Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số trong phát triển sản phẩm OCOP
Hiện nay các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đã và đang vận dụng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến Sào Xứ Thanh (Hậu Lộc), cho biết: Từ khi tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện chuyển đổi số, công ty đã nhanh chóng tiếp cận và chủ động ứng dụng trong xúc tiến quảng cáo, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các gian hàng trực tuyến nhằm quảng bá thương hiệu cho nhóm sản phẩm Yến Thanh đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ở thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ truyền thống, công ty đã tận dụng nền tảng số để đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử như: PostMart, VCCI Thanh Hóa... qua đó tạo thêm nhiều kênh tiếp cận với người tiêu dùng, giúp đơn vị chủ động đầu ra, xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm. Đồng thời, công ty cũng sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy, ký kết hợp đồng qua nền tảng số... để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Trong khi đang loay hoay với chiến lược tìm đầu ra cho sản phẩm mật ong truyền thống, HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp Yên Nhân (Thường Xuân) đã được giới thiệu tìm hiểu và tiếp cận với quy trình chuyển đổi số. Để tiếp cận với quá tình chuyển đổi số, HTX đầu tư hệ thống máy ép thủy phân để nâng cao chất lượng mật ong. Đồng thời, đăng ký sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn của cơ quan chuyên môn quy định. Chị Vi Thị Thuyết, giám đốc HTX chia sẻ: Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay thị trường bán lẻ truyền thống đã bão hòa nên các đơn vị sản xuất, kinh doanh muốn mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cần phải hòa mình vào dòng chảy của nền tảng số. Do đó, ngay khi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, HTX đã sử dụng phần mềm PostMart, VCCI... để bán hàng và từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong rừng Yên Nhân. Thông qua ứng dụng thương mại điện tử, HTX đã tiêu thụ được khoảng 400 lít mật ong/tháng, doanh thu khoảng 80 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã phát triển được 120 sản phẩm OCOP cấp tỉnh của 70 chủ thể. Bước đầu, các doanh nghiệp, chủ thể sản xuất OCOP trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: Xây dựng trang web, sử dụng thư điện tử, phần mềm kế toán, ứng dụng các hình thức thanh toán điện tử và từng bước đưa sản phẩm lên mạng xã hội hoặc các sàn thương mại điện tử... Trong đó, nhiều đơn vị đã đạt được kết quả kinh doanh vượt trội, như: Công ty TNHH Đức Giang (Thọ Xuân), HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn), cơ sở sản xuất Lan Anh (Quảng Xương)... Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa đủ năng lực, trình độ ứng dụng công nghệ để chủ động tham gia chuyển đổi số đã tìm kiếm, kết nối với một số đơn vị trung gian để hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù mới thành lập đầu năm 2021, nhưng HTX sản xuất và thương mại VINACO đã phát huy được vai trò kết nối, hỗ trợ tiêu thụ cho hàng chục sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa. Chị Lê Thanh Lịch, phụ trách kinh doanh của HTX, cho biết: Từ đầu năm 2020, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP trên thị trường truyền thống gặp nhiều khó khăn. Do đó, từ tháng 3-2021, HTX đã linh hoạt vận dụng nền tảng số để tiêu thụ sản phẩm. HTX chủ động kết nối với các đơn vị đang có chính sách hỗ trợ phí giao dịch, được cơ quan chuyên môn giới thiệu, như: Bưu điện Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -Chi nhánh Thanh Hóa... để kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP. Qua đó, có khoảng 20 sản phẩm OCOP, hàng chục sản phẩm nông sản của tỉnh Thanh Hóa được quảng bá, tiêu thụ tại ứng dụng PostMart.vn, 54 sản phẩm OCOP được quảng bá trên phần mềm VCCI và hàng chục sản phẩm có mức độ tiêu thụ khá trên Website lmhtxvnmart.com.vn... Đồng thời, HTX còn làm nhiệm vụ bao tiêu sản phẩm cho một số chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, với doanh thu bình quân khoảng 200 triệu đồng/tháng.
Theo đánh giá của tổ quản lý OCOP, thuộc Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, việc phát triển các sản phẩm OCOP trong thời gian vừa qua được gắn liền với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, 100% sản phẩm được gắn sao OCOP được cơ quan chuyên môn hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, bảo đảm tính minh bạch và giá thành ổn định. Thông qua đó, khách hàng, đối tác của các chủ thể sản xuất có thể nhận biết được sản phẩm OCOP, tạo niềm tin khi tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để việc vận dụng nền tảng số hiệu quả, các chủ thể sản xuất cần nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên, minh bạch thông tin sản phẩm và chủ động tìm hiểu để ứng dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình.
Bài và ảnh: Lê Hòa