• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 4

    Hôm nay: 344

    Đã truy cập: 545152

Đưa Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị vào cuộc sống: Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng Thanh Hóa

Ngày 3-2-2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chương trình hành động của Chính phủ nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 58-NQ/TW, xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể và thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp để thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết.

Qua theo dõi Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW, ý kiến của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đều bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng. Các ý kiến cho rằng Chương trình hành động của Chính phủ được xây dựng trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thanh Hóa, nhất là vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, vai trò kết nối vùng, bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của con người Thanh Hóa nhằm đưa Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững, trở thành một cực tăng trưởng mới.

Đồng thời, Chương trình hành động thể hiện được vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng liên kết phát triển, tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách có tính đột phá; huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng, mở rộng hợp tác quốc tế, đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với nhiệm vụ củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Để đạt được các chỉ tiêu cụ thể như Nghị quyết số 58-NQ/TW đã nêu, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là: Hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù. Xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế; chú trọng phát triển kinh tế biển và ven biển, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Phát triển giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; dịch vụ chăm sóc sức khỏe tạo nền tảng để trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thể thao và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác và hữu nghị với các địa phương của nước bạn Lào, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền.

Chương trình hành động của Chính phủ nhấn mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW cần phải được tổ chức triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân để tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và quyết tâm cao của các ngành, các cấp về nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; không chỉ là của riêng Thanh Hóa mà còn của vùng miền Trung và cả nước.

Vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã được thể hiện rõ nét trong Chương trình hành động, trong đó tập trung vào các nội dung hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, các chủ trương, chính sách có tính đột phá cho tỉnh Thanh Hóa. Đó là việc xây dựng Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia. Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và phát triển các dự án trong các ngành công nghiệp có thế mạnh, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp nặng; trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics là đột phá.

Rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng trong việc thu hút đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, phát triển các ngành kinh tế, lĩnh vực trong đó ưu tiên nguồn lực hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại; đưa Khu Kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ trọng điểm của cả nước với các tổ hợp công nghiệp mũi nhọn như: công nghiệp lọc hóa dầu và chế biến các sản phẩm sau lọc hóa dầu, điện khí, năng lượng tái tạo, hóa chất, công nghiệp kim loại, luyện kim, công nghiệp chế biến thực phẩm... tạo động lực, sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Bắc Trung bộ, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước nói chung.

Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhất là cho các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, dịch vụ logistics, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu... và đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại tỉnh Thanh Hóa.

Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án có trình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, nghiên cứu phát triển, cam kết chuyển giao công nghệ, có khả năng lan tỏa, liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, khả thi cao về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế cho tỉnh Thanh Hóa bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước trình Quốc hội xem xét, ban hành.

Để tổ chức thực hiện Chương trình hành động đạt hiệu quả cao, Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa, có cơ chế điều hành tập trung, cụ thể để tăng cường sự phối kết hợp triển khai các nội dung nghị quyết.

Trong đó tập trung vào một số nội dung cụ thể đó là: Xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 13/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ, chú trọng việc thực hiện phân cấp, phân quyền toàn diện hơn gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương cho tỉnh Thanh Hóa; giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức năng cùng phối hợp, hỗ trợ giúp xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, Chính phủ yêu cầu phải tập trung khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cơ quan chuyên môn rà soát, kiểm tra, bổ sung kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ để xây dựng các chương trình, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị. Chủ động phát triển quan hệ liên kết, trao đổi, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt gắn với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Đối với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng miền Trung và Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh phải chủ động phát triển quan hệ liên kết, hợp tác với tỉnh Thanh Hóa trên các lĩnh vực, tạo sự gắn bó và sức mạnh chung để cùng khai thác các tiềm năng, lợi thế của nhau vì sự phát triển chung.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 28-2-2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, đảng bộ trong toàn tỉnh đã và đang cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 58-NQ/TW gắn với việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, phù hợp với tình hình, điều kiện của từng địa phương, đơn vị, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng các chương trình, đề án, khâu đột phá, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Việt Linh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa