• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 12

    Hôm nay: 679

    Đã truy cập: 559088

Hướng tới miễn dịch cộng đồng bằng “công cụ” vắc-xin: Bài 2 - Để không ai bị bỏ lại phía sau

Trong bối cảnh dịch, bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, tiêm vắc-xin phòng bệnh được xem là “công cụ” đắc lực trong xây dựng “lá chắn” bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch hiệu quả.

Đây không chỉ là mục tiêu của một địa phương, đơn vị hay tổ chức nào mà là mục tiêu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, nhằm sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường.

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, với sự xuất hiện của biến thể mới khiến tốc độ lây nhiễm của bệnh nhanh hơn, mạnh hơn, phức tạp, khó lường và khó dự báo hơn. Đợt dịch này đặt ra nhiều thách thức với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng. Những ngày gần đây, số ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 trong nước tăng kỷ lục, đặc biệt là tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Trước diễn biến phức tạp, khó dự báo và một số địa phương có nguy cơ bùng phát dịch bất kỳ khi nào, ở bất cứ đâu, thì “vắc-xin + 5K + công nghệ” đến thời điểm này vẫn được đánh giá là biện pháp hiệu quả, cần thiết, quan trọng, để phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến ngày 23-7, cả nước có hơn 4,4 triệu liều vắc-xin đã được tiêm. Để tạo miễn dịch cộng đồng, cả nước đã chính thức bước vào chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Chiến dịch này được triển khai từ tháng 7-2021 đến 4-2022 tại cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến. Đây được xem là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước ta, với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người (từ 18 tuổi trở lên), với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022. Sự kiện này phát đi một thông điệp, Việt Nam quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân và đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới để phát triển theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Và, với cách làm này, nhiều tổ chức quốc tế đã nhận định, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin có quy mô toàn quốc của Việt Nam nhằm đạt miễn dịch cộng đồng đã, đang thể hiện sự đoàn kết, nhân ái để không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch.

Tại Thanh Hóa, để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa tích cực, quyết liệt phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ngoài việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, UBND tỉnh đã sớm ban hành kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng thực hiện kế hoạch theo đúng tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19; Quyết định 1210/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ...

Đến nay sau 2 đợt triển khai tiêm vắc–xin, toàn tỉnh đã tiêm cho trên 48.000 đối tượng. Trong đó, từ ngày 22-4 đến 5-5-2021 tổ chức tiêm đợt 1 cho hơn 25.500 trường hợp thuộc đối tượng là những người tuyến đầu phòng, chống dịch bao gồm: Cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế tham gia công tác phòng chống dịch; thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, thành viên tổ COVID dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên tham gia công tác phòng chống dịch. Từ ngày 22-6 đến 15-7-2021 tổ chức tiêm vòng 1, đợt 2 cho gần 23.000 đối tượng. Trong đợt này ngoài lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch mở rộng thêm các đối tượng là người cung cấp dịch vụ thiết yếu (đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc tại Thọ Xuân, Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Thanh Hóa, Viettel Thanh Hóa); giáo viên, người làm việc tại cơ sở giáo dục, đào tạo (Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, cơ sở giáo dục đặc thù gắn với thực hành tại bệnh viện); nhân viên, cán bộ ngoại giao (Sở Ngoại vụ); người làm việc tại cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người (Sở Giao thông - Vận tải, Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa, Kiểm toán Nhà nước Khu vực XI)...

Ông Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong bối cảnh dịch, bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, tiêm vắc-xin phòng bệnh được xem là “công cụ” đắc lực trong xây dựng “lá chắn” bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch hiệu quả. Tại Thanh Hóa qua 2 đợt tiêm với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, hoạt động tiêm chủng được diễn ra theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn tuyệt đối sau tiêm. Đặc biệt, các đối tượng tiêm chủng đang từng bước được mở rộng sau mỗi đợt tiêm nhằm hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Hiện, trung tâm đang tham mưu cho Sở Y tế, UBND tỉnh triển khai kế hoạch tiêm đợt 3 với số lượng vắc–xin được tiếp nhận theo các quyết định phân bổ vắc–xin của Bộ Y tế khoảng hơn 65.000 liều.

Là một trong số những người đã được tiêm vắc–xin, bác sĩ Vũ Lan Anh, Khoa Hóa sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: “Chống dịch COVID-19 không chỉ là nhiệm vụ của những người trong ngành y tế mà còn là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như mỗi người dân. Tôi cùng các đồng nghiệp đã được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, đây vừa là vinh dự và cũng là tránh nhiệm khi có thêm một “lá chắn” trong “trận chiến” với dịch bệnh COVID-19. Tôi hy vọng với sự nỗ lực và vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, không chỉ y, bác sĩ hay lực lượng tuyến đầu mà tất cả mọi người dân sẽ được tiêm vắc–xin phòng ngừa trong thời gian sớm nhất”.

Có thể thấy, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, ngoài tuân thủ, tự giác, nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế và của chính quyền địa phương, đông đảo các tầng lớp Nhân dân đều mong muốn được tiếp cận với vắc–xin COVID-19 để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Chị Nguyễn Lê Hương, phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa), cho hay: “Tôi biết rằng, Đảng, Nhà nước, ngành chức năng đang rất nỗ lực, vất vả để phòng, chống dịch COVID-19. Nhưng hiện nay dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, vì vậy, tôi nghĩ giải pháp tối ưu nhất vẫn phải là vắc–xin. Tôi hoàn toàn đồng tình, ủng hộ chủ trương tiêm vắc–xin trước cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và mong muốn tất cả người dân sẽ sớm được tiêm vắc–xin để phòng dịch”.

Cùng chung suy nghĩ với chị Hương, chị Trần Thị Phượng, công nhân Công ty TNHH SAKURAI Việt Nam (Khu Công nghiệp Lễ Môn – TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Được tiêm vắc–xin không chỉ là mong muốn của tôi mà của rất nhiều người, nhất là công nhân, lao động trong các công ty, khu công nghiệp. Nếu công nhân trong các khu công nghiệp được tiêm vắc–xin sẽ góp phần hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất trong doanh nghiệp do dịch bệnh gây ra, qua đó, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững”.

Ghi nhận từ thực tiễn cũng như qua đánh giá của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng cho thấy, việc sử dụng vắc-xin ở các địa phương trong cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng trong thời gian qua đã, đang nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của người dân. Những liều vắc–xin đầu tiên về Việt Nam đã được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch với sự đồng thuận rất lớn của các tầng lớp Nhân dân. Vắc–xin cũng được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Hiện, hoạt động tiêm chủng đang được mở rộng đến các nhóm đối tượng khác như giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục và đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc với nhiều người. Người mắc bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống ở vùng có dịch. Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch...), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế... cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch. Người nghèo, các đối tượng chính sách, lao động tự do... Việc làm này đang khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng; đồng thời thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước cũng như minh chứng sinh động cho chủ trương “không ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch.

Sự quyết tâm, tính nhân văn của chủ trương trên cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 toàn quốc mới đây: “Mục tiêu của chiến lược vắc-xin là tiêm miễn phí hàng năm cho Nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng. Mọi người dân đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vắc-xin. Mỗi chúng ta hãy để thông điệp “mình vì mọi người và mọi người vì mình” và “thương người như thể thương thân” được thắp sáng và lan tỏa trong cộng đồng, trong toàn thể Nhân dân; đoàn kết, thống nhất phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau quyết tâm, trên dưới một lòng để thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, mang lại bình an, sức khỏe cho Nhân dân và phát triển đất nước”.

Phong Sắc

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa