Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý tại thọ xuân
Thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật và Đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 – 2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 07/4/2018, tại huyện Thọ Xuân, Hội luật gia tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho hơn 200 người là hội viên Hội Luật gia, thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND, cán bộ tư pháp – hộ tịch xã, thị trấn của huyện Thọ Xuân. Dự và chỉ đạo Hội nghị có lãnh đạo Hội Luật gia tỉnh và lãnh đạo HĐND, UBND huyện Thọ Xuân.
Hội nghị đã được nghe Tiến sỹ Dương Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa, truyền đạt những điểm mới, những nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (BLHS năm 2015) và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
BLHS năm 2015 gồm 26 chương, 426 điều (tăng 2 chương và 72 điều so với Bộ luật Hình sự năm 1999), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. BLHS năm 2015 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển ở mức cao hơn những nguyên tắc, chế định pháp luật hình sự của nước ta từ năm 1945 đến nay, nhất là Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng như những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nhiều năm qua; tiếp tục thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm. BLHS năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới, bao quát cả phần những quy định chung lẫn phần các tội phạm cụ thể, có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới tư duy, nhận thức về chính sách hình sự, về vấn đề tội phạm và hình phạt; phản ánh được những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước và mong đợi của đông đảo quần chúng Nhân dân.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) năm 2016 gồm 9 chương, 68 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018, thay thế Pháp lệnh TNTG số 21/2004/UBTVQH11. Đây một trong những Luật được ban hành nhằm cụ thể hóa quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. So với Pháp lệnh TNTG năm 2004, Luật TNTG năm 2016 có những điểm mới cơ bản như: Mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tự do TNTG (từ “công dân” thành “ mọi người”); bổ sung một chương về quyền tự do TNTG; bổ sung quy định đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, chuyển một số nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho cơ quan quản lý nhà nước về TNTG ở trung ương; công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo; bổ sung các quy định liên quan đến cơ sở đào tạo tôn giáo; bổ sung quy định cho phép người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị; được tập trung sinh hoạt tôn giáo riêng tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam; được mời chức sắc, nhà tu hành là người Việt Nam hoặc người nước ngoài giảng đạo.
Hội nghị cũng được nghe phổ biến, giới thiệu Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật và Đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 – 2021 của Thủ tướng Chính phủ và các kế hoạch thực hiện Chương trình và Đề án này của Chủ tịch UBND tỉnh; nghe giới thiệu kỹ năng, kinh nghiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý đối với từng đốt tượng cán bộ, Nhân dân./.
HÀ SĨ THẮNG
(Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa)