Thanh Hóa đạt 2 giải Nhất quốc gia cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 18
Trong cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18, năm 2022 vừa qua, Thanh Hóa vinh dự đạt 2 giải Nhất thuộc về các Trường THPT Lương Đắc Bằng và THPT Hoằng Hóa 4 (Hoằng Hóa).
2 dự án đạt giải Nhất đó là: Mô hình bè nổi hình lục giác trồng cây thủy sinh làm từ chai nhựa tái chế góp phần lọc nước ô nhiễm tại các con sông và tạo cảnh quan trong khu dân cư, đô thị của nhóm học sinh: Nguyễn Thùy Linh, Hà Nguyễn Gia Bảo, Nguyễn Hải Anh (Trường THPT Hoằng Hóa 4) và Trịnh Nguyên Thành (Trường THPT Lương Đắc Bằng); Dự án Chế tạo đồng phục học sinh tích hợp phao cứu sinh tự động góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước trong học sinh các cấp của nhóm học sinh Nguyễn Đức Minh, Hoàng Thu Trang, Vương Hoàng Toàn, Nguyễn Ngọc Khánh Huyền và Đỗ Thị Phương (Trường THPT Lương Đắc Bằng).
Nhận thấy tình trạng ô nhiễm tại các con sông ngày càng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống tại khu dân cư. Nhóm học sinh Trường THPT Hoằng Hóa 4 đã đề xuất ý tưởng làm sạch môi trường nước bằng các nguyên vật liệu tái chế và cây thủy sinh. Những loài cậy như thủy trúc, cây rau muống, cây lục bình, cây sậy, cỏ vetiver, cỏ nến, rau mác, cỏ đuôi ngựa, cây lưỡi mác… có tác dụng lọc nước, hấp thụ kim loại nặng, tăng hàm lượng ô xi trong nước, giảm thiểu mùi hôi thối… cũng như một số loại nhuyễn thể như trai (2 mảnh) có khả năng lọc nước nhờ ăn các chất hữu cơ… Vì vậy nhóm đã sử dụng công nghệ sinh học tự nhiên nhờ chế tạo những bè nổi hình lục giác làm từ các chai nhựa tái chế trồng các loại cây thủy sinh, các loại trai để lọc nước ô nhiễm góp phần giảm mùi hôi thối trên các con sông, đồng thời cải tạo cảnh quan cây xanh cho các khu dân cư.
Bè được tích hợp năng lượng mặt trời, vì vậy nhóm sử dụng công nghệ lọc nước bằng phương pháp điện hóa, đồng thời sử dụng các biện pháp lọc nước truyền thống như bể lọc qua hệ thống lắng từ cát, sỏi, than hoạt tính… hoặc sục khí gia tăng nồng độ oxi trong nước. Bên cạnh đó, bè được tích hợp thêm tính năng phát loa âm thanh tuyên truyền bảo vệ môi trường, lắp thêm đèn led tạo cảnh quan cho con sông, từ đó phát huy tác dụng tối đa của mô hình này khi đưa vào ứng dụng trong thực tế.
Để thực hiện mô hình, gom chai nhựa, nhóm tự bỏ tiền mua hàng chục cây xanh tổ chức chương trình “đổi chai nhựa lấy cây xanh” tại trường.
Cô Nguyễn Lan Phương, giáo viên Trường THPT Hoằng Hóa 4, người hướng dẫn đề tài, cho biết: “Tham gia nghiên cứu, hoàn thiện mô hình không những kích thích sự đam mê, khoa học, tính sáng tạo của học sinh mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Mô hình sử dụng hoàn toàn bằng nguyên vật liệu xanh, tái chế mà cách hoàn thiện mô hình của các em cũng rất “xanh” đó chính là việc đổi cây lấy chai nhựa”.