vẫn trường tồn. Đó chính là di sản văn hóa.
Kết quả của nhiều lần khai quật khảo cổ, nay chúng ta được chứng kiến những hiện vật quí giá: Gạch ngói dùng để xây dựng cung điện có ghi rõ đơn vị sản xuất, các loại vật dụng trong Hoàng cung, đạn đá người xưa dùng để chiến đấu… Hàng ngàn hiện vật khảo cổ còn khá nguyên vẹn: đá bó móng, đá xanh bó nền, trục đá, đầu rồng, bệ đá hoa sen cực lớn, chân tảng được chạm khắc kỳ công, gạch lát nền điện được trang trí hình rồng với bốn cạnh có hoa mai cách điệu, ngói lợp điện gồm: ngói đầu bò, ngói đầu sư tử, ngói mũi hài cực lớn... Tất cả những di vật này là chứng cứ minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của nghề thủ công vào thời Trần Hồ, đặc biệt là công nghệ sản xuất vật liệu để kiến thiết tường thành, cổng thành và hoàng cung.
Cách cổng thành phía Nam chừng 2 km là một di tích rất quan trọng trong tổng thể Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, đó là Đàn tế Nam Giao của Vương triều Hồ. Đàn tế Nam Giao là nơi nhà Vua tế Trời cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đây là Đàn tế Nam Giao lớn nhất còn giữ được khá nguyên vẹn trong tất các các triều đại phong kiến Việt Nam, được phát lộ vào năm 2008. Đàn tế gồm các hạng mục: Trục thần đạo, Giếng Ngự Dục. Khu vực Đàn chính nằm trên một gò cao được xây bằng đá; gồm 2 cấp: cấp dưới hình vuông là Phương Đàn (nơi đứng của các quan khi hành lễ), cấp trên hình tròn là Viên Đàn (nơi diễn ra nghi lễ nhà Vua tế trời). Năm 1402, Vương triều Hồ do Hoàng đế Hồ Hán Thương làm chủ tế khai Đàn tế Giao đầu tiên. Sau khi nhà Hồ thất thủ, đất nước rơi vào tay giặc Minh, từ đó đến nay Đàn tế Nam Giao chưa thực hiện thêm nghi lễ tế giao lần nào nữa.
Ở các làng, xã phụ cận bao quanh Thành Nhà Hồ đến nay vẫn còn gìn được các di sản văn hóa có tuổi đời ngang với tuổi tòa thành. Ở tường thành phía Tây có đền thờ nàng Bình Khương (vợ Cống Sỹ - người bị đá đè chết trong quá trình xây dựng thành nhà Hồ). Đây là biểu tượng cho đức tin của nhân dân vào sự hy sinh và nỗi khổ ải của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến có chồng con bị điều đi phu phen, lao dịch để xây dựng kinh thành. Hàng năm, lễ hội đền nàng Bình Khương vẫn được tổ chức vào dịp tháng ba. Hàng loạt các di sản văn hóa phi vật thể như các điệu hát, các điệu múa, các hội hè của người dân ở các làng, xã lân cận vẫn được bảo tồn và duy trì, truyền lại qua nhiều thế hệ, góp cho sự trường tồn của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.
Trên toàn cõi Việt Nam, mỗi di tích lịch sử, di sản văn hóa đều góp cho non sông đất nước cái phần hồn, phần cốt được tạo nên bởi bàn tay khối óc của các thế hệ ông cha qua biết bao thăng trầm lịch sử truyền đời cho hậu thế. Theo đó, Di sản thế giới Thành Nhà Hồ là niềm tự hào cho trí tuệ, tài năng của con người Việt Nam; là nền tảng để thế hệ hôm nay tự tin vào tiềm năng, trí tuệ trong mỗi người chúng ta, từ đó đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Thời gian trôi thật nhanh, mới đó mà 10 mùa xuân đã lần lượt gõ cửa thành đá nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới. Di sản văn hóa không thể tự nhiên mà có! Đó là sự tích tụ hàng ngàn đời từ xương máu, công sức, tài năng của các thế hệ trong suốt quá trình lịch sử, đấu tranh sinh tồn, dựng nước và giữ nước. Song, di sản sẽ tự mất đi nếu không bảo tồn, gìn giữ và sẽ trở nên vô nghĩa nếu một di sản văn hóa không được phát huy giá trị trong cuộc sống, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Do vậy, để Thành Nhà Hồ được bảo tồn và phát huy giá trị, cần có những giải pháp thiết thực hiệu quả.
Từ khi trở thành Di sản văn hóa thế giới, du khách đến với thành nhà Hồ ngày càng đông về số lượng, đa dạng về thành phần, quốc tịch. Do vậy, cần phải đặt Thành Nhà Hồ trong mối quan hệ văn hóa, kinh tế, chính trị, an ninh xã hội để công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý Di sản Thành Nhà Hồ.
Một là, trên cơ sở quy hoạch tổng thể, cần có bước đi đúng và trúng một cách vững chắc cho việc quy hoạch chi tiết, sát với thực tế phát triển du lịch. Nếu làm du lịch mà không tính đến cách làm kinh tế có hiệu quả thì không thể phát triển văn hóa một cách bền vững. Trước hết, phải bảo vệ một cách nguyên trạng đúng diện mạo ban đầu của tòa thành, tối kỵ việc làm biến dạng di tích; đồng thời xác định chính xác các hạng mục xung quanh di tích như: la thành, hào thành, các vị trí khác của kiến trúc di tích nguyên gốc để vừa khai thác phát huy tác dụng của di tích, vừa nghiên cứu khoa học một cách thận trọng, tránh khai quật một cách vội vàng gây hậu quả.
Hai là, sớm xây dựng khu nhà đón tiếp khách, có trang thiết bị chuyên dùng cao cấp, hiện đại phục vụ du khách; trong đó phải tính đến phục vụ khách quốc tế. Cần có sa bàn giới thiệu khái quát về Thành Nhà Hồ trong tiến trình phát triển lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15, giới thiệu ý nghĩa thời đại của Thành Nhà Hồ trong xu thế hội nhập. Thông qua đó, lồng ghép việc quảng bá văn hóa, ẩm thực, tín ngưỡng, tâm linh đến du khách. Đặc biệt, nên có nhà thờ các vua Hồ tại địa điểm thích hợp để du khách có nơi dâng hương tri ân các bậc tiền nhân đã có công xây dựng tòa thành đá. Nên xây dựng nhà bảo tàng Thành Nhà Hồ nhằm thu hút sự chiêm ngưỡng cũng như nghiên cứu của du khách.
Ba là, sớm khôi phục các làng nghề truyền thống, nhất là các nghề truyền thống đã từng gắn bó với kinh thành của vương triều Hồ từ thế kỷ XV; khôi phục các loại hình văn hóa phi vât thể, các trò diễn dân gian, các trò diễn cung đình phục vụ du khách thăm quan thưởng ngoạn. Để làm tốt công tác quảng bá, cần đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, bài bản, có trình độ chuyên sâu, tâm huyết với công việc, đảm bảo gắn kết với du khách.
Bốn là, để du khách khi đến với Thành Nhà Hồ đảm bảo thời lượng, các nội dung tham quan, cần đặt di sản Thành Nhà Hồ trong mối quan hệ với các di tích, các điểm đến khác trong vùng phụ cận, trong tỉnh và trong nước nhằm kết nối thành những tour, tuyến du lịch nhằm thu hút và níu chân du khách khi đến Việt Nam, đến Thanh Hóa. Tạo các sự gắn kết giữa các di tích trọng điểm như Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, các di tích vệ tinh như Đền Trung Túc vương Lê Lai, Căn cứ Hội thề Lũng Nhai và các di tích tâm linh như Đền Sòng Sơn, Đền Chín Giếng, Động Từ Thức, Đền Bà Triệu... Đặc biệt, cần sớm khôi phục nghi lễ tế Giao tại Đàn tế Nam Giao để phục vụ cho tour các kinh đô Đại Việt trên đất Xứ Thanh.
Năm là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong quảng bá và phát triển giá trị Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ. Trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực để quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa Thành Nhà Hồ là việc làm cần thiết. Công tác quảng bá, tuyên truyền cần được triển khai hiệu quả để mỗi du khách khi đến tham quan đều trở thành một sứ giả du lịch để quảng bá hình ảnh và giá trị của Di sản văn hóa thế giới - Thành Nhà Hồ đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Xã hội hóa để đầu tư xây dựng một số hạng mục đầu tư ngắn hạn, trung hạn, hạng mục nằm ở các vùng phụ cận, vùng vệ tinh (trừ vùng lõi của di tích) phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Để giữ vững danh hiệu Di sản văn hóa thế giới, vấn đề cốt lõi là: Trong khi thực hiện tốt các vấn đề nêu trên, phải có kế hoạch tổng thể nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO về chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa thế giới - Thành Nhà Hồ.
Di tích lịch sử nói chung, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ nói riêng là tài sản vô giá do ông cha đã sáng tạo trong quá trình dựng nước và giữ nước. Để di sản văn hóa trường tồn cùng lịch sử dân tộc, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam chúng ta./.
Hồ Quang Sơn
Chủ tịch Hội Di sản văn hóa và cổ vật Thanh Hoa