• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 8

    Hôm nay: 396

    Đã truy cập: 565204

Hướng tới xây dựng Luật Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Hướng tới xây dựng Luật Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ. TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì hội thảo.

Những năm gần đây, hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được quan tâm và nhiều có chuyển biến quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách và các quy định của pháp luật về KH&CN đến với nhân dân, phổ biến tri thức, nâng cao dân trí KH&CN; cung cấp thông tin KH&CN phục vụ quản lý nhà nước, phục vụ nghiên cứu, triển khai, phục vụ sản xuất và đời sống.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, trong thời gian qua có hàng loạt các văn bản chỉ đạo của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, là cơ sở pháp lý quan trọng, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và vai trò của Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông và phổ biến kiến thức KH&CN, với mục tiêu truyền bá tri thức KH&CN tiên tiến vào phục vụ sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần xây dựng xã hội dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trình bày Dự thảo Luật Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ do Liên hiệp Hội Việt Nam sơ thảo, TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, Luật Dự thảo Dự thảo Luật Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ gồm có 6 chương và 31 Điều. Theo TSKH Nghiêm Vũ Khải, ban soạn thảo tài liệu hoàn toàn làm việc trên tinh thần tự giác, tự nguyện, không có kinh phí, với mong muốn có một bản dự thảo Luật sơ bộ để các nhà khoa học góp ý,hướng tới vận động Quốc Hội thực hiện quy trình nghiên cứu, ban hành Luật Phổ biến kiến thức KHCN theo đúng Chỉ thị 42 - CT/TW của Bộ Chính trị  ngày 16/04/2010.

TS Khải cũng cho biết thêm , hoạt động phổ biến kiến thức khoa học công nghệ cần được thực hiện thường xuyên, rộng rãi ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, sản xuất, đời sống và xã hội. Việc xây dựng Luật phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ vừa cần đảm bảo nội dung đa dạng vừa phải xác định các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm ưu tiên trong phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, đồng thời xây dựng theo hướng Luật “mở”. Đồng thời cần phù hợp với các công ước, bộ luật tiến bộ trên thế giới vừa đảm bảo các giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Theo ý kiến của TS Phạm Nguyên Hà – Phó Giám đốc Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS cho biết, xây dựng Luật Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ là rất cần thiết, đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, là sự nghiệp vì lợi ích của toàn dân; Phổ biến kiến thức khoa học và thành tựu khoa học mới của Việt Nam và thế giới, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào áp dụng trong sản xuất đời sống.

Theo TS Hà, Dự án Luật Phổ biến kiến thức còn thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ trong mọi lĩnh vực và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đề ra.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho bản dự thảo. TS. Đạng Vũ Cảnh Linh, trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội Việt Nam chia sẻ một số khó khăn trong quá trình, nghiên cứu, biên soạn bộ tài liệu hướng tới dự thảo Luật, đồng thời ông Linh khẳng định tầm quan trọng không nên bàn cãi của việc nghiên cứu, ban hành Luật phổ biến kiến thức KHCN nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần và chủ trương của Đảng ta là "phát triển KHCN thực sự trở thành quốc sách hàng đầu". Trước đây chúng ta xây dựng cả hệ thống "bình đan học vụ" để xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí, thì trong thời đại hiện nay "xóa mù KHCN" như lời Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu là nhu cầu cấp thiết cho quá trình phát triển đất nước. Theo ông Linh, cần giải quyết tốt khái niệm Phổ biến kiến thức (Dissemination) theo cách hiểu của ngôn ngữ Việt Nam là truyền thông có định hướng, đặt phổ biến kiến thức trong xu thế phát triển chung của khoa học truyền thông hiện đại như truyền thông đa chiều, truyền thông đã phương tiện, hội tụ truyền thông...để phổ biến kiến thức KHCN đem lại hiệu quả thực tiễn, thúc đẩy toàn dân học tập, ứng dụng, sáng tạo KHCN.

Tất cả  đại biểu tham dự hội thảo đều đồng thuận mong muốn Luật Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ nhanh chóng sớm được ban hành.Ngoài ra, theo ý kiến của các đại biểu, với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ thông tin, cần nhìn vào thực tế cuộc sống để khẳng định rằng việc xây dựng và ban hành Luật là cần thiết xong có những vấn đề cần quản lý chặt chẽ nhưng cũng có những vấn đề cần dự vào thực tiễn đời sống để vận dụng linh hoạt cho phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước trong qua trình đổi mới và hội nhập công nghệ 4.0.

Tác giả bài viết: HT


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa