• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 4

    Hôm nay: 458

    Đã truy cập: 569840

Báo cáo đánh giá báo cáo dự án “Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”

Căn cứ báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt dự án. Lấy nội dung báo cáo tóm tắt là cơ sở đánh giá dự án và tham khảo các chi tiết báo cáo tổng hợp và tài liệu phụ lục. Báo cáo đã thể hiện được những ưu điểm sau đây.

Báo cáo đánh giá báo cáo

dự án “Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”.

Nội dung ý kiến đánh giá

I- Những ưu điểm của dự án.

Căn cứ báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt dự án. Lấy nội dung báo cáo tóm tắt là cơ sở đánh giá dự án và tham khảo các chi tiết báo cáo tổng hợp và tài liệu phụ lục. Báo cáo đã thể hiện được những ưu điểm sau đây:

1- Báo cáo dự án xây dựng 4 phần. Ngoài phần mở đầu, 3 phần còn lại chia ra các chương với nội dung đề cập phù hợp với các phần trên. Phân chia các chương, mục đã bám vào đề cương dự án.

Phần mở đầu: Nội dung dự án đã nêu được sự cần thiết của việc lập dự án quy hoạch bảo vệ môi trường; cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể. Đã khẳng định: Quy hoạch BVMT làm cơ sở điều hòa quan hệ giữa phát triển kinh tế xã hội với việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm, ngăn ngừa suy thoái môi trường. Đáp ứng chiến lược BVMT quốc gia, phù hợp các mục tiêu ưu tiên của phát triển KT-XH của Thanh Hóa.

Nêu được nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu xây dựng quy hoạch.

2- Báo cáo đã tóm lược được các điều kiện tự nhiên và KT-XH Thanh Hóa làm cơ sở nghiên cứu sự tác động các điều kiện ấy đối với môi trường và BVMT. Các số liệu và tình hình trong phần này là thực tế và phù hợp với các dự án quy hoạch tổng thể KT-XH và các dự án khác liên quan (chương 1. phần thứ nhất).

Đồng thời đã nêu tóm lược sự phát triển KT-XH Thanh Hóa với các chỉ tiêu thời kỳ 2000 – 2007 và tóm tắt chiến lược phát triển các lĩnh vực kinh tế. Định hướng tổ chức không gian, vùng lãnh thổ để gắn kết với nhiệm vụ BVMT (chương 2 – phần thứ nhất).

3- ưu điểm nổi bật dự án đã đánh giá hiện trạng môi trường Thanh Hóa., tập trung các môi trường chi phối: như môi trường không khí; môi trường nước mặt, nước ngầm, nước thải công nghiệp; chất thải rắn (sinh hoạt và công nghiệp); môi trường đất; rừng và đa dạng sinh học. Với số liệu quan trắc đã tổng hợp và tình hình hiện trạng của các loại môi trường, mức độ ô nhiễm hiện tại là cơ sở để dự báo, đánh giá nguy cơ suy thoái không những hiện tại mà các giai đoạn tương lai.

Đồng thời, dự án đã đưa ra dự báo ô nhiễm môi trường dựa trên các định mức, tiêu chuẩn cho phép và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội về số lượng, mà tính ra các thông số ô nhiễm thuộc các loại môi trường chính làm cơ sở xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ BVMT cho thời kỳ tới.

4- Quy hoạch BVMT đến năm 2020 trong phần ba của dự án đã nêu ra:

Quan điểm, định hướng, mục tiêu.

- Các nhiệm vụ, chỉ tiêu BVMT các môi trường chủ yếu (chi phối): môi trường không khí, nước, chất thải rắn, văn hóa – du lịch, đa dạng sinh học, khai thác khoáng sản v.v…

- Các giải pháp đào tạo nhân lực, khoa học – công nghệ, giải pháp các giai đoạn trong chu kỳ quy hoạch, trong đó rõ nhất là các giải pháp cấp bách cho thời kỳ 2008 – 2010.

- Khái quát nguồn vốn và giải pháp vốn; các dự án trọng điểm.

- Tổ chức lãnh thổ môi trường. Đây là quan điểm mới trong quy hoạch, nhằm hướng các giải pháp phù hợp với tính chất môi trường trình độ, nhu cầu phát triển.

- Cuối cùng giải pháp tổ chức chỉ đạo.

II - Những tồn tại, nhược điểm của dự án:

1- Sự cần thiết của dự án: Nêu chưa đầy đủ tính toàn diện và sự bức xúc, xuống cấp nghiêm trọng của môi trường; sự phát triển kinh tế xã hội về khách quan sự phát triển … nên sự thay đổi môi trường tự nhiên là điều kiện để tạo sự suy thoái, như dân số tăng, đô thị và công nghiệp phát triển v.v… Hiện tại đã ô nhiễm và suy thoái nhiều vùng, nhiều lĩnh vực chứ không phải chỉ một số doanh nghiệp gây ô nhiễm về chủ quan và ý thức trách nhiệm BVMT của các cơ quan quản lý và xã hội còn thấp. Tác giả cần nghiên cứu và bổ sung cho thật rõ sự cần thiết về vấn đề này.

Mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cần làm rõ hơn.

Mục tiêu tổng quát còn có giá trị làm chức năng quản lý các hoạt động xã hội đối với BVMT; mục tiêu năm 2008 – 2010 thời kỳ rất ngắn giải quyết điểm môi trường ô nhiễm nặng, nguy hại chứ không phải là môi trường trọng điểm, xử lý môi trường trọng điểm chỉ có thể là môi trường không khí, nước, đất, đô thị; mục tiêu 2010 – 2015 cần nêu rõ hơn, tài liệu ghi: “tiếp tục xử lý các vấn đề môi trường khác, bước đầu gắn phát triển kinh tế đi đôi với BVMT” – quá chung, không rõ, môi trường khác là gì?

2- Điều kiện tự nhiên về kinh tế – xã hội.

Trang 10 – mục C nên nêu mục Hệ thống hồ đập không phải là hệ thống ao hồ.

- Trang 11 – mục a (1,2,1). “Dân số trung bình Thanh Hóa là 3.697.227 người” – Khái niệm dân số trung bình không rõ. Cần sử dụng số liệu tỷ lệ dân số đô thị từ 9,8% năm 2007 (362.000 người) lên 36% năm 2020 (1.435.000 người) 12 năm tăng 4 lần, đây là sự phát triển qui mô lớn đồng thời dễ gây ô nhiễm, suy thoái bền vững môi trường, nếu không có giải pháp BVMT.

- Trang 18 mục 1.7. Đa dạng sinh học không đề cập gì đến hệ động vật là một thiếu sót.

- Cần điều chỉnh bổ sung các hiện trạng trên.

3- Chiến lược tổng thể phát triển KT-XH.

- Phát triển lâm nghiệp (trang 22): Cần bổ sung diện tích các loại rừng đến năm 2020.

- Phát triển du lịch cần nêu rõ các tuyến, khu du lịch.

- Phát triển mạng lưới đô thị (trang 23 – mục 2.2.5), cần đưa số liệu tỷ lệ và số lượng dân số năm 2020 vì đó là những yếu tố tác động lớn đến BVMT như đã nói trên.

- Mục 2.2.7 (trang 23) – Không nên đưa công tác bảo vệ môi trường vào phần này mà sử dụng tiêu chí môi trường phần này để đưa vào mục tiêu, nhiệm vụ các lĩnh vực BVMT ở phần quy hoạch.

Mục 2.3 (trang 23). Sử dụng phần này đưa vào kết luận dự báo hiểm họa ô nhiễm môi trường chương II phần thứ 2 thì hợp lý hơn.

4- Đánh giá hiện trạng môi trường.

- Đưa số liệu quan trắc ô nhiễm không khí trong báo cáo là rất tốt. Tuy nhiên cần làm rõ thông số, số liệu quan trắc bình quân trên bao nhiều lần đo. Cần nêu nguyên nhân chính gây ô nhiễm là gì? nhất là các khu vực trọng điểm, các nhà máy công nghiệp Thanh Hóa có nhiễm phóng xạ không?

- Nhận xét chất lượng ô nhiễm nhẹ các nguồn nước hầu hết các hệ thông sông, có quan trắc sao không đưa ra số liệu cụ thể. Hiện trạng nhiễm mặn hệ thống sông cần làm rõ.

5- Chương dự báo diễn biến môi trường trong tương lai nếu không thực hiện quy hoạch tổng thể môi trường.

Nên khẳng định dự báo trong kỳ quy hoạch đến năm 2020, vì quy hoạch có thời gian nhất định, không nên nêu là tương lai. Nên có kết luận dự báo tổng hợp cuối chương này làm cơ sở đưa vào quy hoạch.

Chương Hiện trạng ngành nên tóm tắt, ngắn gọn vì trùng lắp và không sát với đề cương. Có thể chương “Hiện trạng môi trường và chương “Hiện trạng Ngành môi trường vào một chương, rõ những yếu tố khách quan môi trường, và yếu tố chủ quan – quản lý môi trường.

6- Phần “quy hoạch BVMT Thanh Hóa đến năm 2020.

Đây là phần quan trọng nhất. Tuy đã nêu các quan điểm, định hướng, mục tiêu, nội dung quy hoạch; các giải pháp. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần lưu ý điều chỉnh, bổ sung:

6.1. Quan điểm: Cần chú ý quy hoạch này phải bám sát, tuân thủ quy hoạch tổng thể KT-XH Thanh Hóa đến năm 2020, chứ không chỉ quy hoạch 2010, vì đã sắp kết thúc. Yêu cầu môi trường cho KT-XH thời kỳ 2020 là rất lớn: quy mô, tốc độ sẽ tác động lớn đến môi trường.

- Quy hoạch phải thể hiện rõ tính gắn kết, chi phối, hướng dẫn các quy hoạch lĩnh vực, ngành KT-XH để bảo đảm sự bền vững môi trường, chứ không chỉ là cân nhắc, phù hợp như báo cáo nêu ra.

Báo cáo đã khẳng định quan điểm, không cần nêu định hướng vì lặp lại các quan điểm đã nêu.

- Mục tiêu của quy hoạch còn là căn cứ để quản lý, xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống tổ chức làm cho nhiệm vụ BVMT thể hiện đầy đủ các mặt đời sống xã hội. Đến đây xuất hiện sự trùng lặp: phần mở đầu và phần quy hoạch đều nêu “Mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, nội dung như nhau. Cần bỏ nội dung này ở phần mở đầu.

6.2. Mục 2.1.1 (trang 76) chỉ cần nêu “nhiệm vụ”, không cần nêu “yêu cầu” vì trùng lặp, phức tạp khi nghiên cứu. Tại mục này việc sắp xếp không rành mạch, khó hiểu; cần điều chỉnh về các lĩnh vực quy hoạch: chương mục, điểm, số hiệu cần theo thứ tự logic, rất nhiều chỗ khó hiểu. Vĩ dụ: chương I (trang 74): Quan điểm và mục tiêu, mục đầu lại ghi số hiệu 1.1. ngay, sang chương II nội dung khác, mục đầu lại số hiệu là 2.1. Hình thức phải hợp nội dung không để lẫn lộn, cần xem xét chỉnh sửa.

- Về quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường. Đây là cơ sở VCKT quan trọng trong hoạt động giám sát, BVMT, cần nêu rõ hệ thống quan trắc môi trường ở cấp tỉnh, huyện, khu vực, cơ sở; làm rõ mối quan hệ các lĩnh vực quan trắc chuyên ngành ví dụ: quan trắc thủy văn, khí tượng v.v..

- Trang 78, mục 2.2. Xử lý các cơ sở ô nhiễm nặng, cần chia 3 giai đoạn: 2010, 2015, 2020. Năm 2010 giải quyết 8 điểm, năm 2015 là bao nhiêu, để năm 2020 xóa bỏ hoàn toàn các điểm nóng. Chỉ nên đề ra cho năm 2015 là cơ bản, 2020 – xóa bỏ hoàn toàn.

- Trang 79: “Tích cực phòng ngừa ô nhiễm và xử lý ô nhiễm cần bổ sung biện pháp: Kiểm soát công nghệ nhập khẩu và công nghệ mới lắp đặt phải giám định cho phép. Quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề đến cấp huyện.

Quy hoạch quản lý bảo vệ môi trường nước.

Cần đưa vấn đề cấp bách đến 2010 là “Quy hoạch khai thác cát các lòng sông” mới bảo đảm môi trường các sông và chống sói lở là hiện tượng vi phạm phổ biến, cần ngăn chặn hiệu quả.

- Trang 86. Mục 2.9- Tổ chức quản lý  môi trường cần đưa vào chương các giải pháp thực hiện. Cần rà soát hoàn thiện công tác xây dựng và phê chuẩn quy hoạch các lĩnh vực các ngành quan trọng có liên quan đến ô nhiễm môi trường và quản lý quy hoạch chặt chẽ.

6.3. Giải pháp thực hiện:

- Cần cụ thể hơn biện pháp đào tạo nhân lực và tiềm năng KHCN cho công tác môi trường, giám sát và bảo vệ môi trường, ví dụ đến năm 2020 Thanh Hóa có hệ thống quan trắc thế nào, cơ cấu đội ngũ KH-KT và quản lý môi trường bao nhiêu ở cấp tỉnh và huyện, ngành.

- Nguồn vốn thời kỳ 2010 (16 dự án), cần chọn dự án trọng điểm vì chỉ còn 1 năm thực hiện.

Thời kỳ 2011 – 2015, mỗi năm có 4 dự án cấp tỉnh, nhưng năm 2010 – 16 dự án, khó khả thi.

- Thời kỳ 2016 – 2020: 18 dự án.

Chọn 8 dự án trọng điểm quá ít. Dự án 3. “Xử lý nước sinh hoạt cho các vùng nông thôn, miền núi, ven biển theo quy mô hộ, nhóm hộ gia đình – nếu như vậy khó khả thi vì rộng lớn và chung chung, mà khẳng định các vùng nông thôn đồng bằng, ven biển, miền núi khó khăn nguồn nước, bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu và vùng nghèo.

III- kết luận và kiến nghị:

1- Quy hoạch không toàn diện và bao quát đầy đủ các lĩnh vực môi trường như luật BVMT đề ra: đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và 16 hành vi nghiêm cấm.

2- Quan điểm không đầy đủ, theo những nguyên tắc bắt buộc. Tài liệu dự án đưa rất nhiều khái niệm và nội dung lặp lại, lẫn lộn giữa quan điểm, định hướng, yêu cầu.

3- Sắp xếp mục, điểm lẫn lộn các chương, nhiều điểm rất khó hiểu.

4- Các nội dung của các lĩnh vực chỉ nêu lên rất vắn tắt như những “lời kêu gọi”, biện pháp không rõ, nêu chỉ có 8 dự án trọng điểm đến năm 2020 làm sao để bảo vệ môi trường bền vững được.

Thiếu các giải pháp: nâng cao năng lực nhận thức BVMT, biện pháp đào tạo nhân lực quá giản đơn, thiếu số liệu cần thiết, hệ thống quan trắc không rõ ở các cấp, các ngành, lĩnh vực.

Nguồn vốn: thời kỳ năm 2010 chỉ còn 1 năm, mà ghi 16 dự án, thời kỳ 2011 – 2015, mỗi năm chỉ có 4 dự án. Dự án thứ 3 (trong 8 dự án trọng điểm) đưa toàn bộ các vùng nông thôn một dự án – là quá rộng và không khả thi.

Nguyên nhân có tình trạng trên, theo tôi là:

- Cơ quan tư vấn dự án chưa điều tra cụ thể, thời gian còn ngắn nên dữ liệu, số liệu thiếu nhiều.

- Môi trường là lĩnh vực rộng lớn bao quát tất cả lĩnh vực, ngành, khu vực đến các doanh nghiệp, gia đình và mỗi con người, nên không thể bao quát trong một tài liệu “quy hoạch”, vì vậy quy hoạch có bao quát đến bao nhiêu cũng không đủ. Bao quát thì dễ chung chung, cụ thể quá dễ thiếu. Vì vậy trong luật BVMT mới có quy định trách nhiệm ĐTM đối với mọi hình thức và đối tác đối với môi trường.

Vì vậy rất khó phản biện dự án này.

Tôi đề nghị  nên thay đổi văn bản quy hoạch bằng 2 loại văn bản là:

- Chiến lược BVMT Thanh Hóa đến năm 2020.

- Đánh giá môi trường Thanh Hóa đến nay và biện pháp BVMT đến năm 2020.

Lý do: Vì tính chất rộng lớn, tính chi phối của luật BVMT, xây dựng chiến lược phù hợp hơn.

- Theo luật BVMT ở cấp tỉnh chỉ có hình thức đề án “Đánh giá môi trường cấp tỉnh và những giải pháp”.

Nguyễn Văn Thát

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa