• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 4

    Hôm nay: 1399

    Đã truy cập: 555866

Nông dân Thanh Hóa nuôi loài côn trùng này rồi lấy chất thải của nó đem bán lãi gấp 20 lần trồng keo

Ở miền núi Thanh Hóa, mô hình trồng cây đậu thiều làm cây chủ để thu cánh kiến đỏ cho thu nhập gấp hàng chục lần trồng rừng, nhưng dân lại chưa mặn mà.

Theo thống kê, Thanh Hóa có gần 1.000 loài cây dược liệu như: Ba kích, đinh lăng, củ mài, hòe, hương nhu trắng, quế, hi thiêm, nghệ vàng, cà gai leo, hà thủ ô, sa nhân, giảo cổ lam, ích mẫu, mã tiền, bạc hà... Trong đó, có khoảng 20 loài dược liệu quý. Các loài dược liệu chủ yếu tập trung tại 11 huyện miền núi với nhiều loài cây đặc hữu.

Thực tế, trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai các dự án, giải pháp để bảo tồn, phát triển bền vững các loài cây dược liệu, từng bước hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến. Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Từ hàng chục năm nay, người dân huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã nuôi cánh kiến đỏ, thu hoạch nhựa. Toàn bộ sản phẩm hiện được một công ty tại Hà Nội thu mua. Hiệu quả từ việc nuôi cánh kiến đỏ trên cây chủ thấy là thấy rõ, nhưng điều khiến nhiều người băn khoăn là diện tích nuôi cánh kiến đỏ tại các địa phương ở xứ Thanh vẫn còn quá ít.

Ông Lương Thanh Bình tại Khu 3, Thị trấn Mường Lát hiện có 1 ha cây đậu thiều thả cánh kiến đỏ để khai thác nhựa. Theo ông Bình, cánh kiến thả trên cây đậu thiều có thể cho thu hoạch từ 2 - 2,5 tấn nhựa/ha/năm. Với giá thu mua của một đơn vị tại Hà Nội đã cam kết như hiện nay, người nuôi cánh kiến có thể thu về bình quân từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm.

Theo ông Bình, trên vùng đất biên giới vừa dốc lại vừa nghèo chất dinh dưỡng này, không có cây gì hiệu quả hơn nuôi cánh kiến đỏ thu nhựa trên cây chủ.

Là người nuôi cánh kiến đỏ từ hàng chục năm nay, ông Bình cho rằng, nuôi cánh kiến đỏ vừa nhàn lại vừa cho hiệu quả kinh tế cao. So với cây keo là cây lâm nghiệp được trồng phổ biến ở địa phương, thì nuôi cánh kiến đỏ cho hiệu quả kinh tế cao gấp 15 - 20 lần.

Ông Bình phân tích: Đất đồi núi bạc màu, gần như không thể trồng được cây gì, không có nhân lực, không có nhiều vốn liếng và thời gian chăm sóc thì mới phải đi trồng keo. Trong khi đó, so với trồng keo thì việc trồng các loại cây chủ để nuôi cánh kiến đỏ cũng không tốn công là bao, đầu tư lại ít...

"Ngày xưa, người dân Mường Lát thường thả cánh kiến lên những cây chủ to, cao nhưng về sau chủ yếu nuôi cánh kiến trên cây đậu thiều vì chúng có chiều cao vừa phải, rất dễ khai thác nhựa”, ông Bình cho hay.

Cũng theo ông Bình, đậu thiều là cây họ đậu, dễ trồng, nhu cầu dinh dưỡng và nước tưới thấp và 3 - 4 năm mới phải trồng lại. Nếu trồng cây cọ khiết làm cây chủ để nuôi cánh kiến đỏ thì thời gian lưu gốc thường 20-30 năm, nhưng có nhược điểm là thân cao, khó thu hoạch.

Hiện nay, người dân vẫn thích trồng cây đậu thiều để nuôi cánh kiến đỏ bởi ngoài ưu điểm cây thấp, dễ thu hoạch, cây đậu thiều còn là cây họ đậu giúp cải tạo đất, chăm sóc đơn giản, ít sâu bệnh nên đa phần người dân Mường Lát trồng loại cây này để thả cánh kiến.

Nghề hái tiền, nhưng chưa được chú trọng

Đậu thiều là cây có sẵn tại địa phương, có thể nhân giống bằng hạt nên trồng đậu thiều gần như không phải tốn kém bất kỳ chi phí nào về giống, và cũng không cần phải bón phân, hay chăm sóc cầu kỳ.

Theo kinh nghiệm của người dân, nếu dùng đậu thiều làm cây chủ thì thường gieo hạt đầu năm và trồng vào tháng 4 và đến tháng 10. Cánh kiến đỏ cũng là côn trùng có sẵn trong môi trường. Bản thân cây đậu thiều có "sức hấp dẫn", giúp thu hút cánh kiến đỏ.

Cánh kiến đỏ trưởng thành sẽ tự tìm tới, ký sinh trên cây đậu thiều. Sau khi đẻ trứng và nở ra ấu trùng, người nuôi thường lấy ấu trùng buộc vào các cây đậu mùa để cánh kiến đỏ sinh sôi phát triển đều trên cây chủ và nhả ra nhựa để khai thác.

Thường mỗi năm, người nuôi sẽ có hai lần khai thác nhựa vào tháng 4 và tháng 10. Sản phẩm hiện được một doanh nghiệp tại Hà Nội ký hợp đồng bao tiêu với giá 40 nghìn đồng/kg.

Ngoài việc trồng đậu thiều trên các triền đồi, trên đất ven đường, một số người dân nuôi cánh kiến còn có sáng kiến trồng cây đậu thiều trên bờ ruộng để thả cánh kiến.

Ông Hà Văn Huân, Khu 3, Thị trấn Mường Lát, người có 500 cây đậu thiều đã thả cánh kiến đỏ sắp đến ngày thu hoạch chia sẻ: Trồng cây đậu thiều trên bờ ruộng vừa tận dụng diện tích đất dư thừa và thu hoạch được cánh kiến đỏ. Lá cây đậu thiều rụng xuống ruộng làm phân bón cho cây trồng cũng rất tốt. Thời gian tới, ông Huân sẽ tiếp tục trồng thêm cây đậu thiều trên bờ ruộng để thả cánh kiến đỏ.

Từ năm 2007, ông Lương Thanh Bình (Khu 3, Thị trấn Mường Lát) đã được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi cánh kiến đỏ để khai thác nhựa. Sau khi được chuyển giao, ngoài diện tích tại gia đình, ông Bình hiện đã phát triển vùng nuôi lên 50 ha, tập trung tại các xã Quang Chiểu, Mường Chanh, Tam Chung, Mường Lý, Thị trấn Mường Lát, Nhi Sơn, Pù Nhi... (huyện Mường Lát). Người trồng và nuôi cánh kiến đỏ hiện nay chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái của huyện Mường Lát.

Theo ông Bình, hiện đồng bào các huyện Quan Sơn, Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa và một số huyện miền núi của tỉnh Nghệ An cũng đã liên hệ nhờ ông chuyển giao kỹ thuật và cung cấp nguồn giống.

Nuôi cánh kiến đỏ cho hiệu quả kinh tế cao nhưng theo ông Bình, hiện đồng bào dân tộc huyện Mường Lát vẫn chưa thực sự quan tâm. Đó là một điều rất đáng tiếc khi điều kiện kinh tế người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

“Nuôi cánh kiến đỏ rất nhàn và cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng thực tế vẫn còn nhiều người chưa hiểu về giá trị của nó. Người già, trẻ con cũng có thể nuôi và thu hoạch cánh kiến đỏ; sản phẩm ra đến đâu được thu mua đến đó. Tôi rất muốn mở rộng vùng nuôi để phát triển kinh tế địa phương và nâng cao thu nhập cho đồng bào”, ông Bình trăn trở.

Để việc thu hoạch nhựa cánh kiến đỏ được dễ dàng, đồng bào Mường Lát thường trồng trên những cây chủ thấp, chu kỳ khai thác ngắn. Điều này lý giải vì sao việc nuôi cánh kiến đỏ không phù hợp trên những cánh rừng nếu muốn phủ xanh đất trống đồi trọc.

Ông Mai Hữu Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa (BQL) cũng cho rằng, nuôi cánh kiến đỏ lấy nhựa làm dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Mường Lát cũng nuôi cánh kiến đỏ nhưng chủ yếu chọn các loại cây chủ đa mục đích. Vì vậy, khi cây chủ đã lớn, việc thả và thu hoạch cánh kiến đỏ khó khăn nên từ nhiều năm nay, BQL không còn nuôi cánh kiến đỏ nữa. Đây là một trong những yếu tố khiến diện tích nuôi cánh kiến đỏ hiện chưa được chú trọng tại Thanh Hóa.

Võ Văn Dũng - Việt Khánh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THANH HÓA

Giấy phép hoạt động số 04/GP-TTĐT ngày 03/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch Liên hiệp hội

Địa chỉ: 17 Hạc Thành, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.720.885; 02373853656 - Email: khoahocthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa