Thanh Hóa: Chuyển đổi số thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh
Sáng nay ngày 6/10, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức các sự kiện hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022, trên địa bàn tỉnh.
Cùng với chủ đề “Thúc đẩy chương trình chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa”, các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã chính thức bắt đầu. Mở đầu chuỗi hoạt động, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và Bộ Thông tin và Truyền thông đã cắt băng khai mạc triển lãm các sản phẩm, giải pháp, mô hình chuyển đổi số; khai trương thử nghiệm mạng 5G và Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thanh Hóa.
Khai mạc sự kiện ngày 6/10, tại tỉnh Thanh Hóa cũng tổ chức 2 hội thảo với các chuyên đề: Chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số tại tỉnh Thanh Hóa; Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh sẽ được tổ chức. Đây là nội dung quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thực chất và hiệu quả.
Nằm trong chuỗi sự kiện Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022, ngày 7/10, sẽ diễn ra chương trình giao lưu học sinh, sinh viên với chủ đề “Chuyển đổi số với tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ tỉnh Thanh Hóa”, đồng thời bế mạc các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số.
Trong 9 tháng năm 2022, kết quả của công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tích cực, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống; mở ra cơ hội thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Cụ thể, tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 1.525.644 lượt văn bản, số văn bản gửi đi trên hệ thống là 617.936 văn bản, tỷ lệ ký số cá nhân đạt 98,72%, tỷ lệ ký số cơ quan đạt 99,07% giúp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị được công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan Nhà nước.
Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã cung cấp 149 dịch vụ công mức độ 3 và 725 dịch vụ công mức độ 4; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 863 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa của tỉnh đã tiếp nhận 502.225 hồ sơ, trong đó tiếp nhận, xử lý 192.933 hồ sơ trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn đạt 97,6%; 100% cơ quan chính quyền đều sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử, trong đó tổng số hồ sơ chứng thực là 97.979 hồ sơ, số hồ sơ đã hoàn thành chứng thực 91.507, đạt tỉ lệ 93%
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 14.037 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 97,5%); có 1.138 hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (chiếm 98,4%); có 1.306.281 hóa đơn điện tử đã được sử dụng và truyền về cơ quan thuế; hỗ trợ trên 551.817 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu; triển khai chữ ký số công cộng cho trên 5.000 doanh nghiệp và hơn 600 hộ kinh doanh; góp phần giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh từng bước chuyển đổi số, thực hiện ký hồ sơ hợp đồng điện tử, nộp thuế, báo cáo thuế trực tuyến.
Tại hội nghị Chuyển đổi số, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, chuyển đổi số hiện nay là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0. Chuyển đổi số không đơn giản là mức ứng dụng và phát triển cao hơn của công nghệ thông tin, mà chuyển đổi số là nút đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Liêm cho biết, so với nhiều địa phương khác, tỉnh Thanh Hóa chưa phải là tỉnh có nguồn lực kinh tế mạnh, nhưng được sự quan tâm của Bộ TT&TT và các Bộ, ngành Trung ương, Thanh Hóa bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực: Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định); tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao. Trước đó, Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, Thanh Hóa đứng thứ 12/63 tỉnh thành phố.
Tuy nhiên, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn là một khái niệm mới. Nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức, viên chức chưa hiểu sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác chuyển đổi số. Chính vì vậy tại các đơn vị, ngành, lĩnh vực, địa phương, chuyển đổi số chưa được quan tâm đúng mực; chưa quyết liệt chỉ đạo, điều hành; chưa tích cực, chủ động, còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. “Việc tổ chức các chuỗi sự kiện hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là cơ hội để Thanh Hóa tìm hiểu, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách căn bản nhất với tinh thần “Chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Liêm nhấn mạnh.
Đại diện Bộ TT&TT, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) cũng có bài phát biểu về chiến lược chuyển đổi số quốc gia và định hướng chuyển đổi số địa phương trong giai đoạn mới. Ông Tiến cho rằng, giai đoạn vừa qua, các Bộ, ngành địa phương đã tích cực xây dựng nghị quyết, kế hoạch chuyển đổi số của mình và bước đầu đã có các bước tiến khi triển khai. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn lúng túng trong việc xác định tường minh bài toán chuyển đổi số, theo đó cần ưu tiên tuyên truyền, phổ biến bằng cách tổ chức các hội nghị, hội thảo.
XD ST