• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 2

    Hôm nay: 97

    Đã truy cập: 876185

Tọa đàm "Tăng cường quan hệ hợp tác DN Thanh Hóa - Nhật Bản nhân dịp 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản"

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 20/9/2013, Chi nhánh Phòng TM và CN Việt Nam tại Thanh Hóa đã phối hợp với sở Ngoại vụ Thanh Hóa tổ chức "Tọa đàm tăng cường quan hệ hợp tác DN Thanh Hóa - Nhật Bản nhân dịp 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản"

Đây là một hoạt động hưởng ứng năm hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản 2013. Tham dự buổi tọa đàm có trên 40 đại biểu đại diện cho UBND tỉnh Thanh Hóa, đại diện các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, các hiệp hội Doanh nghiệp, các DN Nhật Bản tại Thanh Hóa và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tại buổi tọa đàm, qua bài giới thiệu của sở Ngoại vụ, các đại biểu đã được ôn lại lịch sử và thành tựu của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nói chung và tỉnh Thanh Hoá - Nhật Bản nói riêng. Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao  ngày 21/9/1973. Bốn mươi năm là khoảng thời gian đủ dài để khẳng định mối quan hệ song phương bền chặt này đang phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.

Về viện trợ ODA, kể từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. ODA của Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam tập trung vào 5 lĩnh vực cơ bản, cụ thể là: Phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế; Xây dựng và cải tạo các công trình giao thông và điện lực; Phát triển nông nghiệp và xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn; Phát triển giáo dục và đào tạo y tế; Bảo vệ môi trường.

Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 6/2013, Nhật Bản có 1.990 dự án với vốn đầu tư đăng ký gần 33 tỷ USD. Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2013 đã có 47 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó, Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,35 tỷ USD, chiếm 34,5% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam. Đầu tư trực tiếp của các DN Nhật Bản, phần nào đó được coi là sự đảm bảo về môi trường kinh doanh của một quốc gia, một địa phương. Vì vậy, có thể coi đầu tư trực tiếp của Nhật Bản là cầu nối để thu hút đầu tư trực tiếp từ các quốc gia, khu vực khác.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, điểm mốc quan trọng trong mối quan hệ Thanh Hóa - Nhật Bản là dự án Nhà máy xi măng Nghi Sơn năm 1995 với tổng số vốn đầu tư đến nay là 621,9 triệu USD. Nhật Bản cũng là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)  lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa với 9 Dự án FDI do 11 DN Nhật Bản đầu tư. Về viện trợ phát triển chính thức, Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa với 3 dự án có tổng số vốn cam kết 20 triệu USD và 5 dự án đa phương với tổng vốn cam kết 284 triệu USD. Về hợp tác lao động, Thanh Hóa có hàng nghìn người đang làm việc cho các DN Nhật Bản và số lượng lớn tu nghiệp sinh là người Thanh Hóa tại Nhật Bản.

Tuy mối quan hệ Thanh Hóa  - Nhật Bản phát triển như vậy nhưng quan hệ hợp tác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tiềm năng của 2 phía. Nguyên nhân do những rào cản về vị trí địa lý, cơ sở giao thông vận tải và cơ sở đầu tư.

Các đại biểu cũng đã nghe và thảo luận về tình hình hoạt động của các DN có vốn đầu tư Nhật Bản tại Thanh Hoá. Thanh Hoá là tỉnh thu hút được nhiều nhất vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản với trên 9,65 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2013, Thanh Hóa là địa phương thu hút nhiều vốn vốn đầu tư nước ngoài nhất với trên 2,81 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm 22,3% tổng vốn đầu tư. Mặc dù vậy, so với 1.900 dự án trên cả nước, trung bình mỗi tỉnh thu hút 30 dự án đầu tư của Nhật Bản, trong khi Thanh Hóa là 9 Dự án. Điều này cũng đặt ra câu hỏi cho chúng ta và cần tìm giải pháp để cải thiện.

Tại buổi tọa đàm, các DN có vốn đầu tư Nhật Bản bao gồm: Công ty Xi măng Nghi Sn, Công ty TNHH Nomura Thanh Hóa, Công ty Yotsuba Dress Việt Nam, Công ty TNHH Bêtông Sakura cũng đã phát biểu về những thuận lợi, khó khăn và những đề xuất kiến nghị của mình. Hầu hết lãnh đạo các DN Nhật Bản cho biết đã được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất kinh doanh, đồng thời bày tỏ sự vui mừng khi đầu tư trên mảnh đất có những con người khéo léo, thông minh và có năng lực. Một số khó khăn mà DN Nhật Bản phản ánh là: thiếu thông tin pháp luật; thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phức tạp.

Buổi toạ đàm đã góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa hai quốc gia nói chung và giữa tỉnh Thanh Hoá với các DN Nhật Bản nói riêng. Đồng thời cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hỗ trợ DN tỉnh Thanh Hoá lắng nghe ý kiến của các DN Nhật Bản để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần vào việc tăng thu hút FDI từ Nhật Bản và các quốc gia khác.

 VCCI Thanh Hoá

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa