• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 3

    Hôm nay: 227

    Đã truy cập: 554694

Mô hình nuôi ong mật do Trung tâm CORENACCA thực hiện

       Xã Nga Thuỷ, Nga Tân, huyện Nga Sơn và xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá là những xã thuộc giáp ranh với đường biển, sinh kế người dân nơi đây chủ yếu dựa vào trồng cói, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản và kinh doanh các dịch vụ khác. Các loại cây như trang, bần, sú… đã hình thành nơi đây có hệ sinh thái rừng rất phong phú và đa dạng, hàng năm mùa hoa nở cung cấp lượng thức ăn dồi dào cho các loại côn trùng lấy nhuỵ hoa.

       Nhận biết được những lợi thế đó, một số người dân đã tiên phong đi đầu trong việc thử nghiệm mô hình nuôi ong ven rừng ngập mặn và bước đầu cho hiệu quả khả quan. Tuy nhiên, do nuôi theo hình thức tự phát, chưa nắm vững được kỹ thuật nuôi ong nên năng suất, chất lượng mật và số lượng đàn còn chưa cao.

       Cuối năm 2021, với sự hỗ trợ của Tổ chức Bánh mỳ thế giới, Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn tài nguyên thiên nhiên và thích ứng biến đổi khí hậu (CORENACCA) đã triển khai thực hiện Dự án “Quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng, tăng cường khả năng chống chịu rủi ro biến đổi khí hậu tại Thanh Hóa, Việt Nam” tại các xã Nga Thuỷ, Nga Tân (huyện Nga Sơn) và xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc); trong đó đã hỗ trợ 200 thùng ong giống cho 100 hộ gia đình tại 3 xã Dự án. Sau hơn 10 tháng triển khai với việc áp dụng các phương pháp tập huấn hiện trường (FFS) theo các giai đoạn phát triển của ong, các hộ gia đình đã có thêm những kiến thức và kỹ năng trong việc chăm sóc, thu hoạch và nhân đàn. Đến nay, 100% các hộ nuôi ong đã có thu nhập từ bán mật và tiến hành nhân đàn trong thời gian tới.

       Ông Trần Công Lịch, xã Nga Thuỷ chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 thùng ong nhưng hiệu quả đem lại chưa cao do chưa nắm vững các kiến thức và kỹ năng chăm sóc ong. Sau khi Dự án hỗ trợ 2 thùng ong, gia đình tôi được tham gia tập huấn các kỹ thuật theo các giai đoạn phát triển của ong. Tính từ 5/2022 đến nay, gia đình đã thu hoạch 17kg mật ong và đang tiến hành cấy chúa để nhân đàn trong thời gian tới”.

       Việc nuôi ong lấy mật không chủ tận dụng tốt nguồn thức ăn sẵn có từ hoa các loại cây rừng ngập mặn, còn giúp tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần cải thiện thu nhập cho hộ gia đình. Ngoài ra, việc nuôi ong còn gắn liền với việc bảo vệ và quản lý rừng ngập mặn một cách tốt hơn thông qua việc nâng cao ý thức và nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng.

       Ông Trần Trung Độ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nga Thuỷ, chia sẻ: “Do ong lấy mật từ các loại hoa rừng ngập mặn nên mật ong có màu sắc, hương vị đặc trưng và chất lượng hơn rất nhiều so với các mật ong sử dụng các loại hoa khác. Lãnh đạo xã và Hội luôn ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất để các hộ dân phát triển mật ong rừng ngập mặn thành sản phẩm thương hiệu của địa phương để hướng tới thành lập sản phẩm OCOP”./.

Trung tâm CORENACCA

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa