• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 7

    Hôm nay: 56

    Đã truy cập: 737281

Mô hình Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đoạt giải Nhất “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hóa năm 2024"

Sáng 27/12, Tỉnh đoàn Thanh Hóa phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa, tổ chức Lễ tổng kết và trao giải “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hóa năm 2024”, và phát động cuộc thi năm 2025.

       Sau một thời gian phát động cuộc thi, đến ngày 20/7/2024 toàn tỉnh đã có 300 mô hình, sản phẩm tham gia dự thi đến từ các địa phương trong tỉnh. Ban tổ chức cuộc thi cấp huyện đã tổ chức chấm và lựa chọn được 30 mô hình tiêu biểu của thanh, thiếu niên, nhi đồng gửi tham gia Cuộc thi cấp tỉnh.

Toàn cảnh lễ tổng kết và trao giải.

       Ban tổ chức cuộc thi cũng đã lựa chọn 18 mô hình, sản phẩm có điểm số cao nhất để tham dự Cuộc thi “Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2024”. Kết quả Thanh Hóa xuất sắc giành 1 giải Khuyến khích với mô hình “Chiến thắng Điện Biên Phủ” của nhóm tác giả Vũ Tuấn Hoàng, lớp 5A; Nguyễn Ngọc Anh, lớp 4B; Đoàn Nguyên Bảo, lớp 3B; Nguyễn Triều Dương, lớp 3B Trường Tiểu học Hà Tân (Hà Trung).

       Tại lễ tổng kết, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba, 11 giải khuyến khích cho các tác giả có mô hình xuất sắc tham gia cuộc thi. Đồng thời, Ban tổ chức đã khen thưởng cho 1 tập thể, 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cuộc thi.

Đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn và đại biểu trao giải Nhất cho nhóm tác giả Vũ Tuấn Hoàng, lớp 5A; Nguyễn Ngọc Anh, lớp 4B; Đoàn Nguyên Bảo, lớp 3B; Nguyễn Triều Dương, lớp 3B Trường Tiểu học Hà Tân (Hà Trung), với mô hình "Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

       Tiếp đó, Ban tổ chức đã phát động “Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hóa năm 2025 và kêu gọi đoàn viên, thanh, thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng cuộc thi.

Đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa trao giải Nhì cho nhóm tác giả xuất sắc tham gia cuộc thi.

       Cuộc thi là sân chơi bổ ích nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo khoa học kỹ thuật trong đời sống, học tập và phát huy tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh. Đồng thời, cũng là cầu nối giao lưu học hỏi lẫn nhau, ứng dụng lý thuyết vào thực tế, giúp các em học sinh trau dồi kiến thức, rèn luyện sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành các nhà sáng chế trong tương lai. Thông qua cuộc thi nhằm phát hiện, tôn vinh những tài năng sáng tạo trẻ, có nhiều triển vọng để bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

       Mô hình Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đoạt giải Nhất "Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hóa năm 2024"

Nhóm tác giả Vũ Tuấn Hoàng, lớp 5A; Nguyễn Ngọc Anh, lớp 4B; Đoàn Nguyên Bảo, lớp 3B; Nguyễn Triều Dương, lớp 3B Trường Tiểu học Hà Tân (Hà Trung), chụp ảnh cùng cô giáo Vũ Thị Niềm, giáo viên Trường Tiểu học Hà Tân - người hướng dẫn thực hiện “Mô hình chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, đoạt giải Nhất”Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hoá năm 2024".

       Để chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ, nhóm tác giả Vũ Tuấn Hoàng, lớp 5A; Nguyễn Ngọc Anh, lớp 4B; Đoàn Nguyên Bảo, lớp 3B; Nguyễn Triều Dương, lớp 3B Trường Tiểu học Hà Tân (Hà Trung) đã lên ý tưởng thực hiện “Mô hình chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”.

       Nguyên lý của mô hình đó là, cấp nguồn điện 220v đi qua adapter chuyển đổi dòng điện xuống còn 12v, dòng điện đi qua mô đun rồi tới mô tơ, nhận vật trong mô hình được kết nối với mô tơ bằng sợi dây inox nhỏ có khớp quay hai đầu, khi cấp điện làm mô tơ quay đồng thời kéo nhân vật chuyển động theo. Từ đó, có thể điều chỉnh tốc độ nhanh hoặc chậm cho nhân vật bằng nút vặn điều chỉnh tốc của mô đun.

       Về cấu tạo, thành phần vật liệu: Các nhân vật và hoạt cảnh trong mô hình được làm thủ công bằng vật liệu tre và gỗ, để nhân vật trong mô hình có thể chuyển động được thông qua chuyển động quay của động cơ điện. Và được cấp nguồn thông qua nguồn điện 12v. Ngoài ra còn có các vật liệu khác như: keo dán, dây điện, dây inox, bộ chỉnh áp động cơ...

       Chuyển động của nhân vật trong mô hình được làm theo cơ chế khi động cơ điện 12v quay sẽ làm quay trục liên kết với nhân vật, tạo ra hiệu ứng chuyển động. Để có thể tạo ra các hiệu ứng chuyển động khác nhau sẽ dùng 1 thanh inox có độ bền cao tạo ra những đoạn gấp khúc khác nhau khi quay sẽ tạo như hiệu ứng chuyển động khác nhau làm cho nhân vật chuyển động sống động và đẹp hơn.

       Mô hình có độ ổn định rất cao. Cấu trúc được làm từ gỗ và tre được liên kết chắc chắn bằng keo và đinh vít tạo độ liền mạch cho mô hình. Động cơ hoạt động ổn định, cơ chế thanh trục quay đều tạo hiệu ứng chuyển động cho nhân vật rất tốt.

       Mô hình đã đáp ứng được tất cả các tiêu chí đặt ra từ khi lên ý tưởng tới lúc thực hiện mô hình từ tiết kiệm chi phí dùng vật liệu có sẵn, tới thông số về mặt kỹ thuật và độ bền đầu.

       Mô hình thúc đẩy khả năng tìm tòi sáng tạo, vừa học vừa chơi. Tạo sự hứng thú trong học tập cho các em học sinh. Giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, đặc biệt là trận chiến vang dội Điện Biên Phủ. Từ đó, gợi cho các em hứng thú về môn lịch sử hơn, hứng thú nghe giảng và tìm tòi nội dung.

       Mô hình Hộp đựng thuốc thông minh nhắc nhở người bệnh uống thuốc đúng giờ, đoạt giải Nhì "Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hoá năm 2024"

Nhóm tác giả Lê Quang Dũng, Lê Xuân Tuấn Kiệt, Đoàn Tiến Đạt, Trường Tiểu học Hoàng Sơn; Lê Hoàng An, Đỗ Văn Dũng, Trường THCS Hoàng Giang (Nông Cống), chụp ảnh cùng cô giáo Hoàng Thị Hồng Nhung, Trường THCS Hoàng Giang - người hướng dẫn thực hiện mô hình Hộp đựng thuốc thông minh đoạt giải Nhì “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hoá năm 2024”.

       Mô hình “Hộp đựng thuốc thông minh nhắc nhở người bệnh uống thuốc đúng giờ”, là sản phẩm công nghệ hỗ trợ người dùng trong việc quản lý liệu pháp dùng thuốc hàng ngày. Với khả năng đặt lịch uống thuốc theo thời gian cụ thể, thiết bị sẽ giúp người dùng không bỏ lỡ bất kỳ liều thuốc nào, đặc biệt là những người phải dùng thuốc theo đúng lịch trình như bệnh nhân mắc bệnh mãn tính hay bị nhiều bệnh cùng một lúc. Điều này đặc biệt hữu ích cho người già, người hay quên hoặc bận rộn với công việc hàng ngày.

       Nguyên lí hoạt động của hộp đựng thuốc thông minh đó là, để lấy thời gian thực sẽ sử dụng modul DS1302 (có chip đếm thời gian và pin duy trì), dữ liệu được đưa vào vi xử lý để lấy thông tin về giờ, phút, giây (có thể lấy ngày, tháng, năm) và hiển thị lên màn hình LCD.

       Để đặt thời gian, có nhiều giải pháp như sử dụng bàn phím, phím bấm tăng/giảm, màn cảm ứng... mô hình này sử dụng biến trở vô cấp tích hợp phím MODE lựa chọn chế độ và phím tăng (quay theo chiều kim đồng hồ), phím giảm (quay ngược chiều kim đồng hồ).

       Để tạo âm thanh, sẽ sử dụng công cụ vbee để tạo file âm thanh dạng mp3. Các file này được đặt tên theo thứ tự 0001,0002,...,0005 và lưu vào thẻ nhớ. Sau đó, vi xử lý sẽ xử lý các điều kiện về thời gian để phát lệnh phát các file âm thanh. Âm thanh được khuếch đại bằng ampli dạng số và đưa ra loa. Loa được thiết kế dạng cộng hưởng để tăng cường chất lượng âm và giảm kích thước.

       Để tránh nhầm thuốc ở các ngăn có tích hợp công tắc tự động mở cửa sau mỗi lần nhắc uống thuốc...

       Sau một thời gian nghiên cứu chế tạo và lắp đặt “Hộp đựng thuốc thông minh nhắc nhở người bệnh uống thuốc đúng giờ”, đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giúp bệnh nhân uống thuốc đúng giờ. Ngoài ra thiết bị có thể áp dụng tại bệnh viện hỗ trợ bác sỹ trong việc nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc hàng ngày.

       Dự án “Xây dựng mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh bằng men vi sinh tự làm “DIY - Do it yourself” tại hộ gia đình trên địa bàn TP Thanh Hóa”, đoạt giải Nhì "Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hoá năm 2024"

Nhóm tác giả Đoàn Đức Thành, Lớp 11, Trường THPT Đào Duy Từ; Trương Đức Anh, Lớp 11, Trường THPT Tô Hiến Thành chụp ảnh cùng cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Anh, giáo viên Trường THPT Đào Duy Từ, người hướng dẫn các em thực hiện mô hình Xây dựng mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh bằng men vi sinh tự làm “DIY - Do it yourself” tại hộ gia đình trên địa bàn TP Thanh Hóa”, đoạt giải Nhì “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hoá năm 2024”.

       Khi thực hiện mô hình “Xây dựng mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh bằng men vi sinh tự làm “DIY - Do it yourself” tại hộ gia đình trên địa bàn TP Thanh Hóa”, chúng em mong muốn sẽ hướng dẫn người dân tự làm chế phẩm sinh học từ những vật liệu rẻ tiền, sẵn có để người dân dễ dàng tiếp cận với chế phẩm sinh học một cách chủ động và chi phí thấp trong xử lý rác thải hữu cơ nhằm hướng tới môi trường sống thân thiện.

       Các quy trình làm chế phẩm men vi sinh đó là:

       Lên men lỏng từ nước vo gạo và sữa: Nước vo gạo được cho vào bình sạch 1 lít, đậy khăn giấy ăn, để nơi thoáng mát, trong bóng tối khoảng 3-5 ngày, không được lắc, ngửi có mùi chua là sử dụng được. Gạn lấy phần trên nước vo gạo sau lên men, trộn với sữa tươi theo tỷ lệ 10 sữa, 1 nước vo gạo để chua, tất cả cho vào bình 2-3 lít, đậy bằng vải dày hoặc đậy nắp hờ, để trong bóng tối, nơi sạch sẽ tránh côn trùng, ruồi, kiến, để lên men trong 10-14 ngày. Không được lắc. Lọ lên men được tách làm 3 phần, nhẹ nhàng lấy phần dịch khuẩn màu vàng, mùi chua ở lớp giữa ra, bảo quản trong tủ lạnh mát để sử dụng.

       Lên men rắn yếm khí với cám gạo: Chuẩn bị 5 kg cám gạo đổ ra bạt để trộn nguyên liệu. Lấy 200 ml dịch khuẩn vàng từ bước một, sau đó trộn với 200 g đường vào chậu chứa 2-3 lít nước sôi để nguội, hòa tan đều. Đổ hỗn hợp dung dịch vào 5 kg cám, đảo đều, điều chỉnh độ ẩm về 60%. Cám gạo sau khi trộn được bỏ vào túi nilon dày, kín, nén toàn bộ khí trong túi ra, buộc chặt miệng bì. Bọc bên ngoài một bì dày, kín. Ủ cám trong túi nilon ở nơi thoáng mát trong bóng tối, không đảo trộn trong vòng 2-3 tuần đến khi bề mặt xuất hiện lớp phủ màu trắng, cám thơm là được.

       Xử lý rác thải bằng men vi sinh: Chuẩn bị thùng ủ rác men vi sinh, thùng có lớp vỉ ngăn rác, chỉ để nước lọt qua, phía dưới thùng có vòi để lấy nước phân lỏng ra. Lót một lớp men vi sinh lên vỉ, bỏ rác hữu cơ nhà bếp vào hàng ngày theo từng lớp 5 cm, cứ mỗi lớp 5 cm thì lót 1 lớp men vi sinh cho đến khi đầy thùng. Thu nước tách ra trong quá trình lên men rác lại, đóng chai, bảo quản nơi mát, tối. Pha loãng 100-200 lần để sử dụng cho cây trồng. Rác trong thùng sau khi lấy kiệt nước sẽ được lấy ra, đào hố hoặc rãnh để bỏ vào, lấp đất rồi trồng cây lên.

       Ưu điểm của mô hình này là, men vi sinh do người dân tự làm theo phương pháp bẫy các loại vi sinh vật từ tự nhiên kết hợp với các loại vật liệu rẻ tiền, sẵn có tại địa phương. Mô hình xử lý rác thải hữu cơ được xây dựng tương đối nhỏ, gọn, linh hoạt phù hợp với không gian hộ gia đình ở các đô thị, thành phố hiện nay.

Nguyễn Đạt

Nguồn: Báo Thanh Hóa

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa