Hội Lâm nghiệp tập huấn kỹ thuật trồng rừng cây keo Lai nuôi cấy mô
Thực hiện chương trình công tác năm 2022, được sự thống nhất hỗ trợ của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp & PTNT, Hội Lâm nghiệp Thanh Hoá tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật trồng rừng cây keo Lai nuôi cấy mô tại Thường Xuân cho gần 100 cán bộ, hội viên thuộc các ban quản lý rừng phòng hộ, chủ hộ trồng rừng thuộc các xã Luận Khê, Luận Thành, Xuân Cao thuộc huyện Thường Xuân và các xã Xuân Khang, Hải Vân huyện Như Thanh.
Lớp tập huấn được nghe các chuyên gia thuộc Hội Lâm nghiệp, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa truyền đạt và giới thiệu chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn tập trung theo Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Thanh Hoá về việc ban hành Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2022-2025; phương pháp kỹ thuật sản xuất giống Cây Keo Lai nuôi cấy mô; kỹ thuật sản xuất ươm cây giống nuôi cấy mô – trồng – chăm sóc – bảo vệ rừng gỗ lớn trồng bằng cây keo Lai giống nuôi cấy mô
Với đặc tính cây keo Lai nuôi cấy mô có ưu điểm được lấy mẫu từ cây bố mẹ khỏe mạnh, có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt ở ngoài thực địa, được thông qua cải thiện giống về di truyền; cây bố mẹ có tán tròn đều, góc phân cành lớn, thân cây chính có độ thon thẳng và không cong queo. Với nguồn giống sạch được bảo quản trong phòng kỹ thuật, khi được đưa ra hiện trường trồng rừng, cây con ít bị sâu bệnh, cây sinh trưởng và phát triển nhanh, rút ngắn chu kỳ kinh doanh khoảng từ 4 – 7 năm cho gỗ làm nguyên liệu giấy, gỗ dăm; khoảng từ 8 – 12 năm cho gỗ lớn, gỗ xẻ, gỗ dân dụng đóng các đồ trang trí nội thất, ngoài trời. Cây keo lai mô chỉ cho 1 thân, không 2 thân như loài cây keo lai hom nên giảm thiểu trong công việc nuôi dưỡng rừng như cắt tỉa thân trong việc tạo hóa sản phẩm rừng trong kinh doanh rừng nhiều tuổi để làm mục tiêu gỗ dân dụng, gỗ xẻ. Cây con được đưa ra hiện trường trồng rừng về tỷ lệ sống đạt 100%, không hao hụt trong quá trình trồng rừng và giảm chi phí trồng dặm sau khi nghiệm thu về trồng rừng.
Thông qua hội nghị tập huấn về phương pháp kỹ thuật sản xuất giống cây Keo Lai nuôi cấy mô trồng rừng tại Thường Xuân, Hội lâm nghiệp Thanh Hóa khuyến cáo việc đưa giống keo lai nuôi cấy mô vào trồng rừng sản xuất là hướng đi đúng mong rằng được người trồng rừng và doanh nghiệp đón nhận. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Để nhân rộng mô hình trồng rừng từ giống mới này, đề nghị quý vị đại biểu tham dự học lớp tập huấn này về cơ sở tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật tới các hộ (chủ rừng) lâm nghiệp trên địa bàn xã mình, đơn vị mình, tạo phong trào đổi mới về nhận thức, áp dụng khoa học kỹ thuật mới, lan tỏa ra địa bàn toàn tỉnh, góp phần xây dựng, phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu; tăng thu nhập cho người dân, xóa đói – giảm nghèo – làm giàu lên từ rừng./.
XD