Hội DTH&NH:Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
Vừa qua, Hội Dân tộc học và Nhân học Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ông Trần Văn Thịnh - Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có PGS. TS. Lê Ngọc Thắng - Ủy viên BCH Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại; ông Nguyễn Quốc Uy - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh.
Thực hiện nhiệm vụ năm 2024, công tác dân tộc học của tỉnh có nhiều thuận lợi, song cũng gặp không ít khó khăn, nhưng phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt khó của đội ngũ cán bộ, hội viên, công tác Hội đã đạt được nhiều kết quả, nổi bật là công tác phát triển hội viên và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Trong năm, đã tuyên truyền, vận động kết nạp 45 hội viên mới, đến nay Hội có 283 hội viên. Trong đó, có 4 tiến sĩ (2 phó giáo sư), 20 thạc sĩ, 181 đại học, cao đẳng và 78 nghệ nhân dân gian (có 2 nghệ nhân ưu tú). Trên cơ sở phát triển hội viên, Hội đã quyết định thành lập Chi hội thành phố Thanh Hóa. Tuyên truyền, vận động và quyết định thành lập Câu lạc bộ Văn hóa dân tộc Mường xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc.

Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Nguyễn Quốc Uy phát biểu tại Hội nghị.
Thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn:
- Hoạt động khoa học và thực hiện các đề tài, dự án: Chủ trì thực hiện thực hiện tốt 2 nhiệm vụ và chuẩn bị phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức thực hiện 4 nhiệm vụ trong Kế hoạch số 64 /KH-UBND ngày 20/3/2023 của UBND tỉnh về thực hiện đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 - 2025. Trong năm, Hội đã thực hiện sưu tầm, nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học, hoàn thành xây dựng “Bộ chữ Dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa”, đang trình UBND tỉnh phê chuẩn và hoàn thành bổ sung, hoàn thiện “Bộ chữ Thái Thanh Hóa”. Triển khai xây dựng “Sổ tay tiếng Mường - Việt Thanh Hóa” và “Sổ tay tiếng Thái - Việt Thanh Hóa”, chuẩn bị số hóa vào năm 2025.
- Công tác đào tạo, phổ biến kiến thức: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên học tập, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Hội để nâng cao nhận thức và tổ chức tốt vệc thực hiện. Tổ chức tập huấn cho 34 học viên là lãnh đạo và Ủy viên Ban Chấp hành Hội tỉnh và các Hội, Chi hội cơ sở “Những kiến thức cơ bản về dân tộc học và nhân học” để nâng cao nhận thức và kỹ năng công tác dân tộc học và nhân học trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo các hội, chi hội cơ sở thực hiện tốt công tác sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số: (1) Hội huyện Quan Sơn: Xuất bản cuốn sách “Tục ngữ, thành ngữ, dân ca Thái Thanh Hóa” (1.200 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm). Sưu tầm, nghiên cứu hoàn thành cuốn sách “72 điểm du lịch tiềm năng huyện Quan Sơn”. Tham gia xuất bản cuốn “Từ vựng Thái – Việt Việt Nam”. Triển khai sưu tầm, biên tập sách: Ngôn ngữ giao tiếp tiếng Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú Thanh Hóa. Tổ chức 1 lớp học chữ Thái cho 28 cán bộ, hội viên và nhân dân tại xã Sơn Điện (thời gian 3 tháng). (2) Hội huyện Bá Thước: Hội viên đã sưu tầm, nghiên cứu và xuất bản tác phẩm “Đất và người Bá Thước trong tôi” (Nhà xuất bản Văn học - Hà nội, dày 300 trang); hoàn thành bản thảo “Bách khoa thư du lịch huyện Ngọc Lặc” (dày 250 trang, khổ A4); làm giáo viên dạy chữ Thái, tiếng Thái tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện, 8 lớp/320 học sinh học môn tự chọn bằng tiếng Thái. (3) Chi hội huyện Ngọc Lặc: Tiếp tục triển khai sưu tầm, biên soạn, bổ sung tài liệu dạy và học tiếng, chữ Nôm Dao; tổ chức, sưu tầm biên soạn từ điển tiếng dân tộc Dao. Thực hiện bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Mường, như: Các trò chơi dân gian, múa Pôồn Pôông, cây Nêu ngày Tết,…; hát dân ca, các điệu múa dân tộc Dao. (4) Chi hội huyện Cẩm Thủy: Phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tổ chức 3 lớp tập huấn cho 150 học viên người Dao về các điệu múa truyền thống: múa rùa, múa chuông, múa bát và hát ru để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao,....

Các tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác Hội năm 2024.
Với kết quả đạt được, công tác Hội tiếp tục đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Uy đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, hội viên trong năm 2024. Năm 2025, đề nghị Hội tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đặc biệt mời các trí thức, chuyên gia tham gia hoạt động Hội; tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách, đề án, dự án về lĩnh vực dân tộc miền núi; tham gia các các hoạt động phổ biến kiến thức, các giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ và tham gia hội thi sáng tạo khoa học công nghệ cấp tỉnh, Trung ương,...
Văn Lộc